DN cần được hỗ trợ vốn, giảm lãi suất kịp thời

29/06/2012 03:13

Các doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM phản ánh, dù trần lãi suất đối với các nhóm đối tượng ưu tiên về 13%/năm từ ngày 11/6, nhưng hiện nhiều DN vẫn chưa được vay mức lãi suất thấp này.

DN cần được hỗ trợ vốn, giảm lãi suất kịp thời

“Giải pháp của UBND TPHCM tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) đã đủ mạnh chưa? Ngoài những khó khăn chung, DN có gặp trở ngại gì không đáng có? Các DN nên trao đổi thẳng thắn, càng cụ thể càng tốt”.

Trước đề nghị trên của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, tại Hội nghị tiếp xúc cử tri là DN vào sáng 28/6, nhiều vấn đề đã được phản ánh thẳng thắn.  

Ngán ngại “hàng rào kỹ thuật”

Dù trần lãi suất đã hạ nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phải vay với lãi suất 15%-17%/năm

Lãi suất cho vay dù giảm nhưng DN vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay là thực tế mà nhiều DN bày tỏ bức xúc. Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP, phản ánh:

“Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định về trần lãi suất cho vay ngắn hạn ở một số lĩnh vực ưu tiên là 13%/năm nhưng thực tế các DN vẫn đang phải vay mức 15% - 17%/năm. Mỗi ngân hàng có “hàng rào kỹ thuật riêng”, DN không thể vay được mức 13%”.

Phát biểu với tư cách Phó Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TPHCM, ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nam Thái Sơn, khẳng định:

“Hầu hết DN ngành cao su - nhựa đang vay mức lãi suất 17% - 18%, chưa ai vay được mức lãi suất 13%”. Chưa kể, một số DN không có thị trường, hàng tồn kho nhiều, thu hẹp sản xuất… nên dù lãi suất có giảm vẫn không dám vay.

Bên cạnh đó, đa số DN nợ cũ lãi cao, cần vay để đáo nợ nhưng đối tượng này lại rất khó vay vì tài sản đã thế chấp, không còn để thế chấp nữa.

Ông Nguyễn Chí Nguyện, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực TPHCM, nêu thực tế: “Ngày 5/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân chủ trì cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho DN với sự tham dự của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng ở TPHCM.

 Với cách đặt vấn đề rất sát của Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, nhiều ngân hàng đã hứa cho DN sản xuất, kinh doanh vay với những con số rất cụ thể nhưng đến nay, ngân hàng vẫn chưa động đậy gì”.

Bên cạnh khó khăn chưa tiếp cận được nguồn vốn, các DN còn gặp phải nhiều trở ngại khác. Theo ông Trần Việt Anh, quy định DN nợ quá 90 ngày sẽ bị “treo tên” lên mạng ngân hàng, xếp vào loại nợ xấu và phải đúng 3 năm mới được gỡ xuống.

Trong khi đó, có những DN dù trả lãi đầy đủ vẫn bị treo là nợ xấu nên DN rất khó tiếp cận vốn vay tại những ngân hàng khác. Từ “nợ xấu” rất chung chung nên cần phải làm rõ để tránh ảnh hưởng đến hoạt động của DN.

Cần tính ổn định trong chính sách

Trước thực tế này, nhiều kiến nghị, giải pháp được nêu ra từ phía DN. Ông Trần Việt Anh cho rằng, TP.HCM hiện có khoảng 200.000 lao động trong ngành nhựa - cao su nên ngoài chính sách cho DN vay vốn đầu tư, ngân hàng cần có chính sách cho DN vay vốn để chi trả các khoản: lương, bảo hiểm xã hội, điện.

Cạnh đó, để giải bài toán hàng tồn kho và kích thích tiêu dùng, ngân hàng cũng nên có chính sách cho người tiêu dùng vay để trang trải cuộc sống, mua sắm vật dụng, sản phẩm hàng hóa thiết yếu.

“Tóm lại, nên ưu tiên giải quyết khó khăn cho DN sản xuất” - ông Trần Việt Anh đề xuất. Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn, cho rằng:

"Cơ chế chính sách, gói hỗ trợ DN thường trễ hoặc không “thẩm thấu” được tới DN, do vậy chính sách hỗ trợ cần khẩn trương. Một miếng khi đói bằng một gói khi no để tránh trường hợp hỗ trợ không kịp thời, DN đã chết".

Theo một DN, trong giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP, cũng cần tập trung vào mặt hàng xuất khẩu, trong đó có mặt hàng chế biến gỗ. Riêng chương trình xúc tiến thương mại của TP đã đến lúc cần thay đổi tư duy, cách làm. TP cần hỗ trợ xây dựng kho hàng cho DN đặt ở nước ngoài.

Trong 1 - 2 năm đầu, TP có thể miễn các chi phí cho DN, nhưng từ năm thứ 3 - 4 trở đi DN sẽ chịu các khoản chi phí. “Việc hỗ trợ DN thực hiện hệ thống phân phối ở nước ngoài cũng là để tránh tăng chi phí làm đội giá thành sản phẩm” - một DN phân tích.

Nên chăng, ngân hàng nghiên cứu bỏ quy định phải có tài sản thế chấp, vì thực tế có những dự án rất tốt nhưng không có tài sản thế chấp nên cũng thua. TP cần lập tổ tư vấn hỗ trợ DN về chiến lược, phương án kinh doanh và tổ này có mối liên kết với ngân hàng để hỗ trợ DN.

Có ý kiến đề nghị cần tính ổn định trong chính sách vì nếu chính sách cứ thay đổi xoành xoạch thì DN cũng đuối theo. Ngoài ra, nhiều ý kiến đề xuất bổ sung chính sách hỗ trợ lãi suất vay đối với những DN làm ăn hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
DN cần được hỗ trợ vốn, giảm lãi suất kịp thời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO