Hiện đang có hơn 1,9 triệu người dân TP.HCM và 794.000 người dân Hải Phòng đang chịu ảnh hưởng từ tình trạng lũ lụt thường xuyên.
Discovery vừa dẫn lại báo cáo từ một tổ chức chuyên cứu trợ thiên tai của Anh là Christian Aid. Theo đó, thế giới cần phải hành động ngay nhằm ngăn chặn lũ lụt thảm khốc đe dọa đến đời sống của một tỷ người tại các thành phố ven biển vào năm 2060, do biến đổi khí hậu. Ngoài việc cắt giảm khí thải CO2 để hạn chế sự nóng lên toàn cầu, các nước phát triển trên thế giới cần phải gia tăng đáng kể chi tiêu nhằm hỗ trợ người dân phòng chống lũ lụt.
Báo cáo cho biết vào năm 2070, thành phố bị ảnh hưởng nhiều nhất từ ngập lụt sẽ là Kolkata (Ấn Độ), với dân số dự kiến chịu ảnh hưởng là 14 triệu người. Một thành phố Ấn Độ khác là Mumbai sẽ có lượng người bị ảnh hưởng nhiều thứ hai với 11,4 triệu người, theo sau là Dhaka (Bangladesh) và Quảng Châu (Trung Quốc).
Đặc biệt, có 2 thành phố của Việt Nam đang nằm trong top 10 thành phố sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vào năm 2070. Đó là TP.HCM (hạng 5, với 9,2 triệu người bị ảnh hưởng) và Hải Phòng (hạng 10, với 4,7 triệu người bị ảnh hưởng). Hiện tại, các con số này đang lần lượt là 1,9 triệu người (TP.HCM) và 794.000 người (Hải Phòng).
Trong khi đó, Miami (Mỹ) sẽ là thành phố bị thiệt hại nhất về mặt kinh tế. Ước tính sẽ có một lượng bất động sản trị giá 3,5 nghìn tỷ USD tại thành phố này bị ảnh hưởng bởi lũ lụt vào năm 2070. Trong danh sách này, TP.HCM đứng ở hạng 16 với giá trị bất động sản bị ảnh hưởng là gần 653 tỷ USD, so với hiện tại là gần 27 tỷ.
Mặc dù báo cáo của Christian Aid không nêu lên chi tiết các biện pháp phòng ngừa và khắc phục lũ lụt, một tổ chức khác là quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie đã đưa ra nhiều phương án như: xây dựng bờ kè, phục hồi các vùng đất ngập nước để tăng tính hấp thụ nước, xây dựng hệ thống thu gom và chuyển hướng dòng nước trong các cơn bão. Ngoài ra, việc di dân ra khỏi các vùng trũng cũng là một giải pháp tiềm năng.
Tuy nhiên, việc giảm thiểu tác động sẽ rất tốn kém. Christian Aid đang kêu gọi các nước phát triển tăng số tiền viện trợ để tránh lũ lụt lên 5 tỷ USD vào năm 2020, gấp 10 lần so với mức hiện nay.
Báo cáo của Christian Aid cũng trích dẫn ý kiến của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon rằng, mỗi 1 USD dùng để giảm thiểu rủi ro thiên tai sẽ tiết kiệm được 7 USD thiệt hai sau đó.
Bản báo cáo cũng đề cập tới thông tin đã được công bố trước đây trên các tạp chí khoa học hoặc được biên soạn bởi các tổ chức quốc tế khác. Cụ thể, trong một bài viết trên tạp chí Plos One vào năm 2015, một nhóm các nhà nghiên cứu đã ước tính 1 tỷ người sống ở các thành phố ven biển có nguy cơ đối mặt với ngập lụt nặng nề vào năm 2060. Danh sách các thành phố này đã được công bố bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
>Đến khi nào thành phố mới hết ngập lụt?
>Vì sao Bangkok ngập lụt nghiêm trọng?