Trong nước

Tổng hợp tin doanh nhân tuần 12-18/11

Thanh An 18/11/2023 08:00

Nữ doanh nhân Jessica Lê được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành Glints Việt Nam; Triết lý kinh doanh của Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group… là những tin nổi bật về doanh nhân trong tuần qua.

Nữ doanh nhân Jessica Lê được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành Glints Việt Nam

ms.-jessica-le.jpg

Ngày 9/11/2023, Glints Việt Nam chính thức bổ nhiệm bà Jessica Lê trở thành Giám đốc điều hành mới. Được biết, bà Jessica Lê tốt nghiệp thạc sĩ ngành Tài chính – Ngân hàng tại đại học Northwestern Switzerland và có hơn 16 năm kinh nghiệm trong công tác lập kế hoạch chiến lược cũng như quản trị quan hệ đối tác trong nhiều mảng ngành bao gồm Ngân hàng, Công nghệ và Thương mại điện tử. Trước khi gia nhập Glints, bà từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Phát triển Đối Tác của Gofood và Gojek Việt Nam, và từng là Giám đốc kênh Đối tác và Khách sạn của Expedia Group, chịu trách nhiệm quản lý hơn 1.300 đối tác trọng điểm và 13.000 khách sạn tại Thái Lan.

Trên cương vị mới của Glints, bà Jessica Lê sẽ phụ trách chiến lược và hoạt động kinh doanh tổng thể của Glints tại Việt Nam. Một trong những trách nhiệm chính của bà là mở rộng tệp khách hàng và mảng kinh doanh tuyển dụng đang phát triển, cũng như xác định cơ hội tăng trưởng trong mảng ngành mới như Dịch vụ Ngân hàng, Tài chính và Bảo Hiểm (BFSI) và sản xuất giúp Glints mang lại giá trị vượt trội cho cả người tìm việc và nhà tuyển dụng tại Việt Nam.

Triết lý kinh doanh của Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group

chutichhoangminhthong-1-.jpg

“Không lợi dụng điểm yếu của người khác để tấn công” là triết lý kinh doanh của Chủ tịch Phúc Sinh Group Phan Minh Thông. Bởi theo ông Thông, muốn làm ăn lâu dài, phát triển bền vững, thì các bên phải đồng hành, cùng nhau chia sẻ, khắc phục điểm yếu. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, xung đột chính trị, vũ trang… để dẫn dắt Phúc Sinh Group đi đến thành công về doanh thu xuất khẩu hồ tiêu, Chủ tịch Phúc Sinh Group luôn tìm kiếm cơ hội, nắm bắt xu hướng, đầu tư nghiên cứu chuyên sâu và ứng dụng công nghệ để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vững vàng phát triển.

Thực tế, ngay từ nhiều năm trước, ông Thông đã biết nắm bắt xu hướng, xây dựng đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin, chuẩn bị cho tiến trình chuyển đổi số, nên quá trình triển khai đạt hiệu quả. Hiện tại, Phúc Sinh đang đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển (R&D) cùng phương pháp chế biến sâu nông sản. Theo ông Thông, bất kỳ doanh nghiệp nào muốn phát triển lâu dài, bền vững đều cần tái đầu tư với quá trình nghiên cứu chuyên sâu. Bên cạnh đó, luôn chủ động tiếp cận khách hàng, không ngừng vươn ra thế giới để học hỏi các mô hình kinh doanh, công nghệ mới cũng là một trong những chìa khóa giúp Phúc Sinh phát triển mạnh mẽ. Nhờ định hướng tốt, tiên phong dẫn đầu xu hướng, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, trong 6 tháng đầu năm 2023, Phúc Sinh ghi nhận tăng trưởng 37%. Bước sang quý III, tuy gặp khó khăn trong việc xuất khẩu cà phê, nhưng tính chung 9 tháng đầu năm, Phúc Sinh vẫn đạt tăng trưởng 18%.

Hành trình chứng minh thương hiệu thời trang chất lượng cao của Việt Nam trên thế giới của CEO Lamer Vũ Thị Thu Thủy

lamer-3-17000141151441631991831-0-153-1080-1881-crop-17000141351091799171108.png

Xuất thân từ vùng đất Nam Định, cái nôi của ngành dệt may với số lượng lớn người lao động tham gia trong ngành may gia công cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn nhỏ, xuất hàng đi trong nước và nhiều thị trường lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản… nữ doanh nhân Vũ Thị Thu Thủy đã có cơ hội tiếp xúc và tích luỹ nhiều kinh nghiệm trong ngành, khi từ một cô công nhân của xưởng may gia công bắt đầu hành trình tìm kiếm cơ hội để tạo dựng thương hiệu dệt may riêng, đánh thức tiềm năng của dệt may quê nhà. Không dừng lại ở đó, chị Thủy còn khát khao tạo ra và giới thiệu đến thị trường những sản phẩm thời trang hoàn chỉnh mang thương hiệu Việt Nam tới khách tiêu dùng trên toàn cầu.

Hiện tại, bên cạnh doanh nghiệp thời trang Lamer với 30 cửa hàng hiện diện từ Bắc vào Nam, CEO Lamer Vũ Thị Thu Thủy còn sở hữu nhà máy hơn 100 công nhân cùng mạng lưới xưởng vệ tinh giúp đảm bảo sản lượng sản xuất lên tới hơn 300.000 sản phẩm/năm, đội ngũ nghiên cứu và phát triển sản phẩm liên tục được mở rộng, phân phối lợi nhuận và chuẩn bị tài chính trong 24 tháng. Sau đại dịch Covid-19, Lamer bắt đầu thực hiện mục tiêu vươn ra thế giới thông qua tiếp cận thị trường quốc tế từ kênh bán hàng trực tuyến Amazon. Trong 9 tháng đầu tiên, thương hiệu thời trang Việt này nhận được hơn 2.000 đơn hàng mới. Sau một năm kinh doanh trên Amazon, Lamer cho biết doanh thu các sản phẩm chủ đạo đã tăng trưởng 250%. Chặng đường dù thử thách song đội ngũ Lamer cho biết mình luôn tìm thấy niềm hạnh phúc, khi thấy dệt may Việt dần thoát khỏi cái bóng "sân sau" để tiếp cận trực diện thị trường toàn cầu.

Câu chuyện học kinh doanh xuất nhập khẩu từ những bữa bia hơi vỉa hè của Chủ tịch Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển

do-quang-hien.jpg

Học Vật lý tại Đại học Tổng hợp Hà Nội và về công tác tại Viện Công nghệ Quốc gia nhưng ông Đỗ Quang Hiển đã rẽ ngang sang kinh doanh nhập khẩu và gây dựng nên tập đoàn T&T từ những kinh nghiệp học được của một người đàn anh, được ông Hiển gọi thân mật là "Anh Huy", học trên ông một khoá trong trường Đại học tổng hợp Hà Nội, sau khi ra trường làm việc tại công ty xuất nhập khẩu. Từ những bài học về đàn anh đi trước trong những buổi trò chuyện tại quán bia hơi vỉa hè, ông Hiển thành lập Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T (Technology & Trade) vào năm 1993. Lúc đó, T&T là một cửa hàng điện tử điện lạnh nằm trên phố Hai Bà Trưng. Đến năm 2007, ông Hiển cho chuyển đổi mô hình T&T thành Tập đoàn T&T Group, đầu tư sáng lập và trở thành cổ đông lớn của Công ty CP SHS và Công ty bảo hiểm BSH. Đồng thời, T&T cũng tham gia vào lĩnh vực bất động sản, đầu tư phát triển các dự án tại Hà Nội, Vinh (Nghệ An), TP.HCM và một số tỉnh thành phố lớn trên cả nước.

Trải qua 30 năm hình thành và phát triển T&T ngày nay đã trở thành một tập đoàn đa ngành với tổng tài sản 45.000 tỷ đồng, 200 công ty thành viên trực thuộc và liên doanh liên kết, 80.000 cán bộ nhân viên, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài là 80 triệu. Chia sẻ hành trình 30 năm lập nghiệp của bản thân, trong đêm Gala "Chuyển kể từ Tâm" kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng SHB, ông Hiển khẳng định những thành công mà ông đạt được hôm nay chính là từ người thầy đầu tiên của ông. "Vừa là tình bạn, rất thiêng liêng, vừa là ngồi uống bia hơi với anh Huy tôi học được rất nhiều về xuất nhập khẩu. Anh Huy chính là người thầy của tôi về kinh doanh xuất nhập khẩu", Chủ tịch Đỗ Quang Hiển kể lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tổng hợp tin doanh nhân tuần 12-18/11
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO