Những khoảng trống sau cổ phần hóa doanh nghiệp

PGS-TS. VÕ ĐẠI LƯỢC| 22/06/2016 06:21

Cổ phần hóa thời gian qua có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình cải cách nền kinh tế, dù phải thừa nhận số doanh nghiệp nhà nước còn lại vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Những khoảng trống sau cổ phần hóa doanh nghiệp

Cổ phần hóa thời gian qua có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình cải cách nền kinh tế, dù phải thừa nhận số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) còn lại vẫn chiếm tỷ trọng lớn. 

Đọc E-paper

Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN), tính đến ngày 27/5/2016, cả nước đã cổ phần hóa 36 DNNN và 2 đơn vị sự nghiệp công lập, 61 DN đã thành lập ban chỉ đạo CPH, đang xác định giá trị 77 DN và công bố giá trị của 33 DN.

Trong 5 tháng đầu năm 2016, cả nước có Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và ba địa phương thực hiện bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các DN khác, tổng giá trị theo sổ sách là 691,9 tỷ đồng, thu về 2.467,5 tỷ đồng.

Những con số mà Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN loan báo cho thấy, cổ phần hóa DNNN đã tiến một bước cơ bản trên cơ sở giải thể các DN yếu kém, làm ăn thua lỗ, không đủ điều kiện tồn tại.

Quy mô của các DNNN được cổ phần hóa cũng ngày càng mở rộng, từ chỗ DN có vốn từ 10 tỷ đồng trở lên phải trình phương án cổ phần hóa lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay DNNN cổ phần hóa đã không bị giới hạn quy mô vốn nhà nước, việc phê duyệt phương án cổ phần hóa đã được giao cho các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hội đồng quản trị các tập đoàn DNNN.

Những tác động tích cực từ cổ phần hóa giúp giảm số DNNN và thu hẹp diện hoạt động của loại DN này. Đây là việc làm phức tạp, vì động chạm tới lợi ích của nhiều lớp người, từ quản lý đến công nhân. Cổ phần hóa cũng tạo ra các DN cổ phần hỗn hợp giữa sở hữu nhà nước, người lao động và tư nhân - một hình thức sở hữu hoạt động hiệu quả. Chế độ quản lý của các DNNN đã được cải tiến, tạo ra những điều kiện để DN có thể kinh doanh hiệu quả.

Theo đề án tái cơ cấu DNNN của Vụ Đổi mới DN thuộc Văn phòng Chính phủ, đến năm 2020, số DNNN sẽ giảm từ 1.309 xuống còn 17 tập đoàn, tổng công ty giữ 100% vốn nhà nước và khoảng 200 DN trong các lĩnh vực độc quyền nhà nước, quốc phòng, an ninh.

Trong khi đó, những vấn đề đặt ra đối với DNNN vẫn rất gay gắt. Các DNNN chiếm giữ hầu hết những lợi thế của nền kinh tế, những ngành, lĩnh vực quan trọng, được nhiều sự ưu đãi về đất đai (được cấp), về vốn cố định (thuế gần như không đáng kể), về vốn lưu động, về thị trường..., nhưng đã không có những đóng góp tương xứng. Nếu tiếp tục tình trạng này, nền kinh tế sẽ không thể phát triển bền vững.

Thêm nữa, hiệu quả kinh doanh của DNNN kém và không ít rủi ro thể hiện trên nhiều mặt. Cụ thể, chỉ số ICOR (chỉ số phản ánh hiệu quả sử dụng vốn đầu tư để tăng trưởng kinh tế) của khu vực DNNN luôn cao nhất, khoảng 9 - 12, gấp hơn hai lần so với khu vực tư nhân.

Theo Tổng cục Thống kê, hằng năm có khoảng 12% DNNN thua lỗ. Mức lỗ bình quân của một DNNN gấp 12 lần so với DN ngoài nhà nước. Không ít DNNN có mức lỗ đặc biệt cao như Tập đoàn Điện lực, khoản lỗ được công bố ngày 13/1/2015 lên tới 16.800 tỷ đồng.

Hơn nữa, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng nguồn vốn của khu vực DNNN, theo tổng kết 10 năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chưa năm nào vượt 6%, so với 10% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, nợ phải trả bình quân của một DNNN thường cao gấp 3,09 lần vốn sở hữu trong khi bình quân chỉ số này của một DN Việt Nam nói chung là 2,1 lần.

Tới đây, cần cổ phần hóa mạnh hơn để rút vốn ra khỏi các DNNN ở những ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Chỉ như vậy mới có thể giảm tỷ trọng DNNN trong GDP từ 34 - 35% hiện nay xuống còn 15 - 20%, ngang mức các nền kinh tế thị trường trong khu vực. Đây là giải pháp rất quan trọng, vì DNNN kinh doanh kém hiệu quả, nếu có tỷ trọng lớn sẽ kéo theo sự kém hiệu quả của nền kinh tế.

Việc cổ phần hóa sẽ không có ý nghĩa nếu không tìm được những nhà đầu tư chiến lược có khả năng quản lý, phát triển các DNNN đã CPH một cách có hiệu quả, cũng như nghiêm cấm cách cổ phần hóa dành ưu đãi cho những người đang quản lý yếu kém và qua cổ phần hóa lại giao cho họ quản lý DN.

Sau cổ phần hóa, Nhà nước không nên nắm cổ phần chi phối trong các DN này. Các DN làm ăn có hiệu quả phải đưa lên sàn chứng khoán, công khai thông tin sản xuất, kinh doanh cũng như áp dụng chế độ quản lý hiện đại theo hướng chế độ pháp nhân DN, chế độ trách nhiệm hữu hạn, công khai minh bạch.

HẢI VÂN ghi

>Quý I/2016, doanh nghiệp Nhà nước đã thoái vốn 2.019 tỷ đồng

>5 đề xuất sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước

>Cải cách nền kinh tế - điều kiện tiên quyết để phát triển

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những khoảng trống sau cổ phần hóa doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO