Thông tư 36: Liều thuốc mạnh sẽ có phản ứng phụ

15/01/2015 06:30

Thông tư 36 được xem là giải quyết liều thuốc giúp thị trường lành mạnh hơn và sẽ gây ra phản ứng phụ.

Thông tư 36: Liều thuốc mạnh sẽ có phản ứng phụ

Ủy Ban Giám sát Tài chính quốc gia (NFSC) đã đề xuất không nên hồi tố các khoản cho vay chứng khoán chưa đến hạn, mà cần có lộ trình cho các hợp đồng tín dụng này đến hạn trả thì mới áp dụng Thông tư 36.

Tái cơ cấu ngân hàng cần phác đồ điều trị

Theo ông Trương Văn Phước (ảnh) - Phó Chủ tịch NFSC, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cũng như giải phẫu một cơ thể, cần phải tìm ra các liệu pháp, tìm ra các loại thuốc để chữa bệnh.

Sáp nhập, hợp nhất, hay tham gia vốn của nhà nước vào các tổ chức tín dụng (TCTD) xem như là các liều thuốc khác nhau nhưng không có một liều thuốc nào duy nhất để chữa căn bệnh này.

Vì vậy, chuyện các ngân hàng nay thông báo sáp nhập, mai nói không là điều khó tránh khỏi vì liều lượng, bước đi là không thể máy móc.

“Quan trọng đích đến là nền tài chính, hệ thống ngân hàng dần ổn định hơn, không gây rủi ro tiềm ẩn nào để làm cho hệ thống ngân hàng bất ổn. Do vậy, chúng ta có đủ điều kiện để thử nghiệm nhiều giải pháp cho quá trình tái cơ cấu”, ông Phước nói.

Ông Phước ví phác đồ điều trị trong y khoa như thế nào thì phác đồ để tái cơ cấu ngân hàng sẽ như thế, không thể vội vàng nhưng cũng không thể dầm dề chậm trễ mà cần đi từng bước, cần đi theo lộ trình.

Năm 2015, liệu có quá dồn dập?

Trước ý kiến lo ngại rằng năm 2015 có quá dồn dập khi hàng loạt thương vụ sáp nhập ngân hàng diễn ra, ông khẳng định quá trình tái cơ cấu chỉ dồn dập trong những năm trước đó còn bây giờ thì không. Theo ông, tất cả những bước đi tái cơ cấu đang đi từng bước, chứ không hề gấp gáp, vội vàng.

“Hệ thống đã vượt qua thời kỳ khó khăn, thanh khoản đã ổn định nhưng thị trường vẫn cần thanh lọc lại cơ cấu cổ đông để thị trường thuần khiết, lành mạnh hơn, trật tự hơn. Điều này đều trong tầm tay của các cơ quan quản lý nhà nước. Với những yếu tố thuận lợi giúp nền kinh tế vĩ mô ổn định, giúp chúng ta tự tin hơn, có cơ sở vật chất quan trọng và có những lựa chọn tối ưu hơn”, ông bình luận.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng, tái cơ cấu không chỉ diễn ra trong một giai đoạn nhất định, không có hạn kết thúc mà cần diễn ra hằng ngày, luân chuyển chứ không thể đứng yên.

>>Bài học từ tái cơ cấu ngân hàng Mỹ

Bước đầu, thông tư 02 đã có “dị ứng”

Theo ông Phước, việc áp dụng các chuẩn mực thế giới cần có sự tương thích nhất định. Bước đầu áp dụng Thông tư 02, thị trường đã “dị ứng”, chính vì vậy NHNN cần có lộ trình để áp dụng. “Cơ thể” tài chính cần xét nghiệm trước khi cho các liều thuốc mạnh, tốt và theo dõi xem có phản ứng như thế nào.

>>Áp Thông tư 02, sẽ có ngân hàng đổ vỡ?

Thông tư 36 sẽ được xử lý linh hoạt, mềm mại

Thông tư 36 được xem là giải quyết nhiều việc: hạn chế sở hữu chéo ngân hàng, giúp thị trường lành mạnh hơn,... Ông Phước chỉ ra rằng bất cứ liều thuốc nào cũng gây ra phản ứng phụ vì vậy cần có sự phối hợp giữa các chính sách.

NFSC đã đề xuất không nên hồi tố các khoản cho vay chứng khoán chưa đến hạn mà cần có lộ trình cho các hợp đồng tín dụng này đến hạn trả thì mới áp dụng.

Thông tư 36 giới hạn việc cho vay chứng khoán không vượt quá 5% vốn điều lệ áp dụng chung cho các TCTD. Thực chất là tập trung vào 15 ngân hàng mà 15 ngân hàng này có vốn điều lệ không lớn như các TCTD nhà nước thì nên tính toán, xem xét liều lượng.

Ở góc độ của một cơ quan tham mưu tài chính cho Chính phủ, ông Phước dự báo Thông tư 36 sẽ được xử lý một cách linh hoạt, mềm mại uyển chuyển.

>>Giữ nguyên lộ trình Thông tư 36

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thông tư 36: Liều thuốc mạnh sẽ có phản ứng phụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO