Trong nước

Tổng hợp tin doanh nhân tuần 5-11/11

Thanh An 11/11/2023 11:04

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả ký quyết định nâng cao nhiệm vụ học tập, nghiên cứu cho đội ngũ nhân sự; Nhận định của Tổng giám đốc chứng khoán VPBANK về khả năng trở lại của dòng vốn ngoại; Doanh nhân Phạm Nhật Vượng gặp tỷ phú giàu thứ hai Ấn Độ… là những thông tin nổi bật về doanh nhân trong tuần qua.

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả ký quyết định nâng cao nhiệm vụ học tập, nghiên cứu cho đội ngũ nhân sự

image00120231013095318.jpg

Ngày 30/10/2023, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng đã ký nghị quyết HĐQT về việc giao nhiệm vụ học tập, nghiên cứu nâng cao học vị đối với nhân sự tham gia công tác quản lý, điều hành.

Theo đó, các Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả sẽ tham gia chương trình nghiên cứu sinh theo lĩnh vực được phân công và đến 31/12/2028 đạt học vị tiến sĩ. Đồng thời, Ban Điều hành Tập đoàn, Ban Điều hành đơn vị thành viên và Văn phòng HĐQT (Chánh Văn phòng/phó Chánh Văn phòng, trợ lý, thư ký, chuyên viên tổng hợp) cũng sẽ tham gia học tập chương trình cao học theo lĩnh vực chuyên môn được phân công đến 31/12/2026 đạt học vị thạc sĩ.

Sau khi hoàn thành chương trình học tập, Chủ tịch Hồ Minh Hoàng sẽ khen thưởng tùy theo tình hình thực tế và kết quả học tập nghiên cứu. Riêng đối với các cá nhân không hoàn thành chương trình học tập, tuỳ vào tình hình thực tế, Chủ tịch HĐQT sẽ xem xét kỷ luật hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền kỷ luật bằng các hình thức như bãi nhiệm, miễn nhiệm, điều chuyển công việc… Điều này cho thấy Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng khá coi trọng trình độ và bằng cấp của cấp dưới.

Nhận định của Tổng giám đốc chứng khoán VPBANK về khả năng trở lại của dòng vốn ngoại

nhh02634-1-20231109170633142.jpg

Trong khuôn khổ Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 với chủ đề “Theo dấu Dòng tiền” diễn ra chiều 09/11, doanh nhân Nguyễn Duy Linh – Tổng Giám đốc Chứng khoán VPBank đã nhận định thị trường Việt Nam đang chững lại dòng vốn FII khi thiếu vắng các thương vụ IPO lớn thời gian qua. Vì thế, Việt Nam cần phải nâng hạng thị trường, bên cạnh ổn định một số yếu tố vĩ mô, có như vậy dòng vốn ngoại mới quay trở lại.

Theo ông Linh, để FII quay lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng phát triển của nền kinh tế, chất lượng hàng hóa, sự minh bạch của thị trường. Quan trọng hơn cả là doanh nghiệp cần đáp ứng tiêu chí đầu tư của các tổ chức quốc tế. Hiên tại, câu chuyện rút vốn dường như đang xảy ra tại không chỉ Việt Nam mà với hầu hết thị trường ở châu Á trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục chậm sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao buộc các ngân hàng trung ương áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian dài.

Tuy nhiên, ông Linh cho rằng, xu hướng này sẽ dần thu hẹp lại trong năm 2024 khi Fed có khả năng không tăng lãi suất, thậm chí có thể hạ nhẹ lãi suất vào cuối năm sau. Dòng tiền ngoại sẽ quay trở lại chọn lọc hơn tại các thị trường có tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt và có câu chuyện riêng.

Doanh nhân Phạm Nhật Vượng gặp tỷ phú giàu thứ hai Ấn Độ

f-asjhdbqaajmn-jpeg-8770-1699449639.jpg

Người đứng đầu Vingroup Phạm Nhật Vượng vừa có cuộc gặp mặt với ông Gautam Adani, tỷ phú giàu thứ hai Ấn Độ tại trụ sở Tập đoàn Adani ở Ấn Độ chiều 8/11.

Được biết, tỷ phú Gautam Adani hiện xếp thứ 23 trong các tỷ phú giàu nhất thế giới theo xếp hạng của Forbes với khối tài sản ước tính đạt 52,3 tỷ USD. Ông là chủ sở hữu của Adani Group - tập đoàn đa quốc gia sở hữu cổ phần tại nhiều công ty niêm yết. Đế chế của ông từ đó mở rộng sang nhiều lĩnh vực từ sân bay đến trung tâm dữ liệu, xi măng, truyền thông và năng lượng xanh.

Theo Vingroup, cuộc gặp là để hai tỷ phú bàn cơ hội hợp tác ở Việt Nam và Ấn Độ. Ấn Độ nằm trong các thị trường mà VinFast đã công bố chiến lược mở rộng sang như Indonesia, Malaysia và các quốc gia Trung Đông. Vị tỷ phú người Ấn Độ cho biết ông thực sự được truyền cảm hứng bởi hành trình khởi nghiệp ấn tượng của ông Phạm Nhật Vượng. Tỷ phú Adani ấn tượng về khả năng lãnh đạo có tầm nhìn của Chủ tịch Tập đoàn Vingroup.

Triết lý kinh doanh thành công của Tổng giám đốc Dược phẩm Vimos Nguyễn Thị Thanh Hòa

luan7017-1699370417.jpg

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Hòa - Tổng Giám đốc Dược phẩm Vimos được biết đến là vị doanh nhân bản lĩnh, tài ba. Được biết, trước khi trở thành “nữ tướng” của Dược phẩm Vimos, chị Hòa đã có hơn 14 năm làm việc tại một bệnh viện. Trong nhiều năm làm việc tại bệnh viện, chị đã nuôi dưỡng ước mơ được giúp đời – giúp người bằng cái tâm trong sáng của người thầy thuốc. Động lực đó đã thôi thúc chị đứng ra thành lập Công ty Dược phẩm Vimos vào năm 2012.

Với tài năng, sự quyết đoán, dám nghĩ dám làm, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Hòa cùng cộng sự đã và đang đưa Dược phẩm Vimos trở thành thương hiệu uy tín, có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực dược mỹ phẩm, giành được rất nhiều giải thưởng uy tín bằng tâm huyết với nghề, nỗ lực mang đến cho người bệnh sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, đối với chị, được thỏa mãn nguyện giúp đời, giúp người mới là quan trọng.

Với triết lý kinh doanh "Thành công của một doanh nghiệp không chỉ nằm ở các con số kinh doanh, mà còn ở các giá trị mang đến cho cộng đồng, đất nước cũng như đối tác, khách hàng và cả những người cộng sự của mình", Nguyễn Thị Thanh Hoà đã luôn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở những vùng sâu, vùng xa, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho bà con trong nhiều năm qua.

Với tấm lòng của người thầy thuốc và bản lĩnh của một nữ doanh nhân, trong nhiều năm qua, Nguyễn Thị Thanh Hòa đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá như: Doanh nhân xuất sắc đất Việt, Sáng mãi tấm gương người thầy thuốc vì sức khỏe cộng đồng...

Giấc mơ vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao của doanh nhân Võ Đình Doanh

12_danh.jpg

Tiên phong trên hành trình tái canh cây cà phê của huyện Đắk Mil, Võ Đình Danh không chỉ hoàn thiện mô hình sản xuất theo hướng bền vững, mà còn truyền cho nông dân niềm tin và động lực để thay đổi. Được biết, Võ Đình Danh từng theo học Trường cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Trong một lần nghe thầy giáo giảng về môn xã hội học, anh tiếp nhận thông tin rằng, với quốc gia lấy nông nghiệp làm trụ cột như Việt Nam, cây giống, con giống là yếu tố chủ lực, quyết định tương lai của toàn ngành. Tia sáng đó vẽ ra trong Danh một góc nhìn mới.

Năm 2004, Võ Đình Danh trở lại Đắk Mil, đem những kiến thức đã học vào thử nghiệm tại trang trại của gia đình. Anh là người đầu tiên trong huyện chuyển đổi từ cây cà phê trồng giống thực sinh sang giống ghép, bằng cách sử dụng nguồn chồi cà phê của Viện WASI ghép trực tiếp với cây cà phê địa phương theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng tới mục tiêu tăng sản lượng và chống chịu sâu bệnh tốt hơn.

Sau 3 năm kiên trì, cây cà phê ghép đã cho thu hoạch với sản lượng tăng khoảng 35%. Từ đây, uy tín của Võ Đình Danh được nâng cao. Anh thành lập Hợp tác xã Đắk Mil và trở thành nguồn cung cấp cây giống cho nông dân trong huyện và thậm chí cả các huyện xung quanh. Từ thành công trên, trong những năm tiếp theo, Danh tiếp tục nâng cao chất lượng cây cà phê ghép bằng việc trau dồi kiến thức tại các lớp ngắn hạn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế cà phê. Anh cũng đi qua nhiều địa phương để quan sát và học hỏi thêm.

Từ sự nỗ lực đó, năm 2017, trong làm sóng cà phê chất lượng cao bùng nổ, anh mạnh dạn đầu tư máy móc, nhà xưởng để chuẩn hóa quy trình, gia tăng số lượng và kiểm soát chất lượng đầu ra. Hợp tác xã hiện sở hữu 1.000 m2 nhà kính đi kèm giàn phơi, cùng với hệ thống máy rửa, máy phân loại quả xanh, chín, máy xát vỏ… Niên vụ 2022-2023, Hợp tác xã thu về 200 tấn cà phê, trong đó có 50 tấn cà phê chất lượng cao được đưa ra thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tổng hợp tin doanh nhân tuần 5-11/11
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO