Bài toán năng suất lao động chưa có đáp số

PHẠM THÀNH SƠN| 10/03/2012 05:57

Một thời gian dài và kể cả hiện tại, chúng ta cho rằng giá nhân công rẻ của Việt Nam là một trong những lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là một sự ngộ nhận, bởi dưới cách nhìn của các nhà quản lý, giá nhân công chỉ có ý nghĩa nếu đặt nó trong mối tương quan với năng suất lao động.

Bài toán năng suất lao động chưa có đáp số

Một thời gian dài và kể cả hiện tại, chúng ta cho rằng giá nhân công rẻ của Việt Nam là một trong những lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là một sự ngộ nhận, bởi dưới cách nhìn của các nhà quản lý, giá nhân công chỉ có ý nghĩa nếu đặt nó trong mối tương quan với năng suất lao động.

Nhân công giá rẻ không còn là lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài

Điều mà chúng ta gọi là lợi thế hiện nay đã không còn, lực lượng lao động của chúng ta khá hạn chế về trình độ, trong khi yêu cầu mức lương của người lao động ngày càng tăng khiến lợi nhuận không còn hấp dẫn đối với người đầu tư.

Thực tế cho thấy mấy năm qua nhiều doanh nghiệp FDI không tuyển đủ lao động cũng vì mâu thuẫn giữa đồng lương và năng suất. Khi gặp khó trong việc tuyển nhân sự tại chỗ thì một số doanh nghiệp hoặc chuyển hướng kinh doanh hoặc - như Công ty Canon Việt Nam chẳng hạn - thay vì mở rộng hoạt động sản xuất đã chuyển hướng sang Thái Lan.

Hệ quả của năng suất lao động là rất trực tiếp. Một cá nhân có năng suất lao động kém thì lương sẽ thấp. Một công ty có năng suất lao động kém thì giá thành sản phẩm sẽ cao và chỉ số lợi nhuận thấp. Một quốc gia có năng suất lao động kém tất yếu sẽ ngày càng tụt hậu so với những nước có năng suất lao động cao hơn.

Đối với doanh nghiệp, tăng năng suất lao động là một yếu tố quan trọng để giảm giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh.

Năng suất tăng cao không chỉ giải quyết được vấn đề lợi nhuận, sự tồn tại của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị mà còn nâng cao được thu nhập của người lao động, hiệu quả làm việc, phát huy khả năng sáng tạo của họ.

Đối với nền kinh tế, năng suất lao động cao là một yếu tố quan trọng góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, tạo nên thị trường lao động chất lượng cao vốn là yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài.

Suốt mấy thập niên qua, nền kinh tế nước ta chủ yếu phát triển theo chiều rộng, dựa trên khai thác lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên, tăng cường độ lao động và tăng vốn đầu tư chứ chưa thật sự tính toán đầy đủ đến những hệ lụy cùng những hạn chế nên năng suất lao động tăng không ổn định, dẫn đến năng lực cạnh tranh quốc gia ở mức thấp.

Thực trạng đáng buồn

Theo báo cáo Năng suất của APO năm 2010, xét về năng suất lao động thì Việt Nam chỉ đạt mức 2.072 USD/người lao động, thấp nhất trong số 10 nước châu Á được so sánh gồm Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia và Việt Nam.

Thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn Năng suất chất lượng lần thứ 16, do Trung tâm Năng suất Quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) phối hợp với Tổ chức Năng suất châu Á (APO) tổ chức ngày 17/2 tại Hà Nội. Diễn đàn đã thu hút sự tham dự và thảo luận của hơn 200 đại biểu gồm các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp.

Một thông tin khác làm rõ thêm tình trạng này. Trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, khi đánh giá về chất lượng lao động Việt Nam thông qua năng suất lao động, Tiến sĩ Hồ Đức Hùng, thuộc Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, cho rằng năng suất lao động của lao động Việt Nam hiện thấp hơn Indonesia 10 lần, Malaysia 20 lần, Thái Lan 30 lần, Nhật Bản tới 135 lần.

Ông cũng bày tỏ quan điểm: “Nếu coi lao động giá rẻ (chất lượng thấp) như một lợi thế thì sai lầm, bởi yếu tố quyết định đến doanh thu lợi nhuận của doanh nghiệp chính là năng suất lao động”.

Dựa trên chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2009-2010, Việt Nam xếp thứ 75/133 quốc gia về năng suất lao động, trong khi đó vị trí của Singapore là 3, Malaysia 24, Thái Lan 36…

Còn Tiến sĩ Christian H.M Ketels, cố vấn đặc biệt Học viện Chiến lược và Cạnh tranh Harvard, nhận định ở Việt Nam, rất nhiều vốn đã đổ vào sản xuất công nghiệp, cộng với giá nhân công rẻ nhưng vì năng suất lao động thấp nên giá trị thặng dư không cao. Và hệ quả là đa số nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung ở những ngành có năng suất thấp.

Nhìn tổng quát, năng suất lao động của nước ta không cao do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do những ngành có năng suất lao động thấp lại chiếm tỷ trọng lao động rất cao (như nông nghiệp, buôn bán nhỏ...). Có nguyên nhân do chất lượng lao động, mà biểu hiện trước hết ở tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn rất nhỏ và tăng rất chậm, hiện mới đạt khoảng một phần tư tổng số và lại chưa hợp lý.

Tỷ số người tốt nghiệp các cấp đào tạo theo chuẩn mực của thế giới là 1 cao đẳng, đại học/4 trung cấp chuyên nghiệp/10 học nghề. Trong khi đó ở nước ta các tỷ số tương ứng là 1 - 0,98 - 3,03, gây ra tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.

Đó là chưa kể chất lượng đào tạo cũng còn không ít vấn đề: lý thuyết nhiều hơn thực tiễn; trung cấp chuyên nghiệp thì nửa thầy nửa thợ; cao đẳng, đại học thì khoa học cơ bản chưa đủ, còn khoa học ứng dụng còn yếu. Trình độ kỹ thuật - công nghệ còn thấp.

Ngay cả đào tạo tiến sĩ đã có lời than phiền rằng có tới gần một phần ba là danh nhiều hơn thực. Những năm gần đây tình trạng mua bán bằng cấp làm cho chất lượng nguồn nhân lực còn tệ hại hơn, đồng thời càng làm suy giảm lòng tin vào hệ thống giáo dục đào tạo.

Hằng năm TP. Hồ Chí Minh có khoảng 55.000 sinh viên đại học, cao đẳng ra trường, tính cả số học viên trung cấp, công nhân kỹ thuật, đào tạo nghề ngắn hạn thì có khoảng 180.000 người được đào tạo nghề có nhu cầu việc làm. Tuy nhiên, chỉ 50% sinh viên ra trường có việc làm phù hợp năng lực và phát triển tốt, 50% làm việc trái ngành nghề, thu nhập thấp và việc làm chưa thực sự ổn định.

Chúng ta thường tự hào là quốc gia có dân số vàng với 75% người dân ở độ tuổi 15 trở lên, nhưng rõ ràng yếu tố này chẳng là gì cả nếu năng suất lao động thấp.

Trách nhiệm của ngành giáo dục - đào tạo

Tất nhiên, năng suất lao động được quyết định bởi các yếu tố như chất lượng nhân lực, trình độ quản lý, cải tiến công nghệ…, nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố nhân lực mà trách nhiệm chính là ngành giáo dục và đào tạo, nhất là khi chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 đã được Chính phủ phê duyệt, theo đó phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 là 55% và vào năm 2020 là 70%.

Lâu nay, tham gia vào công tác đào tạo nghề các cấp là Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Tổng cục Dạy nghề).

Riêng việc dạy nghề đã ba lần đùn đẩy trách nhiệm giữa hai bộ kể trên, điều này giải thích tại sao công tác dạy nghề không mang lại kết quả thực chất cũng như chưa được quan tâm đúng mức.

Cuối cùng thì cũng phải phân công trách nhiệm, theo đó Bộ Giáo dục và Đào tạo phụ trách đào tạo từ bậc đại học đến cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; còn Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lo đào tạo từ cao đẳng nghề - trung cấp nghề và dạy nghề sơ cấp.

Việc phân chia giữa hai bộ bộc lộ một sự lúng túng vì chưa phân định rõ tên gọi như cao đẳng và cao đẳng nghề, hoặc trung học chuyên nghiệp và trung học nghề khác nhau thế nào. Đến nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.

Hậu quả là Việt Nam đã tụt hậu so với khu vực về tiếp thu kỹ năng lao động, như nhận định ghi trong Dự án Lao động và Tiếp cận việc làm do Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) chủ trì.

Đã có nhiều gợi ý đào tạo nghề phải gắn chặt với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, bởi không nhà trường nào có thể đủ sức đổi mới công nghệ sản xuất và vận hành theo kịp thời đại, ngoại trừ khu vực sản xuất. Nhưng đến nay điều này vẫn chưa được khuyến khích.

Có thể nói chất lượng giáo dục và đào tạo của chúng ta chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là trong việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chưa giải quyết tốt tương quan giữa tăng số lượng, quy mô với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học lạc hậu, cũng như cơ cấu giáo dục không hợp lý giữa các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo là căn bệnh kinh niên chưa giải quyết được.

Trong khi đó, xu hướng thương mại hóa và sa sút đạo đức trong giáo dục đang là nỗi lo lớn của xã hội. Thế cho nên bài toán nhân lực nói chung và năng suất lao động nói riêng sẽ không giải quyết được nếu không có cuộc cách mạng toàn diện của ngành giáo dục và đào tạo.

Dự kiến, năm 2012 TP. Hồ Chí Minh có 265.000 chỗ làm việc, trong đó 120.000 chỗ làm việc mới.

Riêng các khu chế xuất - khu công nghiệp cần tuyển 30.000 chỗ làm với các nhóm nghề: điện - điện tử (18%), dệt may (18%), dịch vụ (16%), cơ khí (13%), chế biến thực phẩm - hải sản (8%), công nghệ thông tin (5%), mộc - bao bì (4%), hóa - dược (3%) và ngành nghề khác (15%).

Cơ cấu trình độ chuyên môn theo tỷ lệ: đại học - cao đẳng: 7%, trung cấp: 12%, công nhân kỹ thuật: 19%, lao động đã qua đào tạo nghề: 30%, lao động chưa đào tạo nghề: 32%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài toán năng suất lao động chưa có đáp số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO