FED chưa dừng tăng lãi suất?

Khả Hân| 13/06/2023 06:00

Cuộc họp vào giữa tháng 6 này của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được xem là một trong những cuộc họp khó khăn nhất kéo dài 15 tháng qua nhằm chế ngự lạm phát. Liệu cuộc họp lần này, FED lại tăng lãi suất?

FED chưa dừng tăng lãi suất?
Chủ tịch FED đang ở thế "lưỡng nan"

FED ở thế khó xử

Trong khi Chủ tịch FED Jerome Powell dường như có ý định tạm ngừng tăng lãi suất, nhưng có thể vẫn tuyên bố nhiệm vụ thắt chặt chính sách tiền tệ của cơ quan này vẫn chưa hoàn thành. Theo giới quan sát, cách làm này của FED vừa hợp lý, lại vừa khó hiểu và đầy rủi ro, khi thị trường có thể nhận định sai tín hiệu mà cơ quan này muốn truyền tải.

Kể từ tháng 3/2022, FED đã tăng lãi suất chính sách trong 10 cuộc họp liên tiếp, lên mức từ 5-5,25%, với hai lần tăng gần đây nhất diễn ra vào tháng 3 và tháng 5 vừa qua, ngay cả khi hệ thống ngân hàng của nước này đối mặt với sự hỗn loạn sau sự sụp đổ của một số nhà băng kéo theo rủi ro thanh khoản của các ngân hàng địa phương.

Giờ đây, có vẻ như ông Powell và một số đồng nghiệp của ông muốn "nghỉ ngơi" trong cuộc họp ngày 13-14 tới, để có thêm thời gian đánh giá triển vọng nền kinh tế, mặc dù dự báo hằng quý cho thấy lãi suất và lạm phát trong năm nay tăng cao hơn so với dự báo tại thời điểm ba tháng trước. Một số quan chức cho rằng, lý do FED muốn tạm dừng tăng lãi suất là để quản lý rủi ro và để thu thập thêm dữ liệu của nền kinh tế.

Hiện FED đang bị kẹt giữa hai mặt trận, một mặt các nhà hoạch định chính sách muốn đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% vì không muốn đẩy lãi suất quá cao đến mức "đè bẹp" nền kinh tế. Ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới này đã tăng lãi suất hơn 5% trong vòng một năm - một trong những giai đoạn tăng lãi suất nhanh nhất trong lịch sử gần 110 năm hình thành FED.

Cho đến nay, nền kinh tế Mỹ đã chứng tỏ khả năng phục hồi nhanh hơn so với dự báo, trước những đợt tăng lãi suất nhanh chóng. Một báo cáo của Bộ Lao động Mỹ vừa rồi cho thấy, các nhà tuyển dụng đã tạo thêm 339.000 việc làm trong tháng 5/2023, cao hơn nhiều so với dự báo 190.000 việc làm của các chuyên gia kinh tế và cũng đánh dấu 29 tháng liên tiếp tăng trưởng việc làm, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng, chi tiêu của người dân vẫn tăng bất chấp áp lực giá liên tục đi lên.

Trong khi đó, lạm phát đã chậm lại trong những tháng gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ. Chỉ số giá theo dõi ưa thích của FED, loại trừ giá lương thực và năng lượng, đã tăng 4,7% trong 12 tháng qua. Giới phân tích cho rằng, những tín hiệu của FED trong hai tháng qua cho thấy cơ quan này đang có những lo ngại về tăng trưởng suy giảm hơn là lo ngại về lạm phát.

Những rủi ro cho thị trường

Tuy nhiên, với lạm phát vẫn còn cách xa mục tiêu và tỷ lệ thất nghiệp gần mức thấp lịch sử, các nhà hoạch định chính sách của FED có thể tăng lãi suất ít nhất hai lần nữa để chống lại áp lực giá cả mà không làm giảm tốc độ tăng trưởng. Một số quan chức FED đã chỉ ra tác động chậm chạp của chính sách tăng lãi suất và khả năng thắt chặt tín dụng trên diện rộng của các ngân hàng, đề xuất các nhà hoạch định chính sách nên thận trọng và theo dõi dữ liệu nền kinh tế sắp tới một cách cẩn thận.

Cần biết rằng, mặc dù các dữ liệu kinh tế gần đây dần ổn định, nhưng có những chỉ báo khác cho thấy sự thận trọng, chẳng hạn như chỉ số kinh tế hàng đầu của Conference Board báo hiệu một cuộc suy thoái vào thời điểm nào đó trong 12 tháng tới. Khi dữ liệu phát ra những tín hiệu trái chiều, các ngân hàng trung ương có xu hướng hành động chậm hoặc không hành động gì cả.

Mô hình dự báo của Deutsche Bank công bố mới đây cho thấy 35-40% khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ bước vào suy thoái, mức cao nhất kể từ đại dịch Covid-19. Tổ chức này cũng cảnh báo Mỹ và châu Âu sắp xảy ra làn sóng vỡ nợ, một phần là do chu kỳ thắt chặt tiền tệ nhanh nhất trong 15 năm qua. Theo đó,  tỷ lệ vỡ nợ ở Mỹ có thể lên tới 9% với trái phiếu có lợi suất cao và 11,3% đối với các khoản vay, gần mức cao nhất từ trước đến nay là 12% của giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2007-2008 và cao hơn mức 7,7% của bong bóng công nghệ vào năm 2000. Ở châu Âu, con số này tương ứng là 4,4% và 7,3%.  Deutsche Bank kỳ vọng tỷ lệ vỡ nợ sẽ chạm đỉnh vào quý IV/2024.

Với việc thỏa thuận về nợ trần của chính phủ Mỹ được Tổng thống Joe Biden ký ban hành hôm 3/6 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đang chuẩn bị cho các đợt phát hành trái phiếu hàng loạt để huy động tiền cho ngân khố đang kiệt. Động thái này sẽ càng làm tăng thêm tác động của thắt chặt định lượng đối với thị trường cổ phiếu và trái phiếu, khi hút cạn thanh khoản trên thị trường.

Tuy nhiên, việc tạm dừng tăng lãi suất cũng có thể đưa đến một số rủi ro. Trong thời gian qua, các quan chức đã báo hiệu cho các thị trường rằng họ dự định đưa lãi suất về mức tương đối - ước tính trung bình vào tháng 3 đầu năm nay - cho thấy lãi suất sẽ đạt 5,1% vào cuối năm 2023 và giữ tại mức đó một thời gian. Ngược lại, các thị trường đã dự báo FED sẽ sớm cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2023.

Với Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã sớm giảm lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại để hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, chính sách của FED có lẽ sẽ không tác động quá lớn đến định hướng của Ngân  hàng Nhà nước trong thời gian còn lại của năm nay.

Do đó, việc bỏ qua đợt tăng lãi suất vào tháng 6 này có thể khiến các quan chức gặp khó khăn hơn trong việc khởi động lại chính sách này, nếu cần. Để tránh kết quả đó, ông Powell sẽ cần nói rõ trong cuộc họp báo của FED sau cuộc họp giữa tháng 6 rằng có thể cần nhiều nỗ lực hơn để giảm lạm phát, nhằm phát tín hiệu lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ vẫn chưa dừng lại như kỳ vọng trước đây. Tuy nhiên, công chúng cũng có thể mất niềm tin vào khả năng của FED trong việc đưa lạm phát trở lại mức 2% nếu lạm phát ở trên mục tiêu lâu hơn.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, nhà đầu tư hiện dự báo khả năng 79% FED sẽ giữ lãi suất không đổi tại cuộc họp chính sách ngày 13-14/6, sau 10 lần nâng lãi suất trong hơn 12 tháng qua. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương khác cũng đang tiếp tục tăng lãi suất. Ngày 6/6, Ngân hàng Dự trữ Australia thông báo quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, lên 4,1%. Đây là mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng này áp dụng kể từ tháng 5/2012, trong bối cảnh lạm phát có xu hướng gia tăng, buộc các nhà hoạch định chính sách phải có hành động kịp thời.

Với Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã sớm giảm lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại để hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, chính sách của FED có lẽ sẽ không tác động quá lớn đến định hướng của Ngân  hàng Nhà nước trong thời gian còn lại của năm nay, do bối cảnh kinh tế vĩ mô và áp lực lạm phát, tình trạng thanh khoản của hai nền kinh tế Việt, Mỹ có những khác biệt. Áp lực tỷ giá cũng sẽ không quá lớn, do nguồn cung ngoại tệ được dự báo ở nước ta vẫn tiếp tục dồi dào. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
FED chưa dừng tăng lãi suất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO