Từ doanh nhân 1.0 đến thế hệ doanh nhân mới
Thế hệ doanh nhân mới của Việt Nam là thế hệ doanh nhân không chỉ có năng lực lãnh đạo hay tài năng kinh doanh mà còn có chiều sâu văn hóa, tính nhân bản và tinh thần ái quốc; một thế hệ doanh nhân rất nhân loại, rất dân tộc, và cũng rất chính mình.
Nhìn lại kinh thương Việt Nam
Ở thời phong kiến, trật tự xã hội mà Nho gia quy định là sĩ, nông, công, thương, binh. Trong đó, “thương” - xếp thứ tư và được coi là một tầng lớp thấp trong xã hội. Nếu như trước đó, theo quan điểm của các nhà Nho, thương nhân là tầng lớp hạ đẳng thì cụ Lương Văn Can - người đồng sáng lập Đông kinh Nghĩa thục để gióng lên tiếng trống khai trí cho đất nước, đã nỗ lực thay đổi nhận thức của xã hội về thương giới, đồng thời ông cũng chứng minh cho xã hội thấy rằng, thương nhân hay doanh nhân là rất quan trọng và nếu làm ăn đàng hoàng thì là một nghề rất cao quý. Có thể gọi đây là thế hệ “doanh nhân 1.0”, là thế hệ doanh nhân tiền bối, những người đặt nền móng cho nền kinh thương Việt Nam.
Đến năm 1975, khi đất nước thống nhất, trên cả nước không còn doanh nhân, không còn thị trường, tất cả đều bị xóa sổ và trở về với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp kinh doanh thường bị xem là chủ nghĩa cá nhân xấu xí và tham vọng tư hữu hay bóc lột.
Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân ra đời năm 1990 nhưng chưa phải để khuyến khích kinh doanh mà nhằm hợp thức hóa thực trạng phát triển doanh nghiệp tư nhân, chuyển đổi cơ sở sản xuất thành công ty, doanh nghiệp để quản lý và thu thuế. Nhưng đây cũng được xem là dấu mốc về sự xuất hiện của thế hệ doanh nhân thứ hai, tạm gọi là thế hệ “doanh nhân 2.0”.
Năm 2000, Luật Doanh nghiệp ra đời thực sự mang tính cách mạng, đó là Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, còn người dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Đây cũng là lần đầu tiên luật hóa về quyền tự do kinh doanh của người dân. Do đó, từ năm 2000, Việt Nam có thế hệ doanh nhân thứ ba, tạm gọi là thế hệ “doanh nhân 3.0”. Và cũng từ đây, kinh tế và kinh doanh ở Việt Nam bắt đầu bùng nổ cả về số lượng doanh nghiệp và quy mô doanh nghiệp.
Năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định lấy ngày 13/10 hằng năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam nhằm tôn vinh những người làm nghề kinh doanh Điều này thể hiện quan điểm chính thống của Nhà nước, kinh doanh là nghề cao quý.
Nếu ở thời điểm năm 2000, cả nước chỉ có khoảng 30.000 doanh nghiệp, đa số là doanh nghiệp Nhà nước, không nhiều doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng đến thời điểm hiện tại, sau hơn hai thập kỷ phát triển, cả nước đã có gần 900.000 doanh nghiệp. Điều quan trọng là hình ảnh đội ngũ doanh nhân, những người làm kinh doanh đã đẹp hơn rất nhiều trong mắt cộng đồng xã hội.
Thế hệ doanh nhân mới
Thế hệ doanh nhân mới gồm hai nhóm: Doanh nhân trẻ khởi nghiệp và doanh nhân “cũ” tự làm mới bản thân và doanh nghiệp.
Khái niệm doanh nhân bao gồm hai cấu phần: Phần “nhân” và phần “doanh”. Phần “nhân” chính là “năng lực văn hóa” bao gồm “tam tính” (nhân tính, quốc tính, cá tính). Phần “doanh” chính là “năng lực kinh doanh” bao gồm “tam doanh” (doanh khí, doanh đức và doanh tài).
Về phần “nhân”, mô hình “con người tam tính” có ba đặc tính quan trọng cấu thành trong mỗi con người Việt Nam. Đó là nhân tính vừa là lớp lõi vừa là phần gốc, quốc tính nằm ở lớp giữa và dựa trên nền tảng nhân tính, cuối cùng là cá tính ở lớp ngoài. Ba đặc tính này sẽ làm nên con người Việt Nam: Vừa nhân loại, vừa dân tộc và cũng là chính mình. Cần nói thêm ở chỗ quốc tính. Đó là hồn cốt, bản sắc dân tộc, là căn tính, truyền thống quốc gia nhưng nó cần phải được sàng lọc bởi nhân tính. Điều này sẽ giúp nhận ra đâu là mỹ tục cần giữ gìn và đâu là hủ tục nên bỏ đi.
Về phần “doanh”, có thể tìm hiểu về «tam doanh” bắt đầu bằng “doanh khí”. “Khí” ở đây nghĩa là “chí khí” và “khí phách”, là lý tưởng và sự can trường của doanh nhân. Làm gì cũng phải chí khí, phải có khát vọng vượt lên chính mình và làm được điều gì đó thực sự có ý nghĩa, đặc biệt là làm doanh nhân, vì kinh doanh là một lĩnh vực đầy thách thức, luôn cần có chí khí và sự can trường.
Nếu không có “doanh khí” thì khó có thể làm được gì, hoặc có làm được cũng mau nản chí. Nhưng nếu có “doanh khí” mạnh mẽ mà thiếu “doanh đức” thì thật là nguy hại đối với cộng đồng xã hội. Do vậy, kinh doanh gì thì cũng cần có “doanh đức”, vì đây chính là gốc rễ văn hóa của một nền kinh thương.
“Đức” ở đây là “đạo đức” của doanh nhân, được thể hiện thông qua ba khía cạnh của hành động, là động cơ (sâu xa bên trong), mục đích (thể hiện bên ngoài) và cách thức (đạt được mục đích). Nếu cả ba khía cạnh này đều tốt lành, nhân bản, và khi làm gì cũng nghĩ đến chuyện lợi mình, lợi người, lợi các bên, lợi cộng đồng thì đó chính là “doanh đức”.
Một khi đã có “doanh khí” và “doanh đức” thì cần nỗ lực trang bị “doanh tài”. “Tài” ở đây là “tài năng”, bao gồm “tài năng kinh doanh” và “năng lực lãnh đạo”. Để có tài năng kinh doanh, trước hết cần hiểu rõ làm kinh doanh là làm gì. Kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua sản phẩm, dịch vụ tốt lành. Tiếp đó là phải có khả năng đưa ra chiến lược đột phá cho doanh nghiệp.
Dân tộc Việt Nam nói chung và kinh thương Việt Nam nói riêng cần có một nền văn hóa kinh thương mới để hiện thực hóa thành công mục tiêu và tầm nhìn mới của đất nước. Năm 2021, Việt Nam đã có tầm nhìn và mục tiêu dài hạn rõ ràng, đó là đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước), Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao (nguồn: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam).
Hướng tới mục tiêu này, nếu không có văn hóa mới thì không thể có Việt Nam mới và nền kinh thương mới. Trong đó, “văn hóa kinh thương” vừa là nhân tố thụ hưởng, vừa là nhân tố kiến tạo nên “văn hóa dân tộc”. Thế nên, để Việt Nam hiện thực hóa “khát vọng 2045” là trở thành một “nước phát triển, thu nhập cao” nói trên hay khát vọng to lớn hơn nữa là trở thành một quốc gia phú cường và văn minh trong vòng hơn 20 năm nữa thì cần có văn hóa dân tộc 2045 và văn hóa kinh thương 2045 tương ứng. Và văn hóa kinh thương Việt Nam mới này sẽ ảnh hưởng, tác động đến văn hóa của từng doanh nhân và từng doanh nghiệp.
Nền văn hóa kinh thương 2045 hay văn hóa kinh thương Việt Nam mới sẽ được cấu thành bởi thế hệ doanh nhân mới và một nền quản trị mới. Nền quản trị mới của Việt Nam là nền quản trị mang khát vọng dân tộc và chuẩn mực toàn cầu, tinh thần Việt Nam và tinh hoa thế giới. Còn thế hệ doanh nhân mới của Việt Nam là thế hệ doanh nhân không chỉ có năng lực lãnh đạo hay tài năng kinh doanh mà còn có chiều sâu văn hóa, tính nhân bản và tinh thần ái quốc; một thế hệ doanh nhân rất nhân loại, rất dân tộc, và cũng rất chính mình.
(*) Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE