"Lạc bước" vinh quang

MỘC MIÊN| 23/08/2010 08:37

Cô bé làng Ngũ Xã nổi tiếng với nghề đúc đồng của tổ tiên, nay đã là một nghệ nhân trẻ có tiếng tăm không chỉ trong làng, trong nước. Sản phẩm do Lê Diệu Hương làm ra đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, thậm chí bước vào cả những bộ sưu tập đồ đồng lớn ở nước ngoài, với tư cách một tác phẩm nghệ thuật giá trị cao.

Cô bé làng Ngũ Xã nổi tiếng với nghề đúc đồng của tổ tiên, nay đã là một nghệ nhân trẻ có tiếng tăm không chỉ trong làng, trong nước. Sản phẩm do Lê Diệu Hương làm ra đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, thậm chí bước vào cả những bộ sưu tập đồ đồng lớn ở nước ngoài, với tư cách một tác phẩm nghệ thuật giá trị cao.

Lê Diệu Hương nói, chị không thể nhớ hết tên những “đứa con” của mình. Nếu những chuông đồng, đỉnh đồng, tranh đồng, hoành phi, câu đối và rồng Thăng Long... đã làm nên sự nghiệp của một nghệ nhân đúc đồng, thì cũng chính những đồ đồng đẹp đẽ, sang trọng, đầy thần thái ấy đã cho chị một niềm hạnh phúc vô giá - hạnh phúc của người sáng tạo.

Ra nghề từ thuở còn thơ

Tuổi thơ của Lê Diệu Hương gắn với nghề đồng của làng Ngũ Xã (nay là phố Ngũ Xá, quận Ba Đình, Hà Nội). Ông ngoại Hương là cụ Tạ Quang Sinh, không chỉ làm nghề đúc đồng mà còn buôn đồ đồng. Đồ đồng làm kỹ, cộng với tài tháo vát đã giúp cụ Sinh giành được khá nhiều kỷ lục về việc đưa sản phẩm của gia đình đi xa khỏi cổng làng.

Nhưng cha Hương, ông Lê Huy Đắc, mới thực là người có công giới thiệu đồ đồng Ngũ Xã của mình để chúng trở thành những kiện hàng mỹ nghệ hiếm hoi vượt biển sang Thái Lan, Mỹ, Canada... Ông Đắc dù không được phong nghệ nhân, nhưng tay nghề của ông được nhiều người trong giới biết.

Nghề đồng Ngũ Xã đã có lúc đứng bên bờ vực, nhiều gia đình đã sợ tan mất nghề, sợ không có người nối nghiệp tổ tiên. Ấy là những năm chiến tranh, không ai lòng dạ nào làm đồ đồng, chơi đồ đồng.

Những năm 80, một số gia đình Ngũ Xã nhớ nghề, và cũng là để giữ nghề, túc tắc làm đôi món. Mãi đến năm 1990 trở đi, nghề đồng mới rộ trở lại, bắt đầu từ yêu cầu làm đồ đồng kiểu cũ của một vài Việt kiều, với những hợp đồng nhỏ lẻ. Cả làng bắt đầu hồi sinh...

Năm ấy, Diệu Hương 13 tuổi. Chứng kiến ông ngoại với bàn tay khéo léo, tay nghề vững vàng, làm ra những sản phẩm không khí náo nức của gia đình. Không chỉ được phân công trông thợ, lo lắng nhà cửa bếp núc, cả bốn chị em gái mà Hương là chị cả, xúm vào việc của người lớn với cây bút vẽ trong tay.

Riêng Hương, không chịu bằng lòng với những mẫu hoa văn ít ỏi có sẵn trong nhà, cô mày mò đọc sách, tìm tài liệu về hoa văn cổ, tham khảo các tài liệu nước ngoài và lắng nghe cả những gợi ý từ phía khách hàng. “Câu chuyện bắt đầu khi một vài khách hàng hỏi tôi về ý nghĩa của hoa văn trên đồ đồng.

Tôi không thể trả lời nếu thiếu kiến thức thực tế và hiểu biết từ sách vở. Hơn nữa, nhu cầu của khách hàng ngày càng tăng buộc chủ hàng phải tìm tòi, đáp ứng và hối thúc họ phải làm ra những sản phẩm tốt hơn, công phu hơn, đẹp hơn về chất lượng lẫn thẩm mỹ.

Ban đầu, tôi không hề có hồ sơ thiết kế trong tay, nên phải cố lắng nghe yêu cầu của khách hàng để từ đó phác thảo mẫu. Có phác thảo rồi, đưa cho khách hàng xem, họ thích thì mới làm”, Hương kể.

Ở làng Ngũ Xã, đồ đồng giả cổ được coi là lợi thế riêng của gia đình ông Đắc. Hương giải thích: “Nhà tôi có bí quyết riêng, kiên quyết không làm theo lối chung, để giữ thương hiệu”.

Năm 1992, ở tuổi 15, cô bé Hương xin cha mẹ “ra riêng”. Ngũ Xã ngày ấy có thêm một xưởng đúc đồng mỹ nghệ mới mang tên Diệu Hương. “Bố mẹ tôi chỉ đứng gần “trông chừng” con gái.

Làm riêng, tôi càng lợi thế vì được độc lập sáng tạo”. Sơn, chồng Hương sau này, bấy giờ đã chứng kiến cô bạn gái của mình khởi nghiệp vất vả và bản lĩnh ra sao: “Làm nghề đúc đồng thì phải biết nhiều nghề: họa (để thiết kế hoa văn, mẫu mã), điêu khắc, chạm khảm (để hoàn thiện sản phẩm), thậm chí kiêm luôn cả nghề cơ khí, thợ hàn, và hiểu biết về hóa học để có được màu sắc ưng ý...”.

Ngày ấy, có lúc Hương đã phải tự tay rèn những bộ đục riêng cho từng họa tiết khi chạm khảm trên bộ tam khí. Chiếc đục nhỏ nhất lưỡi chỉ nhỏ bằng đầu sợi tóc.

14 năm sát cánh cùng Hương và xưởng đồng của cô, đã khiến những kiến thức về đúc đồng của Sơn ngày một phong phú, sâu sắc, dù anh không theo nghề. Cho nên phải nói rằng, phía sau những sản phẩm đồng đúc được hâm mộ của Đông Sơn, còn ghi dấu tình yêu
đôi lứa của họ...

Hữu xạ tự nhiên hương

Cơ sở đúc đồng Diệu Hương nay đã trở thành Công ty Mỹ nghệ Đông Sơn. Nữ nghệ nhân chủ nhân Đông Sơn tự hào về những sản phẩm do mình gây dựng nên: “Sản phẩm của chúng tôi được làm từ đồng nguyên chất, thời hạn sử dụng từ 500 đến 700 năm.

Nếu so sánh với hàng Trung Quốc cùng chủng loại đang bày bán trên thị trường, đồ của họ mẫu mã, màu sắc có thể bắt mắt hơn, nhưng là đồ mạ đồng, do đó thời gian sử dụng thua xa đồ đồng Ngũ Xã.

Còn nếu đặt bên cạnh sản phẩm đồng của các làng nghề khác trong nước như Đại Bái (Bắc Ninh), Ý Yên (Nam Định)... thì đồng Ngũ Xã cũng khác về độ tinh xảo, vì Ngũ Xã không làm hàng đại trà”.

Từ chỗ chỉ làm đồ đồng để thờ, Hương và các đồng sự đã mở rộng mặt hàng theo yêu cầu của khách hàng, từ đồ đồng trang trí nội thất trong gia đình, công sở đến hàng mỹ nghệ, quà tặng...

Hương đặt ra “tiêu chuẩn” đối với chính mình và công ty: “Tôi luôn cố gắng để mỗi sảnphẩm của mình đem ra thị trường không bị gọi là “hàng chợ”. Tiền nào của ấy. Cái tâm của người thợ càng không cho phép tôi lơ là chất lượng của từng sản phẩm xuất xưởng”. Hương kể, đồ giả cổ nhàHương làm đã từng bị ách lại ở cửa khẩu sang Trung Quốc, chỉ vì trông giống... đồ cổ quá!

Lê Diệu Hương đã sớm được nhìn nhận như một “chuyên gia” về đồ đồng dùng trong đình chùa, từ đồ công đức, đồ lễ đến các pho tượng đồng tại nhiều chùa lớn thuộc khu vực phía Bắc.

Hương từng được tin cậy đặt làm hàng khó như bộ tượng Vua (cha) Trần Thái Tông, Vua (con) Trần Thánh Tông và Hiển từ Thái hậu tại chùa Thái Vi (Ninh Bình); hoặc tượng Phật Bồ Tát Quan Thế Âm 42 tay ở chùa Hương được nhiều người đánh giá là pho tượng “đẹp nhất ở Việt Nam hiện nay”, như lời thầy Thích Minh Hiền - trụ trì chùa Hương, Phó chủ tịch Hội Phật giáo Việt Nam nói.

Được biết, bức tượng này đã được sư thầy đặt làm tại nhiều lò đúc, suốt 5 năm, đều không thành, đến “tay” Hương mới được hoàn thành. Từ đó, hầu hết sản phẩm thờ cúng, đồ lễ bằng đồng ở chùa Hương đều được đặt Hương làm.

Một pho tượng Phật Bà tọa sen lớn, nặng 700kg, hiện đã xuất đi Đài Loan; 3 pho tượng lớn khác xuất đi Trung Quốc, đều của tác giả - nữ nghệ nhân trẻ Diệu Hương. Cô cho biết, bạn hàng Trung Quốc biết tiếng tìm sang đặt hàng của cô rất nhiều, và từ Trung Quốc, nhiều sản phẩm đã tiếp tục đi sang nước thứ ba...

Tri ân lịch sử

Hai năm lại đây, nhiều bạn hàng lớn tìm đến nhưng đều được cô chủ Diệu Hương hẹn dịp khác sẽ ký hợp đồng, vì hầu hết thời gian cô đang dành cho một dự án lớn: Đúc 1.000 con rồng làm quà tặng nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Vì thế, ngày đêm cô chỉ chú mục bên những bản vẽ, các khuôn đúc và các sản phẩm về rồng. Đó là những con rồng thời Lý, hình ảnh đại diện cho một dân tộc, một triều đại, một nền văn hóa nhiều bản sắc và thành tựu.

Ra mắt sản phẩm rồng Thăng Long

Thời điểm này, Đông Sơn đang tập hợp một lực lượng thợ khá đông để hoàn thiện nốt những sản phẩm cuối cùng trong dự án nói trên. Người con gái làng Ngũ Xã ấy mang tâm nguyện “làm gì đó để chào mừng ngày Đại lễ của dân tộc, để tri ân lịch sử 1.000 năm Thăng Long - mảnh đất đã dung dưỡng cho nghề đồng Ngũ Xá phát triển đến ngày nay”.

“Rồng thời Lý là con rồng do chính người Việt sáng tạo ra”, với ý nghĩ ấy, Hương gõ cửa nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sử học và điêu khắc để củng cố tư liệu, tìm ra những hình ảnh chuẩn xác nhất để phác thảo mẫu. Ý tưởng hay được tiếp sức bởi lòng say mê và trách nhiệm nghề nghiệp đã giúp Lê Diệu Hương làm được một việc tưởng như quá sức.

“Nếu chỉ đặt vấn đề lợi nhuận thuần túy, tôi sẽ không chọn làm dự án này, mà chỉ tập trung cho các sản phẩm quen thuộc đang đắt hàng là đã đạt mục đích”, Lê Diệu Hương chia sẻ.

Nói về những con rồng thời Lý, đôi mắt Hương sáng ngời niềm hạnh phúc của một nghệ nhân từng nhiều lần được vinh danh, với những giải thưởng như Ngôi sao Việt Nam, Tinh hoa Việt Nam, Nghệ nhân có đôi bàn tay vàng... Hương cho biết: “Mới đây, Đại sứ Ý đương nhiệm tại Việt Nam đã đặt mua một con rồng quà tặng này.

Ông nói: Trong bữa tiệc chiêu đãi các đại sứ Canada, Mỹ tới đây, tôi sẽ khoe với họ là mình đã sở hữu được một sản phẩm mỹ nghệ là kỷ vật 1.000 năm Thăng Long, là biểu trưng cho Hà Nội, do một nữ nghệ nhân Hà Nội làm ra...”.

Những con rồng nặng khoảng 3kg, dài 36cm, cao 19cm, nếu tính cả đế là 26cm, làm từ đồng tinh chất, hai mắt được gắn ngọc ru bi, miệng ngậm một viên ngọc hồng với tấm giấy chứng nhận xuất xứ và quyền sở hữu, đẹp đến từng chi tiết, rồi đây sẽ theo các vị khách quý của Thủ đô ngàn năm đi xa, với tư cách một biểu trưng văn hóa độc đáo của Hà Nội, và mang theo tấm lòng của một nữ nghệ nhân tài hoa...

Ai đó muốn chiêm ngưỡng và sở hữu món quà được làm ra từ tình yêu và lòng đam mê của một người thợ đúc đồng, hãy ghé thăm trang web www.rongthanglong. vn của Hương.

Còn nếu muốn tìm hiểu vì sao cô gái làng Ngũ Xã ấy đã “lạc bước” vào nghề đúc đồng vốn trong quá khứ chỉ dành cho phái mạnh, và giành được những vinh quang của nghề khi mới ở tuổi 33, hãy liên lạc với cô qua email: rongthanglong2010@gmail.com.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Lạc bước" vinh quang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO