Vì sao tôi viết “Business Guide Vietnam”?
Chỉ số kinh tế, tin tức tiêu cực nóng hổi trên báo đài có ý nghĩa như thế nào với những nhà đầu tư mới bước chân vào Việt Nam? Suy nghĩ này cứ theo tôi cho đến chuyến về thăm Việt Nam vào mùa Hè hai năm trước. Đó là thời điểm tôi quyết định viết Business Guide Vietnam - Hướng dẫn kinh doanh tại Việt Nam.
Một buổi cà phê sáng, tôi nhìn qua cửa sổ quán nước và thấy sự hối hả và nhộn nhịp trên đường phố Hà Nội và nhớ về câu hỏi của nhiều doanh nhân nước ngoài đến Việt Nam: Vì sao doanh nghiệp nước ngoài nên mở công ty tại đất nước này?
Khi trò chuyện với doanh nhân, đồng nghiệp và bạn bè ở Đức, Áo và Thụy Sĩ, tôi nhận thấy một số có quan niệm sai lầm về Việt Nam. Không phải ai cũng hiểu hết về sự năng động của đất nước này với khoảng 100 triệu dân và sự cởi mở đối với các nhà đầu tư và đối tác thương mại, đặc biệt là từ các nước trung tâm châu Âu.
Trong suy nghĩ của tôi, Việt Nam là đất nước với các chuyển động thật sôi động, gợi nhớ đến phép màu kinh tế Đức 70 năm trước. Việt Nam có thị trường nội địa rộng lớn với khoảng 100 triệu người tiêu dùng tiềm năng, nằm ở trung tâm ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương, một khu vực kinh tế đang bùng nổ.
Việt Nam luôn gây ấn tượng với sự ổn định chính trị và xã hội và đã hội nhập vững chắc vào hệ thống các hiệp định thương mại tự do quốc tế. Thực tế cho thấy, đất nước này rất cởi mở với nhà đầu tư nước ngoài và chuyên gia từ nhiều năm nay. Các cam kết bảo vệ đầu tư nước ngoài trước đến nay đã chứng minh rõ. Theo dòng chuyển đó, Việt Nam đã mang đến nhiều cơ hội lớn thông qua cạnh tranh nội địa Việt Nam giữa 63 tỉnh, thành phố, có ngân sách quốc gia cân bằng.
Tuy nhiên, những chỉ số kinh tế, những tin tức tiêu cực luôn nóng hổi trên báo đài có ý nghĩa như thế nào đối với những nhà đầu tư nước ngoài mới bước chân vào Việt Nam? Còn rất nhiều chuyển động khác mà họ cần dấn thân vào mới thấy hết cơ hội từ đất nước này.
Với tư cách là cựu giám đốc ngân hàng, thành viên ban điều hành Hiệp hội Thương gia Đức (GBA) và Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) đồng thời là chuyên gia kinh tế Việt Nam, tôi đã có cơ hội theo dõi và đồng hành cùng vô số mô hình kinh doanh tại Việt Nam.
Tôi đã cùng nhiều doanh nghiệp châu Âu thăm dò thị trường, thẩm định những điều kiện tiên quyết tuyệt đối để gia nhập thị trường thành công: văn hóa và kiến thức chuyên môn liên quan của Việt Nam. Tôi cũng cùng nhiều doanh nghiệp trăn trở cách tồn tại trong bể cá mập của thế giới kinh doanh.
Tôi đã nghiên cứu về kinh tế Việt Nam rất nhiều năm và thấy rằng nhiều nghiên cứu cũng có cùng suy nghĩ với tôi. Việt Nam sẽ nằm trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050.
Khoảng một năm trước, có nhiều cơ hội từ các tổ chức tài chính ở nước ngoài tìm đến Việt Nam. Cũng thời điểm đó, tôi nói lên ý tưởng thành lập trung tâm tài chính cho Việt Nam tại TP.HCM. Vào thời điểm đó, tôi đã nhận được rất nhiều lời chỉ trích. Một số người nói rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Trong khi đó, các diễn biến gần đây cho thấy có vẻ như tôi đã đúng. Các nhà hoạch định chính sách gần đây đã đưa ra ý định rõ ràng là TP.HCM sẽ trở thành trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Đã có nhiều người hỏi tôi lãi bao nhiêu khi đầu tư ở Việt Nam. Câu trả lời nằm trong quyển sách này, đó không phải là con số như nhiều người mong đợi, nhưng đó là cơ hội và thách thức đan xen.
Thành công và thất bại cách nhau trong khoảng cách rất nhỏ. Giữa khoảng cách đó là cách thức chuẩn bị, quá trình chuẩn bị của một doanh nghiệp. Đây là nội dung của “cơn sốt Việt Nam” cứ theo tôi vòng quanh từ đây về tới châu Âu. Tôi muốn cuốn sách này mang đến cho doanh nhân nước ngoài đang tìm ấn tượng đầu tiên về Việt Nam, về những cơ hội mà Việt Nam mang lại. Ngoài các điều kiện lịch sử, chính trị và xã hội, bạn đọc sẽ tìm thấy những hiểu biết của tôi về nền tảng kinh tế của Việt Nam và các khía cạnh pháp lý cần thiết để gia nhập thị trường thành công.
Mỹ Huyền ghi
(*) Giám đốc Quốc gia của Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam, nguyên thành viên HĐQT Deutsche Bank Việt Nam