Kinh doanh

Cà phê Việt Nam sẽ không còn được quan tâm, nếu...

Phan Minh Thông (*) 15/05/2024 - 11:13

Mỗi lần đi hội chợ quốc tế, nhìn các bạn hàng, đối tác như Indonesia, Colombia… bán cà phê đặc sản, chúng tôi lại nôn nao.

Vì sao khách hàng không còn quan tâm cà phê Việt Nam?

Kinh doanh cà phê nguyên liệu lâu năm và năm nào cũng mang cà phê đi triển lãm tại các hội chợ cà phê khắp nơi trên thế giới, tôi nhận thấy luôn có sự thay đổi theo thời gian. Nếu 15 năm trước, mang cà phê nguyên liệu đến các triển lãm, sẽ có khách xem quan tâm và hỏi thông tin nhưng 10 năm gần đây, nếu doanh nghiệp tham gia hội chợ mà không có gì đặc biệt thì gần như không có khách hàng nào hỏi nữa.

thong-2.jpg

Lý do, nguyên liệu cà phê Việt Nam thì ai trong ngành cũng biết rồi - số lượng lớn và bán giá rất cạnh tranh. Vậy câu hỏi là làm thế nào để có sự đặc biệt, thu hút khách hàng ngoài những ưu điểm chung của ngành mà ai cũng đã biết?

Kinh nghiệm từng tham gia các hội chợ thực phẩm với xuất xứ hàng hóa đến từ mọi vùng đất và dự hội chợ chuyên ngành về cà phê khá thường xuyên, tôi cũng nhận thấy cà phê đặc sản (Specialty Coffee) đã dần tách ra thành một nhánh độc lập, một xu hướng. Nhiều công ty thương mại lớn trên thế giới cũng đã bắt đầu thành lập công ty chuyên về đặc sản. Đây cũng chính là động lực để chúng tôi xây nhà máy, chế biến cà phê chất lượng tốt hơn.

Cà phê đặc sản , tại sao không?

Một vấn đề khác, đó là khi nói đến cà phê Việt Nam, đại đa số người mua trên thế giới và thậm chí cả phía người Việt kinh doanh ngành hàng này, đều chỉ thích nói về số lượng, về kinh doanh hàng chục conts rồi đến hàng ngàn tấn, chục ngàn tấn, còn số lượng ít thì khó quan tâm. Vì thế, cà phê đặc sản, đương nhiên đã “đặc sản” thì phải sản lượng thấp, riêng biệt, là “hàng hiếm”, thì không mấy ai chú ý . Tôi vẫn còn nhớ chục năm trước, nói Việt Nam có cà phê đặc sản, một đối tác người Pháp của tôi đã cười ngả nghiêng ở ngay hội chợ cà phê. Trong lòng họ lúc đó chẳng bao giờ nghĩ Việt Nam thực sự có cà phê đặc sản. Bởi thói quen kinh doanh của chúng ta trước đó họ đã quá “thuộc” thói quen này.

thong.jpg
Ông Phan Minh Thông tự tay pha ché cà phê đặc sản cho khách hàng tại hội chợ

Tương tự như vậy, tôi cũng nhớ mãi một kỷ niệm khi chúng tôi bán hàng, khách yêu cầu đổi từ bao 60 kg xuống bao 30 kg nhưng người sản xuất, cung cấp từ Việt Nam không chịu. Họ đã quen “đóng tịnh” phải từ 60 kg trở lên rồi.

Năm 2017 chúng tôi xây nhà máy chế biến cà phê đặc sản ở Daklak với cà phê đặc sản Robusta Fine. 3 năm sau, chúng tôi thất bại. Cà phê Việt Nam ngon nức tiếng, nhưng vì sao chúng tôi lại thất bại?

Thứ nhấ,t chúng tôi không mua được cà phê chín. Thứ hai là quan điểm về số lượng ảnh hưởng đến nhiều người bán, họ không muốn làm ít mà giá cao và không bõ để bán. Và thứ ba cũng là cái khó, vì nhà máy gần nhà dân nên khi sấy hàng, tiếng ồn ảnh hưởng đến dân khiến họ khiếu nại. Mặc dù có cơ sở, nền tảng đã được dựng lên, ra sản phẩm, người mua cũng bắt đầu có chút quan tâm, nhưng do các yếu tố trên nên chúng tôi quyết định dừng phát triển nhà máy này. Bao nhiêu là mơ ước…

kahc-boet.jpg
Cà phê đặc sản của Phúc Sinh

Tuy nhiên, mỗi lần đi hội chợ quốc tế, nhìn các bạn hàng Indonesia, Colombia… bán cà phê đặc sản ra thế giới, chúng tôi lại nôn nao. Năm 2018, chúng tôi xây nhà máy Arabica Phúc Sinh Sơn La. Cà phê Arabica Sơn La ngon, chúng tôi lại có một nhà máy lớn hiện đại, nhưng quan trọng chúng tôi muốn chế biến cà phê ngon và được chính quyền khuyến khích ủng hộ, người dân ở đó rất hào hứng chế biến cà phê đặc sản. Bạn quản lý của nhà máy rất yêu cà phê và cũng muốn làm cái gì đó đặc biệt. Thế là chúng tôi quyết tâm vừa sản xuất hàng nguyên liệu sản lượng lớn để xuất khẩu, vừa học hỏi chế biến cà phê đặc sản.

Năm thứ nhất, năm thứ hai rồi đến năm... thứ năm, mỗi ngày mọi thứ lại tốt dần lên hơn. Chế biến cà phê là một chuỗi nỗ lực, kiên trì và tốn kém. Nếu không có nhiều người chung tay đồng sức đồng lòng thì khó thành công.

Cà phê ngon Blue Sơn La thông thường chế biến mất khoảng 4 ngày từ quả tươi, nhưng cà phê đặc sản thì phải từ 2 đến 3 tuần mới xong 1 mẻ. Khi chúng tôi chế biến 6.000 tấn cà phê Blue Sơn La Arabica thì chúng tôi cũng chỉ sản xuất được 6 tấn cà phê đặc sản Honey và Natural Specialty.

Những người sản xuất kiên trì và nhẫn nại. Họ làm ra sản phẩm, kiểm tra chất lượng và nếu tốt, hy vọng sẽ bán được. Cái khó của người chế biến là nghiên cứu và hiểu đặc tính hạt cà phê của vùng miền, chế biến theo phương thức phù hợp nhất để đẩy mạnh đặc tính tốt của hạt cà phê. Nói thì dễ, nhưng quá trình, phương thức chế biến cà phê đặc sản thì đòi hỏi tỉ mỉ, nhiều công sức và tốn kém thời gian. Chúng tôi hiểu cà phê Sơn La sẽ có vị đặc trưng riêng khác với cà phê ở Cầu Đất, Quảng Trị hay ngay cả Điện Biên là vùng đất lân cận - những hương vị hay cách thức không thể “bắt chước”. Cùng một loại cà phê nếu chế biến khô có thể mang đến hương trái cây nhiệt đới, xoài, chocolate, còn chế biến bán ướt (honey) thì đem đến ương mật ong, chanh, caramel, hậu vị ngọt...

Gian nan cà phê đặc sản

Ở một phía khác, khi có thành phẩm, thành quả còn phải có sự cộng hưởng, hưởng ứng của những người bán hàng, nhà làm marketing, những đôi chân và trí óc đi khắp nơi trên thế giới để tiếp cận, tìm thị trường. Việc bán hàng không dễ, thử nếm sản phẩm cũng mất vài năm để khách hàng chấp nhận. Chúng tôi gửi mẫu khắp nơi, gửi đến khách hàng ở hàng chục nước trên thế giới. Những ngày đầu vô cùng gian nan, thực ra phải nói chính xác là những năm đầu vô cùng gian nan. Khi sản xuất cà phê đặc sản Honey và Natural, chúng tôi đã là công ty Phúc Sinh có gần 20 năm kinh doanh mà còn khó như vậy; thì những bạn mới start up khó biết dường nào? 5 năm đầu rất khó và đến năm thứ sáu, những mẻ hàng cà phê đặc sản Honey and Natural Specialty sản xuất ra có mùi vị trái cây nhiệt đới, chua vừa phải và hậu vị ngọt không đắng mà chúng tôi gửi đến khách hàng đã được chấp nhận. Chúng tôi vô cùng vui sướng, khách hàng đặt nhiều và giá rất tốt. Sau đó chúng tôi mang đi hội chợ cà phê đặc sản Chicago và thật vui, tất cả khách hàng thử nếm đều thích và mua ngay tức thì. Chúng tôi bán Natural và Honey 14 USD 1 túi 250 gr và cả Cascara nữa, 10 USD 1 hộp 15 túi trà nhỏ. Tất cả bán hết sạch trong 2 ngày đầu và rất nhiều người quay lại lần thứ 2, lần thứ 3 để uống Honey Process và Natural Process cũng như Cascara. Sau hội chợ, chúng tôi có nhiều đơn đặt hàng lớn.

Bằng tình yêu dành cho cà phê và những vùng đất, chúng tôi đã xây nhà máy, đã kiên trì vượt qua các thách thức để mang tới những hạt cà phê chất lượng tuyệt hảo cho người Việt Nam và người tiêu dùng trên toàn thế giới. Khi viết những dòng này, chúng tôi cũng hết hàng xuất khẩu cà phê đặc sản Natural và Honey, chỉ còn vài trăm kg dành bán nội địa. Khách hàng quốc tế thì vẫn tiếp tục hỏi, xin hẹn mùa sau 2024-2025.

(*) CEO Phúc Sinh Group

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cà phê Việt Nam sẽ không còn được quan tâm, nếu...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO