Văn bản pháp luật lượng đã nhiều còn chất ...?

13/12/2010 07:07

Ở nước ta Quốc Hội là cơ quan lập pháp nhưng văn bản luật thường do bên hành pháp “sơ chế”, sau đó Quốc Hội thảo luận và bỏ phiếu thông qua.

Văn bản pháp luật lượng đã nhiều còn chất ...?

Ở nước ta Quốc Hội là cơ quan lập pháp nhưng văn bản luật thường do bên hành pháp “sơ chế”, sau đó Quốc Hội thảo luận và bỏ phiếu thông qua. Khi đem ra Quốc Hội thảo luận mà ta hay nói vui là “Làm văn tập thể”, vì các Đại biểu Quốc Hội không phải ai cũng rành chuyên môn pháp luật nên có người phát biểu thảo luận theo hiểu biết chủ quan không hoàn toàn phù hợp. Và điều quan trọng là họ lại có quyền biểu quyết thông qua hoặc bác bỏ văn bản pháp luật đó.

TS Chu Hải Thanh - Phó Giám đốc Học viện Tư Pháp.

Theo tôi, môi trường pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp có những yếu tố cấu thành sau:

Thứ nhất là lập pháp. Chúng ta phải tạo ra được hệ thống văn bản pháp luật không những đủ về số lượng mà còn có chất lượng tốt, có hiệu lực, hiệu quả và có tính thống nhất cao làm nền tảng pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp.

Ở nước ta Quốc Hội là cơ quan lập pháp nhưng văn bản luật thường do bên hành pháp “sơ chế”, sau đó Quốc Hội thảo luận và bỏ phiếu thông qua. Khi đem ra Quốc Hội thảo luận mà ta hay nói vui là “làm văn tập thể”, vì các đại biểu Quốc Hội không phải ai cũng rành chuyên môn pháp luật nên có người phát biểu thảo luận theo hiểu biết chủ quan không hoàn toàn phù hợp. Và điều quan trọng là họ có quyền biểu quyết thông qua hoặc bác bỏ văn bản pháp luật đó. Vấn đề chất lượng và hiệu quả văn bản luật phụ thuộc nhiều vào khâu này.

Trong những năm qua, Quốc Hội ban hành rất nhiều luật, có thể nói là “bội thu” về lập pháp, nhưng chất lượng và hiệu lực của văn bản vẫn tiếp tục là vấn đề thời sự. Bên cạnh đó, tính cục bộ trong văn bản luật cũng có ảnh hưởng đến cuộc sống và gây khó cho đời sống và cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Thứ hai là hiểu và thực thi pháp luật. Đây là khâu quan trọng, có tính quyết định. Doanh nghiệp thi hành những văn bản liên quan đến lĩnh vực hoạt động của nghề mình, ngành mình, nhưng do số lượng văn bản quá nhiều nên bản thân doanh nghiệp cũng không thể nắm hết. Ví như anh buôn bán cà phê thì chỉ biết các văn bản điều chỉnh quan hệ buôn bán mặt hàng này, còn bao nhiêu văn bản khác làm sao tiếp cận, đọc và hiểu hết.

Ví dụ Luật Doanh nghiệp năm 2005 ra đời nó đã kèm theo 18 Nghị định, 2 Quyết định, 2 Chỉ thị. Hay là lĩnh vực đất đai, bên cạnh Luật Đất đai còn có hàng trăm văn bản cấp Trung ương và do các địa phương ban hành hướng dẫn… Hỏi rằng doanh nghiệp có nắm bắt hết không?

Muốn thực hiện luật đúng và nghiêm chỉnh thì phải biết và hiểu luật đầy đủ. Ai sẽ giúp doanh nghiệp trong công việc này?
Còn một vấn đề mà ta phải nói thẳng là không ít doanh nghiệp còn tìm cách “trốn luật, né luật” không muốn thi hành hoặc thi hành phần có lợi cho mình, phần liên quan nghĩa vụ thì bỏ qua. Văn hóa chấp pháp còn thấp.

Thứ ba hệ thống các cơ quan, tổ chức quản lý…Đây là hệ thống cơ quan quản lý theo ngành nghề mà chúng ta hay gọi là các cơ quan chủ quản và những cơ quan công quyền làm dịch vụ công của nhà nước. Những cơ quan này có quyền cấp giấy này, cấp giấy kia, sáng tác ra thủ tục này, thủ tục nọ mà chúng ảnh hưởng không nhỏ đến chuyện làm ăn của doanh nghiệp.

Tôi lấy ví dụ bây giờ xin mở doanh nghiệp phải có bao nhiêu giấy phép về các vấn đề bảo đảm môi trường, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy... Nếu hệ thống các cơ quan này cứ tiếp tục tăng quân số và “đẻ” thủ tục thì hoạt động doanh nghiệp sẽ ách tắc và khó khăn lắm. Nhà nước đang ráo riết rà soát để cắt bỏ thủ tục thừa, quyết tâm thực hiện cải cách hành chính tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động doanh nghiệp, chúng ta tin là dần dần công việc sẽ tốt hơn.

Thứ tư là dịch vụ pháp lý. Bây giờ, các doanh nghiệp phải làm quen với việc sử dụng dịch vụ pháp lý. Đây phải xem là một bộ phận cấu thành của hàng hóa, dịch vụ, một loại “nguyên vật liệu” không thể thiếu trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong các doanh nghiệp của nhiều nước phát triển thế người ta có bộ ba gồm Giám đốc – Chuyên gia tài chính – Luật sư. Với ba chân kiềng ấy người ta có thể phát triển mới bền vững.

Hiện Học viện Tư pháp chúng tôi đang đào tạo nguồn học viên Luật sư. Qua mười năm con số này đã hơn 12.000. Cả nước hiện có khoảng 6.500 Luật sư đang hành nghề và khoảng 2.000 người tập sự hành nghề luật sư, nhưng trong số đó chỉ có 1,5% có thể dùng tiếng Anh để tham gia tranh tụng ở các vụ tranh chấp có nhân tố nước ngoài. Do vậy khi doanh nghiệp Việt Nam lâm vào các vụ tranh chấp quốc tế thì Luật sư chúng ta đành ngồi nhà, các thân chủ phải đi thuê luật sư nước ngoài với giá rất đắt.

Vụ Hàng không Việt Nam bị kiện tại Italia ; vụ một huấn luyện viên nước ngoài kiện đòi bồi thường hợp đồng ; vụ kiện cá ba sa tại Mỹ ..v.v là những ví dụ.

Nhưng, để cung cấp dịch vụ pháp lý cho khoảng 160.000 doanh nghiệp thì số lượng Luật sư trên còn rất nhỏ. Một thực tế khác là chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ pháp lý hoặc đã từng thuê luật sư, theo thống kê chừng 45-50% và chi phí chưa quá 3% doanh thu của doanh nghiệp.

Cho nên hoạt động sai trái, tranh chấp vẫn xảy ra và thua thiệt các doanh nghiệp gánh chịu cũng rất nhiều !.
Và việc Luật sư và doanh nghiệp có đến được với nhau không lại là vấn đề khác nữa

Nhà nước định hướng phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam phải có đội ngũ từ 18.000 đến 20.000 Luật sư, 85% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ luật sư trong hoạt động của mình và chi chừng 5% doanh thu cho dịch vụ này. 

TS Chu Hải Thanh - Phó Giám đốc Học viện Tư Pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Văn bản pháp luật lượng đã nhiều còn chất ...?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO