Quốc tế

Đồng đô la Mỹ có thể “xấu đi” trong năm 2024?

Khả Hân 08/02/2024 13:00

Từ đầu năm 2024 đến nay, chỉ số USD-Index đã tăng gần 3%, lên mức cao nhất trong vòng 30 ngày qua, khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ leo thang, trong khi nhà đầu tư đang chờ đợi thêm manh mối về thời điểm FED hạ lãi suất.

Sự trở lại của đồng đô la Mỹ

Sau chuỗi giảm trong quý IV/2023, sự tăng giá mạnh trở lại đầy bất ngờ của đồng đô la Mỹ trong tháng đầu năm 2024 đặt nhiều nền kinh tế đối mặt thách thức trở lại, trong khi các nhà đầu tư lo ngại một số quốc gia buộc phải can thiệp thị trường ngoại hối để bảo vệ giá trị đồng nội tệ và gây ảnh hưởng xấu lên các thị trường tài chính.

Trong tuần trước, khối ngoại rút ròng 6,6 tỷ USD khỏi các thị trường chứng khoán mới nổi ở châu Á, qua đó ghi nhận tuần rút ròng mạnh nhất trong 19 tháng qua. Làn sóng bán tháo của khối ngoại chủ yếu diễn ra ở Đài Loan (Trung Quốc) - thị trường có tỷ trọng cổ phiếu công nghệ lớn và Ấn Độ - nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất ở khu vực châu Á. Cụ thể, chứng khoán Đài Loan bị bán ròng 4,5 tỷ USD, còn Ấn Độ bị rút ròng 2,45 tỷ USD chỉ trong hai ngày 17/1 và 18/1/2024.

ddo-do-nthang-16770295377812122679943.jpg

Cổ phiếu ở Đài Loan bị bán tháo giữa lúc giá đô la Đài Loan (TWD) giảm mạnh do đồng bạc xanh tăng giá sau bình luận của ông Christopher Walle - thành viên Hội đồng Thống đốc Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED), cảnh báo FED không nên vội vàng giảm lãi suất cho đến khi bảo đảm lạm phát giảm bền vững về mức mục tiêu 2%. Chỉ số chứng khoán Taiex của Đài Loan có lúc giảm đến 1% trong phiên ngày 17/1, về mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

Được biết, trước đó, hôm 16/1, Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) Đài Loan đã bán đô la Mỹ để hỗ trợ giá TWD và ổn định thị trường. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) thời gian qua cũng phải luôn hỗ trợ đồng nhân dân tệ thông qua ấn định tỷ giá tham chiếu của đồng tiền này hằng ngày. Giới chức Hàn Quốc gần đây cho rằng đồng won đang suy yếu do với đô la Mỹ, trong khi nhà đầu tư đang lo ngại NHTƯ Nhật Bản (BOJ) sẽ sớm can thiệp ngoại hối để vực dậy đồng yen.

Đồng yen đã giảm gần 5% trong năm nay, làm dấy lên lo ngại về hành động can thiệp sắp xảy ra khi đồng tiền này tiến gần đến mức 150 yen đổi 1USD. Yen Nhật là một trong những loại tiền tệ có diễn biến tệ nhất trong vài năm qua. Đồng tiền này đã giảm khoảng 20% so với đô la Mỹ kể từ cuối năm 2021, trong bối cảnh BOJ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, còn các NHTƯ khác đẩy mạnh tăng lãi suất để chống lạm phát.

Đồng won cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2023, trong khi đồng TWD giảm hơn 1% chỉ trong tuần này. Hành động can thiệp ngoại hối của các NHTƯ để hạn chế suy yếu của đồng nội tệ bằng cách mua vào USD tất yếu sẽ làm tăng cầu USD và đẩy đồng bạc xanh tăng giá. Đây là xu hướng khá bất ngờ, khi các nhà hoạch định chính sách tại châu Á ngỡ rằng công việc ổn định tỷ giá của họ đã hoàn thành vào năm ngoái, trong khi hầu hết dự báo cho thấy đồng USD trong năm nay khó tăng giá, thậm chí giảm trở lại trước kỳ vọng FED sẽ quay lại lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ.

Những dự báo ngược chiều

Goldman Sachs dự báo FED có thể bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 3 tới và thực hiện tổng cộng năm đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Goldman Sachs dự báo kinh tế Mỹ sẽ “hạ cánh mềm” với tăng trưởng giảm tốc nhẹ và lạm phát tiếp tục đà giảm trong năm nay. Dù vậy, khả năng diễn ra các đợt hạ lãi suất với mức giảm 0,5% là rất thấp. Lãi suất của FED hiện đang ở mức 5,25-5,5%/năm. Năm lần hạ lãi suất với mức giảm 0,25 điểm phần trăm như dự báo nói trên sẽ đưa lãi suất về mức 4-4,25%/năm.

Trong khi đó, Chủ tịch FED khu vực Atlanta Raphael Bostic kỳ vọng NHTƯ chỉ có thể bắt đầu giảm lãi suất vào quý III/2024, khi lạm phát dần trở về mục tiêu 2%. Dự báo này khác xa kỳ vọng của thị trường, vốn cho rằng FED sẽ cắt giảm lãi suất từ tháng 3/2024 và có tổng cộng 6 đợt cắt giảm trong năm nay. Một số yếu tố có thể làm thay đổi tính toán của các quan chức FED gồm xung đột địa - chính trị ở Trung Đông, cuộc chiến ngân sách đang diễn ra ở thủ đô Washington và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Theo Thống đốc FED Christopher Waller, các NHTƯ nên theo cách tiếp cận thận trọng và có hệ thống đối với quá trình giảm lãi suất. FED có thể hạ lãi suất trong năm nay nếu lạm phát không tăng tốc trở lại.

Dù tỏ ra cởi mở với việc giảm lãi suất, nhưng ý kiến của ông Waller cho thấy FED sẽ không vội giảm lãi suất và có thể không cắt giảm nhiều như kỳ vọng của thị trường.

Những tuyên bố của giới chức FED kể từ sau cuộc họp tháng 12/2023 chưa có dấu hiệu nào cho thấy các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ đã sẵn sàng từ bỏ sự cảnh giác với lạm phát. Như bà Lorie Logan - Chủ tịch FED khu vực Dallas, chia sẻ sự nới lỏng của điều kiện tài chính, bao gồm sự tăng điểm mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong năm 2023 và xu hướng giảm gần đây của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ làm khả năng lạm phát có thể tăng tốc trở lại.

Trước những nhận địnhh trên, dễ hiểu vì sao đồng USD bất ngờ tăng giá trở lại. Với 15 tháng liên tục tăng lãi suất, dù đã dừng tăng nhưng FED cũng đang thể hiện rõ ý định giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài. Theo giới phân tích tài chính, sức mạnh gần đây của đồng USD có thể là do nền kinh tế của Mỹ phục hồi, lãi suất tăng và khả năng FED sẽ duy trì lãi suất cao trong khi tăng trưởng toàn cầu chậm lại.

Dù cuộc thăm dò ý kiến các nhà phân tích của hãng tin Reuters chỉ ra rằng, đồng USD sẽ suy yếu trong năm 2024, nhưng theo các chuyên gia của Goldman Sachs, mặc dù triển vọng của đồng USD có thể xấu đi vào năm 2024, nhưng nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ và ổn định, do đó các nhà đầu tư vẫn nghiêng về phía đồng tiền này.

“Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 12/2023, cụ thể, CPI tăng 0,3% so với tháng trước, cao hơn dự báo 0,2% của các chuyên gia kinh tế, cho thấy áp lực lạm phát vẫn còn đeo bám nền kinh tế này. Xét trong giai đoạn 12 tháng, CPI Mỹ tăng 3,4% so với 2022, cao hơn so với dự báo 3,2%. Lạm phát ở Mỹ tăng tốc ngay khi các quan chức FED dự báo áp lực giá cả đang hạ nhiệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đồng đô la Mỹ có thể “xấu đi” trong năm 2024?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO