Cần đánh giá lại nguồn vốn ODA từ Trung Quốc

PHẠM CHI LAN(*)| 24/08/2018 03:00

Chuyện về nguồn vốn ODA Trung Quốc tại Việt Nam cho thấy sự cam go trên bước đường hội nhập của chính Việt Nam.

Cần đánh giá lại nguồn vốn ODA từ Trung Quốc

Tại báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA (các khoản vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp với thời gian vay dài) và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2025, bộ này đã lên tiếng cảnh báo về vốn vay ODA từ Trung Quốc.

Theo báo cáo về thu hút, quản lý và sử dụng vốn vay ODA giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2025 Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Tín dụng ưu đãi của Trung Quốc là các khoản vay có điều kiện (chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc) và có điều kiện vay kém ưu đãi hơn so với vốn ODA của các nhà tài trợ khác tại Việt Nam.

- Vốn vay của Trung Quốc thường có lãi suất 3% một năm, cao hơn mức lãi vay từ các thị trường khác như Nhật Bản (0,4-1,2%), Hàn Quốc (0-2%)... tùy thời gian, điều kiện đấu thầu.

- Vay vốn từ Trung Quốc sẽ phải chịu phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%, trong khi thời hạn vay và ân hạn đều ngắn hơn các thị trường vốn khác, lần lượt 15 và 5 năm.

Link bài viết

Đến nay Trung Quốc đã xây dựng được nhiều công trình hạ tầng ở Việt Nam, nhưng trong đó có không ít công trình không dùng tiền của nước họ mà dùng nguồn vốn có được từ thắng thầu ở nhiều quốc gia khác - những quốc gia có quy định rất mở về sử dụng nguồn vốn ODA, không có quy định ràng buộc về sử dụng khoản vay này.

Nhiều công trình do Trung Quốc xây dựng tại Việt Nam bị đội vốn lên mức rất cao, làm cho giá trị của khoản vay so với giá trị mang lại không tương xứng. Đơn cử như đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đến nay đã đội vốn gấp hai lần, từ 552 triệu USD lên 868 triệu USD.

Việc Trung Quốc thắng thầu với giá rẻ là do cách nhìn của phía Việt Nam. Đã có những công trình chi phí khác chiếm tới 50% nên tiền mua thiết bị giới hạn trong 50% còn lại. Thậm chí có công trình trở thành thí điểm thiết bị của các công ty Trung Quốc lần đầu sản xuất. Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông tại Hà Nội trở thành một điển hình, với thời gian thi công kéo dài 10 năm, 4 lần lùi tiến độ.

Đang có những quan ngại khi năng lượng - một ngành quan trọng hàng đầu của quốc gia, cũng là ngành có số lượng lớn dự án được thực hiện bởi nhà thầu Trung Quốc. Đầu tư vào năng lượng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được ghi nhận là có vốn lớn nhất. Nhưng thực tế, EVN chỉ đứng tên chủ đầu tư, hầu hết nguồn vốn là từ ngân sách nhà nước, từ nguồn ODA của nhiều nước hỗ trợ phát triển hạ tầng cho Việt Nam sau chiến tranh, trong đó có điện.

Đáng chú ý nữa là ngành công thương, hiện đang có 12 nhà máy thua lỗ lớn, 1/3 trong đó là sử dụng vốn vay từ Trung Quốc. Thậm chí, tại các dự án năng lượng, Bộ Công Thương và EVN đều nói nhiều đến giá trị tiền vốn của Trung Quốc, dù không công bố những tính toán liên quan đến công suất đóng góp của các nhà máy này vào tổng công suất phát điện của quốc gia. Những tính toán này, nếu được công bố, sẽ thấy được hiệu quả dòng vốn do Trung Quốc thu xếp đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam.

Phát triển điện than bởi được lý giải bằng chi phí thấp do Trung Quốc thực hiện. Trên thực tế, đó là cách tính chưa chính xác của các chủ đầu tư, bỏ ra ngoài những chi phí ngoại biên, về hạ tầng, môi trường, nhập khẩu than, xử  lý tro xỉ. Những tác động từ nhiệt điện than đến môi trường là rất rõ. Nhiều địa phương cũng đã ý thức được điều này.

Nếu đánh giá tác động của Trung Quốc đối với ngành điện Việt Nam, cần xem xét nhiều mặt, đặc biệt là yếu tố vốn. Theo tính toán của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh Việt Nam (GreenID), tổng vốn đầu tư vào nhiệt điện than ở Việt Nam đạt gần 40 tỷ USD, tính đến đầu năm 2017. Nguồn vốn này được tính toán theo từng nhà máy, ở từng giai đoạn cụ thể.

Nhưng trong 40 tỷ USD, có 17% đến từ các ngân hàng trong nước, 52% đến từ các ngân hàng nước ngoài và 31% không xác định được nguồn. Đối với nguồn vốn vay từ nước ngoài xác định được nguồn gốc, có đến 50% vay của Trung Quốc, tương đương 8 tỷ USD. Nguồn vốn đến từ Nhật Bản, dù vẫn được xem là một trong những quốc gia cung cấp viện trợ lớn nhất cho Việt Nam, chỉ 23%, và Hàn Quốc với tỷ lệ 18%.

Trung Quốc từng tuyên bố sẽ dừng sản xuất điện than. Theo tuyên bố này, Trung Quốc đang dư thừa khoảng 600 máy điện than, chưa tính đến số thiết bị đã sản xuất, cần bán. Trong khi đó, mong muốn làm điện than của Bộ Công Thương và ngành điện Việt Nam vẫn rất lớn. Ngày 11/7 vừa qua, ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương đã tái khẳng định điều này.

Chuyện về nguồn vốn ODA Trung Quốc tại Việt Nam cho thấy sự cam go trên bước đường hội nhập của chính Việt Nam.

(*) Tác giả là chuyên gia kinh tế

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần đánh giá lại nguồn vốn ODA từ Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO