Quốc tế

Viễn cảnh ông Trump đảo ngược chính sách thương mại của Mỹ

VP 19/03/2024 19:00

Các chuyên gia tại 1 hội nghị ở Tokyo vừa cho biết, châu Á cần tiếp tục thúc đẩy thương mại tự do và nền kinh tế toàn cầu mở, sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 năm nay, trong bối cảnh mối lo ngại gia tăng về chủ nghĩa bảo hộ.

Ông Manu Bhaskaran, CEO của công ty tư vấn Centennial Asia Advisors có trụ sở tại Singapore nói: “Tôi nghĩ điều quan trọng là phải để các nền kinh tế mở và thương mại tự do ở bất kỳ khía cạnh nào có thể. Chúng ta cũng cần tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, thông qua đa dạng hóa.”

cuu-tong-thong-trump-o-florida-anh-miami-herald.jpg
Chính sách thương mại của Mỹ được dự đoán có thể thay đổi nếu ông Trump đắc cử - Ảnh: CNN

Cũng tại hội nghị được tổ chức bởi Viện Quan hệ Quốc tế Singapore (SIIA) và Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản, ông Bhaskaran chia sẻ tiếp: “Tôi tin rằng, Singapore và Nhật Bản có thể hợp tác cùng nhau, để xây dựng một cấu trúc khu vực hướng đến các mục tiêu này.”

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã giành được đề cử của đảng Cộng hòa, công khai tuyên bố rằng, nếu chiến thắng vào tháng 11 tới, ông sẽ áp đặt thuế quan bổ sung với hàng nhập khẩu. Hàng từ Trung Quốc, thuế có thể là 60% hoặc hơn. Điều này khiến không chỉ Trung Quốc, mà rất nhiều nước châu Á lo lắng.

Vấn đề là nhiều quốc gia trong khu vực có mối liên hệ phức tạp với chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Vì vậy, bất kỳ điều gì gây gián đoạn cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc, cũng gây gián đoạn cho các lĩnh vực sản xuất của nhiều nước châu Á.

Ông Manu Bhaskaran, CEO của công ty tư vấn Centennial Asia Advisors

Các chuyên gia nhất trí rằng, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một nhóm gồm 11 thành viên mà cả Nhật Bản và Singapore đều tham gia, sẽ đóng vai trò lớn hơn, trong việc duy trì động lực để các nền kinh tế mở.

Ông Simon Tay, Chủ tịch SIIA cho biết: “Ngay cả khhi thế giới đang nói về offshoring, nearshoring hoặc friend shoring, CPTPP vẫn là một đối tác và cơ chế thương mại đáng tin cậy.”

Nhật Bản đã kêu gọi Hoa Kỳ trở lại CPTPP, sau khi ông Trump rút khỏi vào năm 2017. Tổng thống Biden không đảo ngược quyết định của ông Trump. Thay vào đó, Nhà Trắng đưa ra Khung Hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), tập trung vào các lĩnh vực chiến lược, như chuỗi cung ứng với các đối tác châu Á.

Khi được hỏi về lo ngại ông Trump có thể hủy IPEF nếu đắc cử, chuyên gia Simon Tay trả lời, điều cần thiết là giữ cho Hoa Kỳ tiếp tục, nhưng các thành viên cần lên kế hoạch về việc cần làm, nếu Hoa Kỳ đưa ra quyết định khó chấp nhận.

Trung Quốc, Đài Loan và một số bên đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP.

Theo ông Bhaskaran, CPTPP có thể mở rộng và đáng tin cậy hơn khi thêm thành viên mới. Hiệp định nên mở cửa cho Trung Quốc, nếu nước này nghiêm túc, bất chấp những lo ngại rằng, đất nước tỷ dân sẽ gây ra các tác động lớn như thao túng.

Ông Ashok Mirpuri, cựu đại sứ Singapore tại Mỹ cho rằng, CPTPP cần duy trì tính mở và toàn diện, nhưng các tiêu chuẩn cần giữ nguyên. Ông nói: “Chúng ta đừng làm loãng CPTPP, bằng cách bỏ qua các tiêu chuẩn. Hãy nói không với những đối tác chưa tuân theo luật pháp quốc tế.”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Viễn cảnh ông Trump đảo ngược chính sách thương mại của Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO