Chuẩn nghèo và người nghèo

THÀNH SƠN| 08/11/2010 04:00

Nghèo đói là một vấn đề mà hiện nay không chỉ được sự quan tâm của các nước đang phát triển mà còn ngay cả đối với các nước phát triển.

Chuẩn nghèo và người nghèo

Nghèo đói là một vấn đề mà hiện nay không chỉ được sự quan tâm của các nước đang phát triển mà còn ngay cả đối với các nước phát triển.

Việc nghiên cứu nghèo đói ở mỗi nước rất khác nhau bởi phương pháp tính toán không giống nhau, cũng như việc xác định chuẩn nghèo cũng rất khác nhau.

Các căn hộ tái định cư mới được xây dựng tại làng Đăk Kinh 1A, xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum

Thậm chí ngay cả trong một quốc gia, các địa phương, các bộ ngành… cũng có sự khác nhau trong cách tính chuẩn dẫn đến thông tin về số người trong hoàn cảnh nghèo đói không thống nhất, ảnh hưởng đến những cố gắng của Chính phủ trong chương trình hỗ trợ xã hội lẫn chi tiêu ngân sách.

Do vậy việc xác định một chuẩn nghèo thống nhất và chính xác là một yêu cầu bức bách hiện nay đối với mỗi quốc gia nói riêng và đối với các tổ chức quốc tế nói chung.

Hồi năm ngoái, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015, trong đó đưa ra ba phương án chuẩn nghèo mới.

Phương án 1: Ước lượng theo cơ cấu tiêu dùng năm 2006 của nhóm dân cư có mức tiêu dùng đạt nhu cầu tối thiểu về lương thực, thực phẩm và một phần phi lương thực, thực phẩm, dự kiến chuẩn nghèo là 500.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị, 400.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn.

Theo phương án này, dự báo tỷ lệ hộ nghèo cả nước sẽ vào khoảng 14,5 - 15,5%, tương ứng khoảng 3,3 triệu hộ (16,5 triệu người nghèo), trong đó, khu vực thành thị có khoảng 6% thuộc diện nghèo và khu vực nông thôn có 17%.

Phương án 2: Ước lượng theo cơ cấu chi tiêu năm 2006 của nhóm dân cư có mức tiêu dùng đạt nhu cầu tối thiểu về cả lương thực, thực phẩm và phi lương thực, thực phẩm. Dự kiến 600.000 đồng/người/tháng với khu vực thành thị, 450.000 đồng/người/tháng với khu vực nông thôn.

Dự báo tỷ lệ hộ nghèo cả nước 17 - 19%, tương ứng khoảng 3,96 triệu hộ (19,8 triệu người nghèo).

Phương án 3: Ước tính trên cơ sở dự báo cơ cấu chi tiêu của nhóm dân cư có mức tiêu dùng đạt nhu cầu tối thiểu đến năm 2011. Dự kiến 700.000 đồng/người/tháng đối với thành thị và 480.000 đồng/người/tháng đối với nông thôn. Dự báo tỷ lệ hộ nghèo 20 - 22%, tương ứng 4,62 triệu hộ, 23,1 triệu người nghèo.

Tuy chuẩn nghèo theo phương án 2 và phương án 3 phản ánh được sát hơn cơ cấu chi tiêu của người nghèo nhưng lại không phù hợp với khả năng cân đối ngân sách.

Vì thế, Chính phủ đã chọn phương án nâng chuẩn nghèo ở mức thấp nhất, tức 400.000 đồng/người/tháng cho khu vực nông thôn và 500.000 đồng/người/tháng cho khu vực thành thị để áp dụng từ đầu năm 2011.

Chuẩn nghèo mới đã tăng gấp hai lần chuẩn đang được áp dụng là 200.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn và 260.000 đồng/tháng đối với thành thị.

Đây là phương án có tính toán đến yếu tố tăng giá lương thực thực phẩm theo dự báo chỉ số giá tiêu dùng, tuy vậy, những yếu tố còn lại như giáo dục, y tế, nhà ở chưa được tính vào chuẩn này.

Trong khi đó, chuẩn cao nhất mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị đã tính toán hết các nhu cầu sống tối thiểu của một người dân, bao gồm cả các vấn đề liên quan đến ăn, ở, chữa bệnh…

Còn chuẩn trung bình (450.000 đồng và 600.000 đồng áp dụng cho hai khu vực như trên) là chuẩn mà Bộ rất muốn thực hiện vì không quá cao so với khả năng của ngân sách, và cũng đã tính đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của dân cư.

Như vậy, với chuẩn nghèo thấp nhất vừa được Chính phủ quyết định hồi tuần qua, tỷ lệ hộ nghèo ở nước ta sẽ tăng từ 11% hiện nay lên khoảng 15% và kinh phí từ ngân sách dành cho các chương trình xóa đói giảm nghèo theo chuẩn mới dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 5.700 tỉ đồng kể từ năm sau.

Tính theo sức mua tương đương (PPP) chuẩn nghèo (mới) của chúng ta khoảng 1,610 USD/người/ngày ở khu vực thành thị và 1,25 USD/người/ngày ở khu vực nông thôn.

Việc chọn lựa chuẩn nghèo như trên cũng đặt ra không ít băn khoăn, không chỉ cho người nghèo cần được hỗ trợ mà cả với một vài định chế quốc tế quan tâm đến vấn đề này.

Theo bà Valeri Kozel, đại diện của Ngân hàng Thế giới (WB), chuẩn nghèo quốc tế gần nhất đang được đặt ở mức 1,25 USD/người/ngày. Chuẩn này được hình thành làm trung bình chuẩn nghèo quốc gia của 15 nước nghèo nhất hiện nay.

Trong khi đó, Việt Nam đã được WB công nhận là nỗ lực vươn lên danh sách các quốc gia có mức thu nhập trung bình trên thế giới thì chuẩn nghèo lại chưa phản ánh được nỗ lực này. Và lời khuyên của bà Valeri Kozel là “Việt Nam nên điều chỉnh chuẩn nghèo khi đã gia nhập khối các quốc gia có mức thu nhập trung bình”.

Thế nhưng đối với chúng ta thì việc nâng chuẩn nghèo đồng nghĩa với đặt lên vai ngân sách còn eo hẹp thêm một gánh nặng trong tình hình phải vượt qua những khó khăn của nền kinh tế đang được kỳ vọng phục hồi.

Nhìn vấn đề dưới góc độ khác thì chuẩn nghèo ở nông thôn với mức 400.000 đồng/người/tháng - tức 14.000 đồng/ngày - tính theo biến động tỷ giá hiện nay chỉ vào khoảng 0,7 USD đối với nông thôn và tương ứng như vậy chuẩn nghèo ở thành thị vào khoảng 0,8 SD/người/ngày, quá thấp so với chuẩn nghèo quốc tế.

Điều này đặt ra hai vấn đề rất khó khăn giải quyết là chất lượng tăng trưởng chưa cao ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân và sự phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc khiến cho người nghèo không phải là nhóm được hưởng lợi chính trong các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ.

Bà Bùi Thị Bình, đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, được báo chí trích dẫn trong một bài viết hồi năm ngoái nói rằng “nghe thế giới ca ngợi Việt Nam xóa đói giảm nghèo nhanh mình thấy tự hào, nhưng đến cơ sở, địa phương lại thấy sao mà đồng bào ta còn nghèo thế”.

Rõ ràng trong tình hình vượt khó của nền kinh tế mấy năm qua, nông dân, chiếm gần 80% dân số, là đối tượng đầu tiên chịu tác động tiêu cực nhiều nhất.

Hơn nữa, ngay cả những người nhận được sự trợ cấp nhất thời của Chính phủ và đã thoát khỏi danh sách nghèo thì nguy cơ tái nghèo vẫn luôn rình rập, nhất là sau những đợt thiên tai.

Với chỉ số lạm phát khó kiềm chế ở mức 7% như ý muốn của chúng ta, cùng những diễn biến về giá cả lương thực, thực phẩm và tỷ giá đôla Mỹ chưa có điểm dừng thì người nghèo sẽ còn gặp khó khăn nhiều hơn. Quả thật đây là bài toán nhức nhối không chỉ cho các nhà hoạch định chính sách mà cả các cấp chính quyền làm công tác quản lý.

Tại Việt Nam, mặc dù tăng trưởng kinh tế cao nhưng đã xuất hiện nhiều hạn chế trong
đó có sự phân hóa giữa thành thị và nông thôn; giữa giàu và nghèo ngày càng khốc liệt.

Vấn đề này nếu không có chính sách giải quyết thỏa đáng sẽ dẫn tới mâu thuẫn xã hội tăng cao, ảnh hưởng đến việc phát triển của đất nước.

Các số liệu thống kê về lương cho thấy, tại Hà Nội chênh lệch thu nhập là khoảng trên 50 lần (80 triệu/1,8 triệu), tại TP. Hồ Chí Minh là trên 100 lần (250 triệu/2,2 triệu).

Các đối tượng thu nhập nhóm trên gồm giám đốc điều hành, trưởng đại diện, trưởng phòng, ngành ngân hàng, bác sĩ làm thêm, ca sĩ thành danh... Nhóm dưới là số đông gồm công nhân lao động, công viên chức chỉ hưởng lương...

Với các đối tượng khó thống kê thu nhập thì khoảng cách chênh lệch còn cao hơn nhiều. Nhóm thu nhập thấp vẫn là số đông gồm làm dịch vụ, tiểu thương nhỏ và nông dân, trong đó có nhiều hộ nông dân thu nhập không quá 1.000.000 đồng/tháng.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuẩn nghèo và người nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO