Doanh nghiệp ngừng hoạt động: Chỉ dấu môi trường kinh doanh

PHẠM CHI LAN(*)| 18/10/2018 06:19

Thực tế cho thấy, có nhiều yếu tố khiến doanh nghiệp ngừng hoạt động, nhưng môi trường kinh doanh là yếu tố đầu tiên.

Doanh nghiệp ngừng hoạt động: Chỉ dấu môi trường kinh doanh

Mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 có thể đạt được khi môi trường kinh doanh được cải thiện. Thế nhưng, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm, GDP ước tăng 6,98%, mức tăng 9 tháng cao nhất kể từ năm 2011 nhưng số doanh nghiệp ngừng hoạt động tiếp tục tăng mạnh, dù số việc làm được cải thiện.

Đặc biệt, quý III tiếp tục chứng kiến lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động nhiều bất thường so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng số 24.501 doanh nghiệp, tăng tới 76%. Tính chung 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 73.103, tăng 48,1% so với cùng kỳ 2017, trong khi số doanh nghiệp thành lập không tăng nhiều. Việc doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng cao bất thường thời gian gần đây khiến cho mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 trở nên không dễ dàng.

Năm 2018, năm thứ năm Nghị quyết 19 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được ban hành và năm thứ ba thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ Về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Chính phủ đã tập trung rất cao cho vấn đề này, các bộ ngành cũng bỏ nhiều thời gian, công sức nhưng kết quả cải thiện môi trường kinh doanh chưa tương xứng. Tổng điều tra kinh tế năm 2017 cho thấy, đến nay nước ta chỉ có hơn 500.000 doanh nghiệp hoạt động trên thương trường - một khoảng cách lớn đang là trở ngại cho mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Nhưng quan ngại về con số không lớn bằng việc doanh nghiệp tiếp tục rút khỏi thị trường.

Thực tế cho thấy, có nhiều yếu tố khiến doanh nghiệp ngừng hoạt động, nhưng môi trường kinh doanh là yếu tố đầu tiên. Nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng môi trường kinh doanh chưa được cải thiện. Chẳng hạn, các thủ tục hành chính đã được quy về một cửa, nhưng muốn qua được cửa chính, doanh nghiệp vẫn phải đi gõ nhiều cửa ngách.

Cạnh đó, các bộ, ngành cũng đã cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng phiền hà, nhũng nhiễu vẫn còn rất nhiều. Nhiều điều kiện kinh doanh sau tuyên bố cắt bỏ đã được "tái tạo" bằng những điều kiện khác, với chi phí tuân thủ lớn hơn, cả về thời gian lẫn tiền bạc, tạo rủi ro lớn cho doanh nghiệp.

Hội nhập thế giới và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo cơ hội, nhưng việc Việt  Nam nắm được cơ hội ấy như thế nào vẫn còn bị bỏ ngỏ. Trong điều kiện những thay đổi nhỏ còn đang rất chậm chạp, việc vươn tới nắm bắt những cái lớn lao hơn là rất khó. Chẳng hạn, doanh nghiệp khi muốn tính đến đổi mới công nghệ đều vấp phải hàng loạt rào cản. Doanh nghiệp phải có vốn trung và dài hạn mới có thể đầu tư công nghệ.

Nhưng chi phí tiếp cận vốn quá cao đã và đang cản trở doanh nghiệp đầu tư công nghệ. Trong khi đó, những biện pháp về vốn của Nhà nước, tuyên bố thì rất hay, song doanh nghiệp không dễ tiếp cận. Thêm nữa, các đối thủ cạnh tranh đang đi nhanh hơn rất nhiều. Doanh nghiệp không vững tin trong việc đuổi kịp đà thay đổi hiện nay.

Hiện, hai hiệp định thương mại tự do quan trọng nhất là EVFTA và CPTPP đang phải chờ nhiều yếu tố phù hợp để được ký kết, thì những yếu tố mới lại xuất hiện. Theo quy định của WTO, sau 12 năm một nền kinh tế phi thị trường có thể trở thành kinh tế thị trường. Theo đó, Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế thị trường, nhưng đến nay vẫn trong quá trình đi vận động để các nước công nhận.

Sự vượt lên để trở thành nền kinh tế thị trường là vô cùng quan trọng, nhưng Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng hoàn tất thể chế kinh tế thị trường đầy đủ với các tiêu chuẩn rõ ràng, đó có thể là rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp, do đến nay vẫn là 1/11 nền kinh tế phi thị trường đối với Mỹ. Điều này không chỉ cản trở hoàn tất ký kết CPTPP hay EVFTA, mà còn dẫn đến khả năng doanh nghiệp Việt Nam bị áp dụng các quy định của một nền kinh tế phi thị trường mà Mỹ đưa ra trong FTA với Canada và Mexico.

Việt Nam mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài song chưa mở cửa đủ rộng cho doanh nghiệp trong nước, thể hiện qua những trở ngại trong môi trường kinh doanh. Việt Nam tham gia nhiều FTA, kể cả WTO, mặt được có nhiều, nhưng mặt chưa được cho bản thân doanh nghiệp trong nước cũng không ít.

Hầu hết các cơ hội rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn là doanh nghiệp trong nước, thể hiện rõ ở con số xuất khẩu, chiếm 72% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong khi xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam chỉ tăng 11%. Hơn nữa, trên chính thị trường nội địa, doanh nghiệp trong nước không được hưởng tự do hóa như các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong một tương lai như vậy, doanh nghiệp lo lắng nhiều hơn đến việc bị văng ra khỏi thị trường thay vì cơ hội hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do. Đến nay, những vấn đề ấy vẫn tồn tại trong môi trường kinh doanh, tác động mạnh đến việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam ngưng hoạt động.

(*) Tác giả là Chuyên gia kinh tế

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp ngừng hoạt động: Chỉ dấu môi trường kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO