Viễn cảnh ông Trump chiến thắng khiến doanh nghiệp Mỹ lo ngại?
Khi Tổng thống Trump rời nhiệm sở cách đây 3 năm, ông vẫn giận dữ và muốn lật ngược kết quả bầu cử. Lãnh đạo hầu hết các tập đoàn lớn đều thở phào vì cuối cùng ông cũng chuyển giao quyền lực. Nhưng giờ đây, khả năng không nhỏ là ông Trump có thể quay lại Nhà Trắng sau kỳ bầu cử tháng 11/2024.
Cuối nhiệm kỳ của ông Trump, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ bất đồng với Nhà Trắng trên nhiều lĩnh vực. Trước đó hai bên hợp tác tương đối ăn ý. Khi mới nhậm chức, ông Trump cắt giảm thuế thu nhập cá nhân và thuế doanh nghiệp, tạo ra một là gió mới cho kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, ông xem nhẹ những quy tắc về môi trường, xem nhẹ quy tắc phòng chống Covid-19, gây căng thẳng với đồng minh về thương mại… Tất cả khiến doanh nghiệp và kinh tế Mỹ gặp không ít bất lợi. Rồi các sự kiện liên quan đến bầu cử 2020, khiến nhiều người nhận xét ông Trump đã đi quá giới hạn.
Cuối nhiệm kỳ trước của ông Trump, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng về tình hình đất nước. Business Roundtable – một nhóm vận động hành lang cho các công ty lớn, đã công khai yêu cầu ông Trump chấm dứt tình trạng hỗn loạn sau bầu cử 2020. Hàng loạt công ty sau đó tuyên bố sẽ ngưng tài trợ cho đảng Cộng hòa, nếu họ không thuyết phục ông Trump công nhận kết quả kiểm phiếu.
Ngày 15/1/2024, chiến thắng vang dội của ông Trump tại vòng tranh cử sơ bộ đảng Cộng hòa ở bang Iowa, đã củng cố vị thế của ông với tư cách ứng viên số một. Các cuộc thăm dò cũng cho thấy, nếu đối đầu trực tiếp với Tổng thống Joe Biden vào thời điểm này, ông Trump sẽ chiến thắng.
Lo sợ về một giai đoạn hỗn loạn có thể lập lại, giờ đây những tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đang nhiều hơn. Cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers kêu gọi CEO trên toàn nước Mỹ từ chối ủng hộ ông Trump. Ông Larry nhắc lại kinh tế nước Ý đã hoạt tốt trong những năm đầu Benito Mussolini cầm quyền. Càng về sau, vấn đề càng lộ rõ. Tuy vậy, số doanh nghiệp lên tiếng được cho vẫn còn ít. Điều này có thể đến từ một số lý do.
Đầu tiên, còn đến 10 tháng nữa mới tới bầu cử, nên bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Các vấn đề sức khỏe có thể buộc một trong hai ứng viên rời cuộc đua (cộng lại, tuổi của ông Biden và Trump là158). Ông Trump không chỉ phải đối mặt với các đối thủ trong Đảng Cộng hòa, mà còn là 91 tội danh nghiêm trọng ở cả tòa án liên bang lẫn tiểu bang.
Thứ 2, sự phản đối và chỉ trích có vẻ không tác dụng với ông Trump trong nhiệm kỳ đầu. Ông thường nhanh chóng trả đũa, đăng lên Twitter lời công kích ngược đối thủ. Một lượng fan hâm mộ rất lớn của ông Trump ngay lập tức sẽ làm theo, khiến những người chỉ trích ông Trump bị tổn hại về danh tiếng, sự nghiệp chính trị lẫn kinh tế. Thời gian gần đây, các tiếng nói dân túy ngày càng nhiều, họ sẵn sàng bảo vệ ông Trump một cách quyết liệt. Lãnh đạo 1 hiệp hội kinh doanh nổi tiếng từng buồn bã thừa nhận, dẫu có công khai phản đối ông ấy, cũng không tác động được gì.
Vài năm qua, khi mối quan hệ giữa doanh nghiệp lớn và đảng Cộng hòa của ông Trump xấu đi, các giám đốc điều hành phải cân nhắc một cách khó khăn về rủi ro, nếu liều lĩnh bày tỏ quan điểm. Một cố vấn quan hệ công chúng cho các CEO cách đây vài năm nghĩ rằng, giới doanh nghiệp tương đối dễ dàng từ bỏ ông Trump, vì những rắc rối pháp lý. Nhưng sau đó diễn ra cuộc tẩy chay không chính thức đối với một thương hiệu bia nổi tiếng, khiến lãnh đạo công ty phải suy nghĩ lại vấn đề lợi nhuận. Công ty bị kẹt giữa doanh số bán hàng và quan điểm phản đối ông Trump.
Về Tổng thống Biden, nếu phải lựa chọn, nhiều doanh nhân nói rằng họ coi ông là người vững vàng trong hoạch định chính sách kinh tế lẫn ưu tiên địa chính trị. Tuy vậy, trong chính quyền vẫn có những tiếng nói thường xuyên chỉ trích giới doanh nghiệp, cũng như chưa lên tiếng đủ mạnh để giảm lãi suất. Mặc dù họ hiểu rằng, cục dự trữ liên bang (FED) là cơ quan độc lập với Chính phủ, nhưng ít ra Tổng thống Biden và các thành viên như Bộ trưởng thương mại hoặc Bộ trưởng tài chính, cũng cần lên tiếng nhiều hơn. Không ít tiếng nói nhận xét, dù có sự vững vàng, nhưng Tổng thống Biden chưa thực sự quan tâm và ưu tiên cao cho cộng đồng doanh nghiệp, ảnh hưởng tới sự thịnh vượng của đất nước.
Một số doanh nhân khác thì giận dữ bác bỏ những nỗ lực, nhằm so sánh mối nguy hiểm giữa ông Trump và ông Biden. Họ lặng lẽ bày tỏ sự lo sợ trước viễn cảnh chính quyền Trump nhiệm kỳ 2. Trong nhiệm kỳ đầu, cựu Tổng thống đã thúc đẩy chính sách cấp tiến, nhưng những người bảo thủ trong chính quyền của ông, cũng như những người có thiên hướng bộc trực, sở hữu tiếng nói quan trọng. Giờ đây, xung quanh ông Trump là những người trung thành thực sự, chẳng hạn nhiều thành viên của Heritage Foundation, một tổ chức tư vấn ủng hộ “American First” mà công việc của họ, theo lời một lãnh đạo doanh nghiệp, là “cải thiện chương trình nghị sự của ông Trump”.
Nói cách khác, ông Trump có rất nhiều người sẵn sàng ủng hộ kế hoạch làm rung chuyển khuôn khổ kinh tế Mỹ, với niềm tin dựa vào đó giới doanh nghiệp sẽ phát triển thịnh vượng qua nhiều thế hệ. Nhưng giống như nhiệm kỳ trước, kế hoạch kinh tế của ông Trump phát huy tác dụng đầu nhiệm kỳ, nhiều chính sách khác mang đến bất lợi ở cuối nhiệm kỳ. Hiện nay, các trụ cột kinh tế mà giới doanh nghiệp Mỹ quan tâm nhất, là thương mại, di cư, thâm hụt tài chính, nợ công và năng lượng sạch.
Nỗi lo về rạn nứt với đồng minh
Điều giới doanh nghiệp Mỹ lo lắng bậc nhất về nhiệm kỳ 2 tiềm năng của ông Trump, là nguy cơ chiến tranh thương mại với đồng minh, sẽ làm sứt mẻ các mối quan hệ gần gũi được tạo dựng qua nhiều thế kỷ. Ông Trump nói sẽ áp mức thuế cơ bản ít nhất 10% đối với tất cả hàng hòa nhập khẩu. Trung Quốc là mục tiêu chính, nhưng khả năng cao các nước đồng minh cũng không ngồi im. Họ sẽ đáp trả nếu hàng hóa của mình bị đánh thuế.
Chính sách thương mại như vậy sẽ bất ổn hơn nhiều so với chính quyền Tổng thống Biden, vốn giữ nguyên thuế quan thời ông Trump, nhưng hợp tác với đồng minh, ví dụ Nhật Bản và Hà Lan, để cùng nhau hạn chế xuất khẩu hàng hóa chiến lược như chất bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc.
Một số người hy vọng rằng, ông Trump chỉ đang “đao to búa lớn” nhằm thu hút cử tri. Họ cảm thấy an ủi khi biết rằng, Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong quản lý hoạt động thương mại và các tòa án xét xử về thương mại.
Cựu Tổng thống có ý định làm vậy, cả khi nó phá vỡ các hiệp ước thương mại hiện có của Hoa Kỳ với đối tác.
Ông Kent Lassman, từ Competitive Enterprise Institute
Ông Trump luôn duy trì quan điểm mọi thứ có thể giải quyết bằng thỏa thuận. Nước Mỹ cần đàm phán lại vì đang là nạn nhân trong suốt nhiều năm. Những cố vấn hàng đầu của ông Trump về thương mại, như chuyên gia Robert Lighthizer và Peter Navarro, được cho là biết cách tận dụng quan điểm đó.
Lời đe dọa của ông Trump, về việc bắt giữ và trục xuất hàng triệu người di cư bất hợp pháp, cũng khiến các doanh nghiệp lo ngại, không chỉ vì lý do nhân đạo mà còn là tình trạng thiếu lao động đang ảnh hưởng đến nhiều công ty Mỹ. Tháng 11/2023, các doanh nghiệp Mỹ có 8,8 triệu vị trí tuyển dụng, số người thất nghiệp là 6,3 triệu.
Một số ý kiến nhận định, những đề xuất cứng rắn của ông Trump rất khó thực hiện. Ông Trump từng đưa ra cam kết trục xuất hàng loạt trong chiến dịch tranh cử năm 2016, nhưng không thể thực hiện do bị tòa án phản đối. Tuy nhiên, bất kỳ sự trục xuất nào dù lớn hay nhỏ, đều có thể gây tổn hại cho các ngành như nông nghiệp, giải trí, bán lẻ và khách sạn, vốn phụ thuộc vào lao động giá rẻ. Không ai phủ nhận, điều quan trọng là phải duy trì biên giới thật an toàn và vững chắc, nhưng nếu khơi dậy lòng nhiệt thành chống người nhập cư vì mục đích chính trị, sẽ gây nguy hiểm cho việc di cư bằng con đường hợp pháp. Điều đó ảnh hưởng đến khả năng tuyển dụng lao động có tay nghề và lao động phổ thông, của các doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ.
Nợ Chính phủ cũng là vấn đề nhiều CEO quan tâm. Họ ca ngợi Đạo luật “Việc làm và Cắt giảm Thuế” của ông Trump, giúp giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 21%. Nhưng họ cũng lo ngại rằng, cả ông Trump và ông Biden đều không có kế hoạch đáng tin cậy để ngăn chặn tình trạng thâm hụt ngân sách đang tăng lên. Nếu ông Trump theo đuổi ý tưởng kinh tế phi chính thống, mất niềm tin của nhà đầu tư có thể làm rung chuyển thị trường trái phiếu kho bạc, đẩy chi phí vay lên cao và khiến đồng USD rơi vào tình trạng bị hạn chế trong thương mại toàn cầu.
Câu hỏi về vai trò của Mỹ trên trường quốc tế
Hiện nay phần lớn cộng đồng doanh nghiệp vẫn tin vào sức mạnh của đồng USD. Tuy nhiên không ít tiếng nói lo ngại. Nhìn nước Anh năm 2022, lúc các nhà đầu tư mất niềm tin vào sự điều hành nền kinh tế của thủ tướng Liz Truss, họ đã bán tháo cổ phiếu. Điều tương tự có thể xảy ra với các chính sách khác lạ của ông Trump. Sai lầm trên ngay lập tức khiến thủ tướng Liz Truss phải từ chức. Nhưng ở Mỹ, để 1 Tổng thống từ chức là vô cùng khó khăn và phức tạp. Đây cũng không phải phong cách chính trị truyền thống xứ cờ hoa.
Cả ông Trump và Biden đều thể hiện mong muốn củng cố ngành công nghiệp của nước Mỹ, nếu đắc cử nhiệm kỳ 2. Ông Biden đã thúc đẩy thông qua đạo luật “Giảm lạm phát” (IRA), thì ông Trump lại hoài nghi về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ông Trump có thể đảo ngược các chương trình thúc đẩy năng lượng sạch. Trường hợp này, ông có thể đối mặt với sự phản kháng từ chính đồng nghiệp trong đảng Cộng hòa.
Nếu các đề xuất về chính sách kinh doanh của ông Trump không tạo được niềm tin, thì nỗ lực của ông nhằm làm xói mòn cơ quan tư pháp, hệ thống pháp quyền, NATO và các liên minh truyền thống, bao gồm cả quan điểm về Ukraine, sẽ đặt ra những câu hỏi lớn về vai trò của Mỹ trên thế giới.
Một số giám đốc điều hành lo ngại viễn cảnh trên. Vài tuần trước, lãnh đạo một công ty quản lý tài sản quốc tế đã gặp một nhóm chủ ngân hàng Mỹ, và thấy họ lạc quan quá lớn về cuộc bầu cử. Các ngân hàng nói rằng, dù kết quả thế nào thì hệ thống vẫn ổn định. Thị trường chứng khoán đã hoạt động tốt dưới thời cả hai Tổng thống. Kinh tế Mỹ đang trong tình trạng khỏe mạnh đến mức, có thể tồn tại ngay cả những trò tai quái về bầu cử năm 2020 lập lại. Một doanh nhân người Anh trong phái đoàn chia sẻ: “Có lẽ quan điểm của họ, là kinh doanh ở Mỹ đã vượt qua vấn đề chính trị. Liệu họ có đúng không?”
Tuy vậy, vẫn tồn tại những tiếng nói khác biệt. Ông Michael Strain từ American Enterprise Institute, một tổ chức tư vấn doanh nghiệp chia sẻ, chủ nghĩa dân túy của ông Trump khiến bạo lực chính trị ở Mỹ dễ xảy ra hơn vào năm 2024. Điều đó gây bất lợi lớn cho công việc kinh doanh. Lãnh đạo một công ty toàn cầu nói rằng, sự không chắc chắn các chính sách kinh tế dưới thời ông Trump, khiến những tập đoàn đa quốc gia lo ngại. Họ băn khoăn có nên mở rộng đầu tư sang quốc gia khác hay không, hoặc phân bổ cơ sở sản xuất ra sao? Bất kỳ tín hiệu nào cho thấy, ông Trump đang muốn làm suy yếu nền pháp quyền, và tính thiêng liêng của các hợp đồng lẫn hiệp ước, đều ngay lập tức lan truyền khắp thế giới, và khiến doanh nghiệp suy nghĩ lại. Một nhà tài chính ở New York than thở: “Những thứ như pháp quyền, sẽ không quan trọng với ông Trump. Nó rất mong manh, có thể biến mất hoặc suy giảm.”
Một nhà tài chính khác nói rằng, các doanh nhân Mỹ hiếm khi sụt giảm ý chí, trong việc xem xét tầm ảnh hưởng của đất nước trên trường quốc tế. Nhưng giờ đây mọi thứ đang thay đổi. Ví dụ nếu Mỹ không xử lý được vấn đề tàu hàng bị tấn công ở biển Đỏ, sẽ tác động không nhỏ đến giới doanh nghiệp. Ông Ron Temple, chiến lược gia tại ngân hàng Lazard cho biết, khoảng cách ngày càng lớn giữa những người cực hữu và cực tả ở Mỹ, làm gia tăng sự thay đổi về chính sách, như thường xuyên hơn và mức độ chỉnh sửa sâu rộng hơn. Điều này tác động đến sự ổn định ở cấp vĩ mô, và ông Trump đang là tâm điểm được theo dõi kỹ lưỡng.
Ông Trump đang một mình một ngựa?
Thống đốc Florida Ron DeSantis, từng là đối thủ hàng đầu của ông Trump trong nội bộ đảng Cộng hòa, vừa tuyên bố dừng chiến dịch tranh cử và dành sự ủng hộ cho vị cựu Tổng thống. Sự chuyển hướng này được cho là mang đến sức mạnh lớn lao với ông Trump, tiếp tục củng cố vị thế số một ở đảng Cộng hòa. Hiện người duy nhất được cho có thể đe dọa vị thế ông Trump, là bà Nikki Haley, cũng đang bị bỏ lại với khoảng cách xa.
Trong một video chia sẻ công khai, ông DeSantis nói rằng, sau khi về đích ở vị trí thứ 2 vào tuần trước tại bang Iowa, ông không thể tiếp tục yêu cầu người ủng hộ dành thời gian, sức lực và tiền bạc, khi không có 1 con đường chiến thắng rõ ràng.
Quyết định được đưa ra trước đợt bầu cử sơ bộ ở bang New Hampshire, nơi các cuộc thăm dò cho thấy, ông DeSantis kém xa người dẫn đầu là ông Trump và cựu đại sứ Nikki Haley.
Đối với tôi, viễn cảnh rõ ràng là đa số cử tri Cộng hòa muốn bầu cho ông Trump. Tôi dành sự ủng hộ cho ông Trump, với hy vọng ông ấy có thể bảo vệ các giá trị của đảng Cộng hòa, và khắc phục những chính sách chưa được lòng công chúng từ nhiệm kỳ trước.
Thống đốc Florida, ông Ron DeSantis
Ông Trump đã giành chiến thắng vang dội ở bang Iowa vào tuần trước, với 51% cử tri Đảng Cộng lựa chọn. Ông DeSantis giành được 21% và bà Nikki Haley được 19%.
Trong lịch sử đảng Cộng hòa, chưa có ứng viên nào thua cuộc sau khi chiến thắng ở 2 bang đầu tiên. Do vậy, gần như chắc chắn ông Trump sẽ đại diện cho đảng Cộng hòa tranh cử.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump ngày 21/1 cho biết, họ vinh dự khi nhận được sự ủng hộ của ông DeSantis, đồng thời kêu gọi những thành viên khác của đảng Cộng hòa đoàn kết xung quanh ông Trump.
Cho đến nay, chỉ có một bang đã bỏ phiếu. Một nửa số phiếu thuộc về ông Donald Trump, còn một nửa thì không. Cử tri xứng đáng có tiếng nói về việc liệu chúng ta lại đi theo con đường của ông Trump hay Biden? Lựa chọn khác, là chúng ta nên đi theo một con đường mới tươi sáng hơn.
Ứng viên Nikki Haley
Nhiều đảng viên Cộng hòa đặt hy vọng vào ông DeSantis, người mới 45 tuổi, được coi là ngôi sao đang lên. Nhưng việc ứng cử của ông, được công bố cuối tháng 5/2023, đã gặp khó khăn khi tự coi mình là đối thủ với ông Trump – người đã 77 tuổi.
Từng là sĩ quan hải quân, ông DeSantis được bầu làm thống đốc Florida năm 2018, sau khi nhận được sự ủng hộ có giá trị của ông Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ.
Kể từ đó, ông DeSantis giữ khoảng cách nhất định với ông Trump. Ông cũng nổi tiếng với quan điểm cực hữu về các vấn đề giáo dục, nhập cư và LGBT.
Ông Lynne Mason, 60 tuổi, người điều hành một doanh nghiệp nhỏ ở Keene, bang New Hampshire nói với AFP: “Tôi nghĩ điều này đã được dự đoán. Đây là viễn cảnh không thể tránh khỏi. Tôi nghĩ nước Mỹ cần 1 lãnh đạo mạnh mẽ vào thời điểm này.”
Tại một sự kiện ở Seabrook, bang New Hampshire, bà Haley nói ông DeSantis đã chạy một cuộc đua tuyệt vời. Ông ấy là thống đốc tốt, đã làm được rất nhiều thứ cho bang Florida.
Bà Haley tránh việc công kích trực tiếp ông Trump, vì sợ chọc giận lượng người hâm mộ đông đảo của vị cựu Tổng thống.
Tôi không nghĩ chúng ta cần 1 trong 2 ông già 80 tuổi ngồi trong Nhà Trắng. Họ nên biết rằng, thời kỳ đỉnh cao đã đi qua.
Ứng viên Nikki Haley