Chính sách và mệnh lệnh hành chính

NGUYỄN NGỌC THẠCH (Giám đốc Tài chính - LQI Investment)| 16/03/2011 08:26

Một chính sách tốt, nhưng không được kiểm soát và thực thi bởi các mệnh lệnh hành chính thì chính sách đó chưa làm tròn vai trò, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.

Chính sách và mệnh lệnh hành chính

Một chính sách tốt, nhưng không được kiểm soát và thực thi bởi các mệnh lệnh hành chính thì chính sách đó chưa làm tròn vai trò, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Không chỉ ở Chính sách, vai trò người thực thi chính sách cần được thể hiện tốt và song song với người lập chính sách.

Hướng đi chính sách

Năm 2011 rõ ràng là một năm bắt buộc phải thắt chặt lại tiền tệ bởi lạm phát đang ở mức cao, và tiếp tục gây áp lực lên không chỉ Việt Nam mà còn cả ở các nước châu Á. Hướng đi của chính sách trong năm nay là phải thắt chặt lại cung tiền.

Thực tế ngay từ đầu năm 2011, Chính phủ đã hạn chế chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và cung tiền, giảm bớt chi tiêu và đầu tư công. Ngân hàng Nhà nước gần đây cũng tăng lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất cho vay qua đêm lên mức 12%, hút ròng tiền trên thị trường mở.

Tuy nhiên, tăng lãi suất lại là một đề tài gây tranh cãi. Lãi suất cao để chống lạm phát, nhưng lãi suất cao cũng tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, ảnh hưởng đến đầu tư, sản xuất, và tiêu dùng. Vậy, mức lãi suất nào là đủ để giảm lạm phát, đồng thời không ảnh hưởng đến sản xuất và đầu tư là một vấn đề cần được quan tâm.

Trong quá khứ, nợ xấu của các ngân hàng thuộc về các khoản vay tín dụng không dành cho sản xuất, cụ thể là nằm trên thị trường vàng, bất động sản và tín dụng tiêu dùng.

Do đó, với thanh khoản giảm, các ngân hàng sẽ phải tự kiểm soát lại chất lượng tín dụng. Các doanh nghiệp sản xuất có thể được vay ưu đãi so với các khoản vay phi sản xuất. Như vậy, vẫn có thể duy trì lãi suất cao, và phản ánh sự kiên quyết khống chế lạm phát của Chính phủ.

Giá hàng hóa trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng và mặt hàng lương thực - thực phẩm đang “nóng” từng ngày. Lương thực – thực phẩm chiếm tỷ trọng cao trong rổ hàng hóa tính CPI của Việt Nam (hơn 39%). Do đó, lạm phát của Việt Nam vẫn sẽ còn chịu nhiều áp lực tăng cao. Vậy nên, chống lạm phát trong giai đoạn hiện tại chỉ là nhất thời.

Trong tương lai, cần phải kiểm soát lại lạm phát chứ không chỉ là “chống”. Điều này đồng nghĩa với việc cần phải ổn định lại các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt cán cân thương mại, cán cân thanh toán, không nên chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng.

Kiểm soát hành chính

Một chính sách tốt nhưng thiếu đi việc kiểm soát hành chính thì sẽ không đạt được hiệu quả, thậm chí là đi nguợc lại với ý muốn chính sách. Ví dụ như Việt Nam trong những năm vừa qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, hay các cơ quan quản lý, không phải là không có những chính sách tốt, phù hợp; mà vì việc kiểm soát và quản lý yếu kém, dẫn tới tình trạng “trên bảo dưới không nghe”.

Thực tế điều hành trong thời gian qua chưa có sự nỗ lực kiểm tra và răn đe xử phạt cho nên tâm lý người dân, doanh nghiệp không chấp hành là điều dễ hiểu.

Trong những ngày qua, Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt rà soát và xử phạt các đối tượng giao dịch USD trái phép trên thị trường tự do. Kết quả là các điểm giao dịch (Hà Nội và TP.HCM) đã phải tạm ngưng giao dịch. Vấn đề là “tạm ngưng” hay “dừng hẳn”?

Điều này phụ thuộc vào thái độ quyết liệt, kiên trì của Ngân hàng Nhà nước. Đó là một ví dụ điển hình thể hiện tác động của việc kiểm soát thị trường bằng mệnh lệnh hành chính.

Thị trường USD tự do tồn tại song song với thị trường chính thức đã từ lâu nên xóa bỏ thị trường này để ổn định lại thị trường ngoại hối là một việc làm không dễ dàng.

Chính vì thế mà Ngân hàng Nhà nước cần phải có một quyết tâm cao độ. Với việc xóa bỏ thị trường tự do này, dòng tiền USD sẽ chảy vào ngân hàng.

Thị trường ngoại hối ổn định sẽ tạo hiệu ứng tích cực tới các chỉ tiêu kinh tế khác như cán cân thương mại, cán cân thanh toán, tăng đầu tư... đồng thời ổn định lại tâm lý của người dân và doanh nghiệp.

Cũng cần lưu ý rằng, hiệu quả của việc kiểm soát USD hiện tại chỉ mới ở bề nổi. Một khi dòng tiền USD đã thực sự đi vào ngân hàng, thể hiện qua việc tỷ giá hối đoái tự do sẽ về sát với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, thì mới là bằng chứng xác thực cho hiệu quả của công tác quản lý.

Đối với thị trường vàng, thông tin từ việc có khả năng cấm kinh doanh vàng miếng đã ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu của người dân, đặc biệt là với thói quen tích trữ vàng.

Kiểm soát hành chính đối với USD và vàng, sẽ hỗ trợ thêm sức khỏe cho tiền đồng, vốn đã và đang mất dần niềm tin nơi người dân. Chính sách đã có, và có kiên quyết thực hiện hay không thì phụ thuộc vào cơ quan quản lý.

Thực tế ở Việt Nam còn rất nhiều những lĩnh vực thiếu sự thực thi nghiêm túc và kiểm soát chặt chẽ. Điều này hạn chế rất nhiều đối với quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Một chính sách tốt cần phải có ban ngành kiểm soát việc thực thi; và kiểm tra, xử phạt cần được thực hiện liên tục và duy trì để thể hiện thái độ kiên quyết của nhà điều hành chính sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chính sách và mệnh lệnh hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO