Thời sự

Nếu ông Trump đắc cử nhiệm kỳ 2…

ThS. Lưu Văn Vinh (*) 28/02/2024 15:01

Việc ông Trump liên tục dẫn trước Tổng thống Biden tại nhiều bang chiến trường theo nhiều cuộc thăm dò gần đây, làm dấy lên khả năng vị cựu Tổng thống sẽ quay lại Nhà Trắng một lần nữa sau đợt bầu cử tháng 11/2024.

5465467.jpg

Nhiều quốc gia châu Âu và cộng đồng doanh nghiệp đang tích cực chuẩn bị kịch bản trên. Vậy nếu ông Trump chiến thắng, chính sách kinh tế - thương mại của Mỹ sẽ thay đổi ra sao?

Dưới thời ông Trump, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra gay gắt và khi đến thời ông Biden, tình hình cũng không khả quan hơn. Trong đợt bầu cử tháng 11 sắp tới, cho dù ai làm tổng thống thì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đều rất khó giải quyết. Bởi vì đây là sự cạnh tranh giữa một cường quốc đã khẳng định vị trí và một cường quốc đang lên. Nhìn lại lịch sử, các cuộc cạnh tranh này thường rất khốc liệt và dẫn tới xung đột quân sự. Hiện nay, Mỹ và Trung Quốc cơ bản đã điều tiết được mối quan hệ, nhưng bất đồng về kinh tế vẫn còn nhiều. Do đó, chiến tranh thương mại khả năng cao sẽ vẫn diễn ra gay gắt.

Ngoài ra, một số yếu tố khác thúc đẩy cuộc đối đầu giữa hai nước này. Thứ nhất, theo quan điểm của ông Trump, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược. Ông Trump từng tuyên bố sẽ không bao giờ nhượng bộ Trung Quốc, sẽ tiếp tục tăng thuế cho đến khi nào Trung Quốc đáp ứng yêu cầu đưa ra. Thứ hai là lợi ích chính trị. Chiến tranh thương mại và quan điểm cứng rắn với Trung Quốc là vũ khí chính trị lợi hại, giúp ông Trump nhận được sự ủng hộ từ cử tri Mỹ, đặc biệt là lao động trong những ngành cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc. Thứ ba là mâu thuẫn chiến lược. Đối đầu Mỹ - Trung dàn trải trên hàng loạt lĩnh vực như an ninh quốc gia, công nghệ hay tranh chấp biển đảo. Do đó, chiến tranh thương mại có thể là công cụ để Mỹ kìm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy nhiên, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ không đi quá xa, bởi áp lực từ các doanh nghiệp Mỹ, nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ cũng như sự thay đổi chính sách thường xuyên của Mỹ.

viet-my-1.jpg

Trong quan hệ với Việt Nam, dưới thời ông Trump, Việt Nam bị gắn mác “thao túng tiền tệ” và có thặng dư thương mại với Mỹ cao. Ông Trump là người rất quyết liệt trong vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ với đối tác. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ năm 2023 là trên dưới 80 tỷ USD, cao nhất Đông Nam Á. Vì vậy, không loại trừ khả năng, ông sẽ có phương án đối phó những quốc gia thặng dư thương mại với Mỹ cao như Việt Nam.

Thứ nhất, có thể ông Trump sẽ đàm phán lại Hiệp định Thương mại Việt Nam - Mỹ (BTA) theo hướng Việt Nam phải mua nhiều hàng hơn nhưng bán ít lại, giảm thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ và mở cửa mạnh hơn ngành dịch vụ cho các công ty Mỹ. Thứ hai, ông có thể áp đặt thuế quan với hàng hóa Việt Nam. Điều này sẽ ngay lập tức làm giảm lượng hàng hóa từ Việt Nam xuất đi Mỹ, do giá cả đắt đỏ hơn và tính cạnh tranh yếu hơn. Thuế quan cũng là cách ông Trump áp dụng với Trung Quốc cùng nhiều nước khác, cho nên nếu tình hình khó giải quyết, có thể ông sẽ không ngần ngại sử dụng lại biện pháp này.

Thứ ba, ông Trump có thể yêu cầu Việt Nam nâng giá trị tiền đồng Việt Nam. Điều này đi kèm với việc trừng phạt những công ty Việt Nam nếu bị cáo buộc thao túng tiền tệ. Các quan chức dưới thời ông Trump không ít lần cho rằng, việc đồng Việt Nam yếu mang lại lợi thế lớn cho các nhà xuất khẩu là điều không công bằng. Thứ tư, ông có thể hợp tác với các nước khác để gia tăng áp lực lên Việt Nam. Thứ năm, ông Trump có thể sử dụng biện pháp ngoại giao để thuyết phục Việt Nam thay đổi chính sách.

Những cách trên có thể gây tổn hại cho kinh tế Việt Nam, làm giảm xuất khẩu và chậm tăng trưởng. Ngoài ra cũng gây căng thẳng cho quan hệ 2 nước. Do vậy, khả năng cao 2 bên sẽ đàm phán tiến tới giải pháp cùng chia sẻ lợi ích. Ví dụ, Mỹ khuyến khích đầu tư vào Việt Nam. Ngay cả dưới thời ông Biden, các doanh nghiệp Mỹ cũng được khuyến khích tới tìm hiểu và đầu tư tại Việt Nam. Nên rất có thể dưới thời ông Trump, làn sóng còn mạnh mẽ hơn, nhất là các lĩnh vực như chip, chất bán dẫn, linh kiện điện tử, giáo dục hay giao thông vận tải. Điều này giúp tăng nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ. Ngoài ra, hàng Việt Nam xuất sang Mỹ đa phần sẽ từ các công ty Mỹ, hay nói cách khác là “người Mỹ mua hàng Mỹ”. Nhưng đổi lại, Mỹ có thể hỗ trợ Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng. Tất cả hướng Việt Nam đi lên bền vững hơn, cân đối mậu dịch hơn và mua hàng từ Mỹ nhiều hơn.

Xét bối cảnh quan hệ 2 nước đang tốt đẹp trên mọi mặt như hiện nay, đặc biệt là vừa nâng cấp thành “Đối tác chiến lược toàn diện”, viễn cảnh trên là khả dĩ nhất nếu ông Trump đắc cử nhiệm kỳ 2. Về tổng thể, Việt Nam có thể sẽ gặp một số áp lực phải cân bằng thương mại, nhưng đi kèm là rất nhiều cơ hội về đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam, lẫn từ Việt Nam vào Mỹ. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách lẫn khối doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục cải cách và đổi mới.

Về việc áp thuế, cựu Tổng thống Trump từng đe dọa sẽ tăng thuế mọi hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ ít nhất 10%. Việc áp thuế 10% như vậy sẽ dẫn tới không ít hậu quả tiêu cực. Đó là làm tăng giá hàng hóa cho người tiêu dùng Mỹ, gây tâm lý phản đối và làm tổn hại các doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Áp thuế làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh ở thị trường nội địa lẫn toàn cầu. Ngoài ra, động thái này chắc chắn gây nên chiến tranh thương mại, tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới. Nhiều chính phủ đã khẳng định, họ sẽ trả đũa nếu Mỹ áp thuế.

Tuy nhiên, khi nhìn vào chính sách “Nước Mỹ trên hết”, lịch sử áp thuế trong nhiệm kỳ trước của ông Trump hay các lời hứa tranh cử thì không nói trước được điều gì. Có một vài lý do sẽ ảnh hưởng đến quyết định trên. Thứ nhất, nếu tình hình kinh tế Mỹ khó khăn, có thể ông Trump sẽ áp thuế một số mặt hàng để bảo vệ ngành công nghiệp. Thứ hai là mối quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia mà ông Trump định áp thuế. Một khi họ điều chỉnh chính sách cho phù hợp, có thể sau khi 2 bên đàm phán, khả năng áp thuế sẽ thấp đi. Thứ ba là sự phản ứng của người dân và doanh nghiệp Mỹ đối với vấn đề tăng thuế.

(*) Giảng viên Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ năm 2023 là trên dưới 80 tỷ USD, cao nhất Đông Nam Á. Vì vậy, không loại trừ khả năng, ông sẽ có phương án đối phó những quốc gia thặng dư thương mại với Mỹ cao như Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nếu ông Trump đắc cử nhiệm kỳ 2…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO