Thị trường chứng khoán quốc tế từ đầu tháng 3 đến nay giảm khá mạnh, với chỉ số Nasdaq trong tuần trước giảm 1,9%, đánh dấu tuần thứ ba giảm liên tiếp và là chuỗi giảm giá dài nhất kể từ tháng 9/2020. Tính từ đỉnh cao gần 13.380 điểm đạt được vào giữa tháng 2, chỉ số này đã bốc hơi đến 10%. Tương tự, các chỉ số chứng khoán từ Á sang Âu cũng chịu áp lực suy giảm trước tâm lý e ngại rủi ro gia tăng khắp toàn cầu.
Dù vậy, sự phân hóa đang diễn ra khá lớn trên thị trường chứng khoán, như trong khi các cổ phiếu công nghệ bị bán tháo thì những nhóm ngành sản xuất, kinh doanh truyền thống đang thu hút dòng tiền trở lại trước kỳ vọng nền kinh tế đang phục hồi, đặc biệt những lĩnh vực đã suy giảm rất mạnh trong đại dịch vừa qua như hàng không, vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn...
Trong khi đó, những tài sản có tính an toàn như trái phiếu hay vàng giảm mạnh cùng chiều với chứng khoán, điều hiếm hoi từ trước đến nay. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ gần đây đã chạm mốc 1,6%, cao nhất trong vòng một năm qua, trước lo ngại lạm phát sẽ sớm gia tăng trở lại và buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ phải sớm thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách nâng lãi suất và giảm chương trình mua tài sản sớm hơn dự kiến.
Nếu như triển vọng nền kinh tế đi lên trở lại gây áp lực lên giá vàng và trái phiếu, thì ngược lại đang thúc đẩy giá các loại hàng hóa khác tăng mạnh, nhất là giá dầu.
Các nhà phân tích gần đây đã so sánh thực tế hiện nay với sự kiện Taper Tantrum của năm 2013, theo đó Taper Tantrum là sự tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền các nền kinh tế mới nổi, thúc đẩy nhà đầu tư quốc tế rút vốn khi lợi tức trái phiếu thế giới tăng ngay sau tín hiệu đầu tiên từ FED về việc có thể thắt chặt chính sách tiền tệ.
Đáng lưu ý là dù nỗi lo lạm phát đang quay trở lại, nhưng thị trường vàng cũng không nhận được nhiều sự hỗ trợ, khi các nhà đầu tư tiếp tục bán tháo kim loại quý này, đặc biệt là các quỹ đầu tư. Giá vàng quốc tế cuối tuần qua đã rớt về dưới mốc 1.700 USD/oz, hướng đến tháng thứ ba giảm liên tiếp. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã mất hơn 10% giá trị, trong khi giới phân tích dự báo vàng có thể rớt về tận vùng 1.600 USD/oz trong ngắn hạn.
Lý giải cho đợt sụt giảm này, giới phân tích cho rằng, việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng đã góp phần đẩy đồng USD lên đỉnh trong ba tháng, đã làm giảm sức hấp dẫn của vàng như một kênh phòng ngừa lạm phát, đồng thời làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng trước khả năng lãi suất có thể tăng trở lại và nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi. Việc các tài sản như cổ phiếu hay trái phiếu biến động mạnh gần đây cũng buộc nhiều nhà đầu tư phải tái cấu trúc danh mục và bán bớt lượng vàng đang nắm giữ.
Nếu như triển vọng nền kinh tế đi lên trở lại gây áp lực lên giá vàng và trái phiếu thì ngược lại đang thúc đẩy giá các loại hàng hóa khác tăng mạnh, nhất là giá dầu. Giá dầu WTI trong tuần qua đã tăng đến 7%, lên mức trên 66 USD/ thùng, giá dầu Brent tăng hơn 6%, lên trên 69 USD/ thùng, đặc biệt sau khi có thông tin phiến quân Yemen tập kích nhà máy dầu Aramco ở Ả Rập Saudi.
Tính từ đầu năm đến nay, giá "vàng đen" này đã tăng đến 35%, trở thành một trong những tài sản mang lại suất sinh lời tốt nhất cho các nhà đầu tư. Các tổ chức quốc tế dự báo giá dầu Brent có thể lên đến 75 USD/thùng, khi nhu cầu đang gia tăng trở lại trước triển vọng vắc xin sẽ thúc đẩy kinh tế và thương mại trở lại mức bình thường, cộng thêm nguồn cung từ dầu đá phiến của Mỹ suy giảm và các nước xuất khẩu dầu mỏ thuộc Tổ chức OPEC tiếp tục duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác.
Sự biến động mạnh và đảo chiều đột ngột trên các thị trường đến từ những đánh giá và dự báo mâu thuẫn về nền kinh tế và các chính sách tiền tệ, tài khóa cho giai đoạn tới. Ngay cả các tổ chức và chuyên gia phân tích cũng không thống nhất về tình hình kinh tế hiện nay, thì dễ hiểu vì sao giới đầu tư cũng trái ngược nhau trong hành động và kế hoạch kinh doanh có thể thay đổi nhanh và xoay chiều đột ngột bất cứ lúc nào. Do đó, rủi ro của các thị trường hiện nay là rất khó lường.