Tập đoàn nhà nước làm gì?

ANH THƯ| 08/09/2010 08:31

Có lẽ bài học đổ bể của Vinashin cho thấy cần phải có thêm một “vòng kim cô” tiếp tục siết chặt hơn việc quản lý các công ty, tập đoàn nhà nước.

Tập đoàn nhà nước làm gì?

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 6207/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc công ty nhà nước góp vốn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng. Theo đó, việc đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vào các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng phải báo cáo Thủ tướng.

Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính đánh giá thực trạng tài chính, tỷ lệ an toàn vốn, nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, trên cơ sở đó xác định mức và tỷ lệ vốn cần đầu tư tiếp (làm rõ việc có nhất thiết phải tham gia để đạt tỷ lệ đã có) khi các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện tăng vốn theo quy định, báo cáo và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ từng trường hợp cụ thể.

Ảnh minh họa

Có lẽ bài học đổ bể của Vinashin cho thấy cần phải có thêm một “vòng kim cô” tiếp tục siết chặt hơn việc quản lý các công ty, tập đoàn nhà nước. Trước khi con tàu Vinashin chìm thì việc các tập đoàn, công ty nhà nước tham gia vào thị trường tài chính đã làm dấy lên nhiều lo ngại, nhất là lo ngại về sự mất ổn định kinh tế vĩ mô từ chính các doanh nghiệp lớn của nhà nước.

Cũng như Vinashin, thời gian qua có một thực tế là bảng danh mục ngành nghề kinh doanh có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của nhiều tập đoàn gần như bao trọn các lĩnh vực kinh doanh, từ dịch vụ sang sản xuất, kinh doanh, thương mại, tài chính - ngân hàng...

Trong số này, có những ngành nghề thực sự không dễ tìm được mối liên kết với ngành nghề chính của các tập đoàn. Không chỉ Tập đoàn Dầu khí, mà hầu như tất cả các tập đoàn nhà nước mạnh hiện nay đều có xu hướng đa ngành: dệt may nhảy sang cả chứng khoán, ngân hàng, công nghiệp tàu thủy muốn làm hàng không, điện lực lấn sân viễn thông...

Xu hướng đa ngành, đa lĩnh vực xuất phát từ một thực tế là các tập đoàn, với nguồn vốn ưu đãi sẵn có, sẵn sàng chạy theo các ngành nghề nóng, thu lại lợi nhuận cao trong ngắn hạn. Thậm chí, có doanh nghiệp còn bán bớt cổ phần tại các đơn vị kinh doanh mang lại nguồn thu nhập chính cho mình để góp vốn đầu tư và xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê, khách sạn...

Cũng có anh được, anh mất, nhưng thực tế cho thấy, khi các tập đoàn, công ty nhà nước dễ dàng tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, công nghệ..., thì họ rất khó sử dụng các nguồn lực này thực sự hiệu quả. Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả gần đây cho thấy, cũng giống như nhiều tập đoàn lớn, đã có 10 tổng công ty nhà nước lao theo cơn lốc đầu tư tài chính, chứng khoán, ngân hàng... Một số tổng công ty đã thua lỗ lớn do đầu tư qua đấu giá hoặc giao dịch trên sàn.

Lâu nay, thua lỗ và yếu kém của doanh nghiệp nhà nước được quan tâm ở góc độ quản trị và giám sát trách nhiệm. Chính vì vậy, lần này, Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát, quản lý nhà nước về lĩnh vực đầu tư, ngành nghề kinh doanh, cơ cấu sản xuất... đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Trước đó, Bộ Nội vụ nghiên cứu trình Thủ tướng cơ chế cử người và quản lý người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; đồng thời tăng cường công tác quản lý nhân sự lãnh đạo doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dường như đó chưa phải là mấu chốt của vấn đề, bởi những cơ chế này không giải quyết được câu hỏi cốt lõi là “tập đoàn nhà nước đang làm gì để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm?”. Thay vì giữ vai trò chủ đạo và điều tiết thị trường, chính những doanh nghiệp nhà nước này lại gây xáo trộn và ảnh hưởng tới thị trường và kinh tế vĩ mô.

Việc tập trung quyền lực kinh tế vào tập đoàn khép kín từ sản xuất, lưu thông, tài chính, lại huy động vốn của hàng vạn, hàng triệu người dân thì vừa ảnh hưởng đến sự cạnh tranh không lành mạnh trong nền kinh tế, vừa rất nguy hiểm khi gặp rủi ro.

Ngoài sự xáo trộn thì đây còn là bài toán về lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế. Rõ ràng, cần nhận thức lại về vai trò của các tập đoàn nhà nước là không phải tìm kiếm kinh doanh, lợi nhuận theo kiểu đầu tư tài chính, kinh doanh bằng mọi giá, mà là đầu tư tạo ra sản phẩm mới, công nghệ mới, giá trị gia tăng mới, có độ lan tỏa với nền kinh tế, với các doanh nghiệp khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tập đoàn nhà nước làm gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO