Văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa đọc trong doanh nghiệp: Hành trình xây dựng doanh nghiệp học tập - Chia sẻ từ trải nghiệm cá nhân

Nguyễn Hoàng Văn (*) 17/04/2025 06:19

Văn hóa đọc trong doanh nghiệp (DN) không chỉ là biểu hiện của sự trau dồi tri thức, mà còn là nền tảng nuôi dưỡng tư duy chiến lược, sáng tạo và khả năng thích nghi - những yếu tố sống còn trong thời đại biến động. Khi người lãnh đạo coi trọng việc đọc và lan tỏa tinh thần học tập, tổ chức không chỉ phát triển bền vững, mà còn hình thành một hệ sinh thái tri thức nơi mỗi cá nhân đều có cơ hội trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

4.jpg
Một bộ phận giới trẻ đã rất quan tâm đến sách

DN học tập là gì và tại sao khuyến khích nhân viên học hỏi liên tục?

Mọi DN, dù mới khởi sự hay đã vận hành nhiều năm, đều cần ba trụ cột nền tảng: tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi. Tầm nhìn là khát vọng vươn xa, sứ mệnh là lời cam kết mang lại giá trị cho khách hàng và cộng đồng, còn giá trị cốt lõi là kim chỉ nam đạo đức giúp doanh nghiệp giữ vững uy tín. Nhưng những điều này chỉ thực sự thành hiện thực khi có một đội ngũ nhân sự không ngừng học hỏi và phát triển. Một DN học tập, là nơi con người được đặt lên hàng đầu, nơi nhân viên được khuyến khích trau dồi kiến thức, kỹ năng để thích nghi với thị trường luôn biến động

DN nào không đầu tư vào con người sẽ sớm bị tụt lại, giống như một chiếc xe không được bảo dưỡng giữa đường đua khốc liệt. Một môi trường học tập không chỉ giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn mà còn khơi dậy sự sáng tạo, tạo động lực để họ gắn bó và cùng tôi xây dựng tổ chức ngày càng vững mạnh.

Thị trường hiện nay không còn chỗ cho sự trì trệ. Công nghệ thay đổi từng ngày, khách hàng đòi hỏi khắt khe hơn, và đối thủ không ngừng cải tiến. Trong bối cảnh đó, con người là “động cơ” giúp DN thích nghi và tiến lên. Một môi trường học tập làm tăng khả năng cạnh tranh, giúp giữ chân nhân tài - tài sản quý giá nhất của DN. Nếu không có sự học hỏi, DN sẽ giống như con thuyền mất lái, dễ dàng chìm giữa sóng gió thị trường. Học tập là nền tảng để DN phát triển bền vững.

nguyen-hoang-van.jpg
Nguyễn Hoàng Văn

Hành trình xây dựng DN học tập: Thành công và bài học

Cần xây dựng tại DN thử nghiệm các mô hình học tập. Trước hết là khuyến khích tự học. Lãnh đạo DN cần hỗ trợ nhân viên tự nâng cao năng lực bằng cách cung cấp học bổng, tạo thời gian linh hoạt và đánh giá kết quả qua KPI. Tiếp đến là đào tạo nội bộ, thông quan tổ chức các buổi học từ chính đội ngũ quản lý trong công ty. Quy trình bắt đầu bằng việc xác định nhu cầu, xây dựng nội dung và tổ chức định kỳ. Việc chia sẻ kiến thức từ nội bộ là rất quan trọng, nhưng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đầu tư vào việc nâng cao kỹ năng sư phạm cho đội ngũ quản lý. Cuối cùng là mời các chuyên gia bên ngoài để đào tạo theo chuyên đề, từ quản trị đến kỹ năng bán hàng. Chọn người uy tín, tùy chỉnh nội dung và đánh giá hiệu quả sau mỗi khóa. Việc hợp tác với chuyên gia là cần thiết để có được kiến thức chuyên sâu, nhưng cần phải có kế hoạch rõ ràng để tận dụng tối đa giá trị và đảm bảo tính bền vững. DN cần lưu ý không có mô hình nào hoàn hảo. Thành công đến khi linh hoạt kết hợp cả ba, tùy vào nguồn lực và mục tiêu.

Khuyến khích nhân viên học hỏi

Lập câu lạc bộ sách trong công ty, tài trợ tài liệu và tổ chức thảo luận định kỳ. Điều này không chỉ nâng cao kiến thức mà còn giúp đội ngũ gắn kết hơn. Những buổi thảo luận sôi nổi, những góc nhìn đa chiều về một vấn đề, đã tạo nên một không khí học tập đầy hứng khởi.

Thường xuyên đăng ký cho cả nhóm tham gia các sự kiện về quản trị và kinh doanh, xem đó như cơ hội để họ mở rộng tầm mắt. Việc được tiếp xúc với những ý tưởng mới, những xu hướng mới sẽ giúp nhân viên có thêm động lực để học hỏi và sáng tạo.

Khuyến khích những nhân viên giỏi kể lại kinh nghiệm của họ, biến kiến thức cá nhân thành tài sản chung của công ty. Những câu chuyện thành công từ chính đồng nghiệp của mình có sức lan tỏa và truyền cảm hứng mạnh mẽ hơn bất kỳ bài giảng nào. Trao phần thưởng - từ tiền bạc đến cơ hội thăng tiến - cho những ai tích cực học và áp dụng kiến thức vào công việc. Cần tạo ra một văn hóa mà ở đó, sự học hỏi được coi trọng và được đền đáp xứng đáng.

Hãy nhớ rằng, sự học hỏi không chỉ là một nhiệm vụ, mà là một niềm vui, một cơ hội để phát triển bản thân và đóng góp vào sự thành công của tổ chức. Và quan trọng nhất, hãy tạo ra một môi trường mà ở đó, mọi người đều cảm thấy được trân trọng, được khuyến khích và được tạo điều kiện để học hỏi và vươn lên.

(*) Chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Văn hóa đọc trong doanh nghiệp: Hành trình xây dựng doanh nghiệp học tập - Chia sẻ từ trải nghiệm cá nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO