Tôi đã đưa sách ra nước ngoài như thế
Ngày 28/6/2023, cuốn sách "Vượt lên những con đường kinh doanh" được Nhà xuất bản Novum Publisher London phát hành tiếng Anh là Overcoming Business Journeys tại London và 8 nước Anh, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Áo, Úc, Mỹ khiến tôi vô cùng vui sướng, tự hào. Người thân, bè bạn, đối tác và bạn hàng cũng tò mò, sửng sốt.
Tôi vẫn còn nhớ, khi xuất bản cuốn sách thứ hai Vượt lên những con đường kinh doanh và được nhiều bạn đọc yêu thích, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng cuốn thứ nhất tôi viết hay hơn, nhiều cảm hứng hơn, dễ đọc và không nặng nề như cuốn thứ hai. Tôi nghĩ, một tác phẩm sau khi phát hành có khen, chê và không rơi vào im lặng là tốt rồi. Song có một suy nghĩ khác bật lên trong tôi sau đó: Nếu có nhiều bạn đọc người Việt quan tâm thì chắc đâu đó, thế giới có đến 8 tỷ dân cũng có người quan tâm đến tác phẩm này.
Tôi là CEO của công ty xuất nhập khẩu, kinh doanh buôn bán với nhiều quốc gia và nhiều dân tộc, tôi suy nghĩ đơn giản: “Mình còn bán cà phê hạt tiêu khắp thế giới thì sách không phải là quá khó, hơn nữa mình có các đại diện ở khắp mọi nơi từ châu Á, Trung Đông, châu Âu và Mỹ”. Thế là tôi bắt tay vào tìm cách xuất bản sách ra nước ngoài.
Khi tôi nói là tôi muốn dịch ra tiếng Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc và Tây Ban Nha thì đại đa số đều nghĩ hão huyền, lãng phí, nhưng có một người bạn làm biên tập báo - người luôn khuyến khích tôi viết thì nói: “Sao không? Anh có thể làm mọi điều anh muốn”. Thực ra khi mọi người nói hão huyền thì họ không hiểu lắm các công việc hằng ngày và các thuận lợi mà tôi có. Tôi nghĩ, cái chính là câu chuyện của mình viết ra có hay hay không mà thôi. Sau đó tôi họp văn phòng và tạo ra nhóm hỗ trợ xuất bản sách.
Tôi liên hệ với Nhà xuất bản MCBook, nhà xuất bản tiếng Việt và yêu cầu họ dịch ra tiếng Anh. Việc thảo luận và đi đến hợp đồng khá nhanh. Tuy nhiên, dịch và công việc biên tập thì rất lâu và mất nhiều thời gian. Kiểm tra kỹ lưỡng và xem dịch có đúng ý với bản gốc không? Rồi lỗi chính tả và bản dịch có văn phong tiếng Anh chuẩn không? Rất may đội ngũ hỗ trợ dịch và biên tập rất khá tiếng Anh và có cả một nhân viên người Romani nói tiếng Anh rất tốt.
Sau 4 tháng, bản thảo tiếng Anh hòm hòm, thế là in ra và bắt đầu tìm nhà xuất bản để gửi. Phải nói là lần đầu tiên làm đầy bỡ ngỡ, tuy nhiên cũng rất thú vị. Nếu bạn muốn in sách ở Pháp thì phải dịch tiếng Pháp, Tây Ban Nha thì phải dịch tiếng Tây Ban Nha… chứ không thể dịch tiếng Anh được. Và tiếng Anh thì chỉ nên gửi cho nhà xuất bản ở Anh và Mỹ thôi, hay các nước nói tiếng Anh.
Tuy nhiên, chúng tôi gửi bản thảo cho 10 nhà xuất bản không phải ở Anh, 8 nhà từ chối và 2 nhà thì có vẻ có hứng thú. Sau một tuần, tôi nhận được email từ Nhà xuất bản Novum ở London, Anh. Họ nói chi nhánh của họ ở Frankfurt, Đức gửi cho họ bản thảo này và họ rất thú vị. Vì vậy, họ liên hệ trực tiếp và gửi cho tôi bản hợp đồng chi tiết. Tôi nhận email mà cảm giác vui không thể tả. Tôi gọi cho bạn bè đồng nghiệp ai cũng vui, nhưng việc xuất bản ở nước ngoài này đại đa số còn rất mới với các tác giả Việt Nam.
Chúng tôi xem xét một tuần, gửi cho luật sư bên tôi xem sơ bộ và bắt đầu thảo luận với nhà xuất bản. Trong quá trình thảo luận, thấy hợp đồng đã chuẩn hóa mọi chi tiết, mọi điều khoản và tôi thấy cũng khá thuận lợi với một tác giả mới như tôi. Thế là tôi ký hợp đồng và bắt tay sản xuất cùng nhà xuất bản.
Công việc với Nhà xuất bản Novum London này phải nói rất chi tiết, họ có các điều khoản hỗ trợ tác giả và cùng biên tập chi tiết với tác giả, họ biên tập và gửi lại tôi cho đến khi tôi đồng ý mới thôi. Sau 5 tháng không biết bao lần trao đổi qua lại, sửa đổi câu chữ và góp ý của nhà xuất bản, bản thảo cuối cùng cũng hoàn thành. Rồi công tác thiết kế lên form, họ làm cho đến khi tác giả hài lòng mới thôi.
Tôi học được của họ sự tôn trọng tác phẩm và tác giả, họ kiên nhẫn vô cùng và họ không bao giờ làm cho xong nếu tác giả còn chưa hài lòng. Họ rất chuyên nghiệp và đầy tôn trọng, nhưng toát lên tất cả là họ thích tác phẩm của tôi, họ làm với sự yêu thích chuyên nghiệp lớn. Điều đó làm tôi rất vui và tự hào. Trong kinh doanh hàng hóa, chúng tôi buôn bán đến 102 nước và tôi luôn tư duy thế giới phẳng. Và việc biên tập làm sách văn hóa, ngôn ngữ và văn học, truyện đã xóa nhòa biên giới.
Sau 8 tháng, mọi nội dung cuốn sách làm xong và cho in. Nhà xuất bản ở London in tại chi nhánh của họ tại nhà in ở Áo và gửi cho tôi bản cứng để duyệt trước khi in số lượng lớn. Nhà xuất bản gửi từ Áo ngày 11/5/2023 mà đến đầu tháng 7/2023 tôi mới nhận được ở Việt Nam để xác nhận. Họ nói tôi là tác giả cho nên tôi sẽ nhận được 10 cuốn và nếu muốn thêm sẽ phải mua với giá được chiết khấu. Tuy nhiên, tôi sẽ nhận được bản quyền tác giả với mỗi cuốn bán được.
Khi ngồi viết những dòng này thì sách đã được bán online giá 21,9 bảng Anh phiên bản cứng và 17,99 bảng Anh phiên bản e-book tại Nhà xuất bản Novum và Amazon ở Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Áo và Ý. Ở Mỹ, các cửa hàng Mỹ đang lên kế hoạch, rồi cả Amazon và ở châu Á nữa.
Khi chia sẻ điều này, khách hàng khắp nơi trên thế giới có sự tò mò, phấn khích và ngưỡng mộ. Một khách hàng của tôi vừa chia sẻ link Amazon tại Đức hết sạch vì ông ấy mua hết và ông ấy rất tự hào.
Tôi thực sự hạnh phúc và muốn chia sẻ câu chuyện này với mọi tác giả viết sách tại Việt Nam. Chúng ta có rất nhiều truyện hay nhưng gần như chỉ xuất bản ở Việt Nam và nhà văn, tác giả chưa bao giờ dám nghĩ là sẽ xuất bản ra thế giới bằng con đường kinh doanh. Tôi nghĩ các nhà xuất bản của Việt Nam cũng nên tìm cách xuất bản, bán sách của các nhà văn Việt Nam ra thế giới thay vì chỉ có một chiều, mua và dịch các tác phẩm nước ngoài về Việt Nam.
Các câu chuyện văn hóa, con người, kinh doanh ở đâu cũng rất khác biệt và thú vị, Việt Nam cũng có cái rất riêng và bạn đọc thế giới cũng rất tò mò tìm hiểu và khám phá. Hy vọng qua câu chuyện này, chúng ta sẽ nhìn cách xuất bản truyện hay sách của các tác giả Việt Nam ra thế giới một cách có khả thi hơn.
(*) Thành viên Hội đồng Sách doanh nhân, Chủ tịch Phúc Sinh Group