Kinh doanh

Sàn đấu giá và kinh doanh tranh

Phan Minh Thông (*) 08/04/2024 01:05

Tuần rồi, một người bạn dẫn tôi qua Hồng Kông xem tranh và đấu giá tranh. Chúng tôi tới một sàn đấu giá có tuổi đời hơn 20 năm, không nổi tiếng lắm nhưng rất nhiều tranh đẹp và quý, ngoài tranh của các họa sĩ châu Á như Nhật bản và Trung Quốc, còn có rất nhiều tranh của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam.

Các phiên đấu giá của sàn này mở ra liên tục và đội ngũ nhân viên làm việc tất bật. Đến Hồng Kông mới thấy, dù ngày nghỉ nhưng văn phòng vẫn ồn ào náo nhiệt. Nhân viên phân chia nhau đi làm vì khách khắp mọi nơi đổ về Hồng Kồng xem và mua tranh đấu giá rất đông.

Dạo một vòng xem tranh, phải nói là rất nhiều tranh đẹp và quý hiếm, nếu chỉ đến Galery bình thường thì khó có thể xem được những bức này, vừa lâu đời, vừa là tranh của các họa sĩ nổi tiếng. Điều khiến tôi thích thú là có rất nhiều tranh của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam cũng có ở đây như: Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Trung, Trần Lưu Hậu… Điều ngạc nhiên là mặc dù các sàn đấu giá liên tục nhưng vẫn còn rất nhiều tác phẩm chờ.

tranh.jpg
Đấu giá tranh ở Hồng Kông

Tranh của các họa sĩ Việt Nam bây giờ rất có giá, nhiều tác phẩm đạt giá trị triệu USD/tác phẩm và rất nhiều người Việt tham gia đấu giá tranh. Họ qua Hồng Kồng, Singapore, Pháp… mua rất nhiều tranh của họa sĩ Việt Nam và mang về nước. Các bạn có biết lệ phí của sàn đấu giá này bao nhiêu không? 27.5%. Mới nghe mà tôi tròn mắt. Không nhầm đâu các bạn. 27.5% mà còn phải trả thêm sau tiếng gõ búa. Có nghĩa là bạn phải trả là giá của gõ búa cộng thêm 27.5% . Ví dụ như gõ búa của một tác phẩm là 10.000 USD thì người mua phải trả 12.750 USD và người bán cũng phải trả phí nữa.

Điều này khiến tôi chợt nhớ đến Việt Nam. Hội họa Việt Nam rất nổi tiếng ở châu Á và các họa sĩ Việt Nam rất được yêu thích, bằng chứng là người nước ngoài đã mua biết bao nhiêu tác phẩm đẹp của họa sĩ Việt từ rất lâu và rất sớm nên bây giờ họ kiếm được rất nhiều tiền nhờ bán lại tranh trên các sàn đấu giá tranh trên toàn thế giới. Thế nhưng ở trong nước, chúng ta chưa có một sàn đấu giá tranh nào nổi tiếng và có nhiều uy tín, khi muốn mua tranh của họa sĩ Việt và người nước ngoài thì hầu hết phải "bay" ra các nước trong khu vực hay xa hơn là châu Âu và Mỹ. Câu hỏi là: "Tại sao Việt Nam chưa có sàn đấu giá tranh cho người muốn mua tranh Việt Nam đủ tin cậy?".

tra-3.jpg

Suy nghĩ này dẫn tôi tới một câu chuyện. Hơn 5 năm trước có bạn Minh (tên đã đổi) làm rất tốt các triển lãm Tết gọi là Tế ART sau một thời gian thì trên Facebook có một bài viết dài của một bạn tên Dương (tên đã thay đổi) đang điều hành một sàn đấu giá nghệ thuật Choice (tên đã thay đổi) chia sẻ với từ ngữ thóa mạ và chửi bới cực kỳ phản cảm, cố ý moi móc, thậm chí là dùng những từ ngữ hết sức thô tục. Mặc dù cũng có nhiều người bênh vực Minh nhưng có lẽ bài viết thóa mạ kia nặng nề quá nên sau đó bạn Minh ngừng và gần như biến mất. Có lẽ những lời thóa mạ cay nghiệt đã đánh gục bạn Minh. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người thắc mắc: "Tại sao một người làm văn hóa nghệ thuật như Dương lại có thể phát ngôn ra những từ ngữ “kinh khủng” như vậy được nhỉ?"

Vài năm sau, khi tôi ra Hà Nội và được giới thiệu có một người đang kinh doanh sàn tranh muốn gặp và nói chuyện về tranh với tôi, nếu có cơ hội thì hợp tác. Thật bất ngờ người đó chính là Dương - một thanh niên đẹp trai trắng trẻo, tôi chỉ kịp thốt lên: "Trời" và ngay sau đó, ký ức về bài viết của Dương với Minh mấy năm trước ùa về rõ mồn một.

Trong suốt cuộc nói chuyện đầu óc tôi chỉ nghĩ đến những lời thóa mạ mà Dương đã phát ra trên Facebook và sự yếu ớt của Minh trong phản kháng. Vì thế, suốt cuộc nói chuyện, gần như tôi không suy nghĩ được gì. Trước khi ra về, tôi chỉ nói có biết Dương và hiện tại tôi không có nhu cầu kinh doanh hợp tác gì cả. Ngẫm ra, khi Dương thóa mạ người khác thì thực ra những gì đọng lại trong suy nghĩ mọi người về Dương chính là hình ảnh văn hóa và nhân cách của bạn ấy mà thôi.

Cuộc sống là vậy, nhịn một chút và thiệt thòi một chút lại là đức tính tốt và may mắn. Ở đời, người có đức tính nhịn và chịu thiệt một chút thì dễ dàng hạnh phúc hơn.

tr-4.jpg
Khách hàng tham gia đấu giá tranh

Quay trở lại câu hỏi vì sao Việt Nam chưa có sàn đấu giá? Thật ra, vài năm trước đã có một vài sàn đấu giá của người Việt mở ra, nhưng trước tiên thì họ bị dè bỉu bởi các Galery trong ngành. Người Việt luôn có xu hướng tin người nước ngoài hơn người Việt và rất nhiều gato (tạm hiểu là ganh ghét). Nếu có một sàn tranh ở Hồng Kông hay Singapore, thậm chí ở Indonesia thì sẽ được người Việt tin hơn là sàn của người Việt, dù tất cả các sàn đều lần đầu biết đến. Hay khi có một chút danh tiếng thì lại phải đối mặt với tranh giả.

Nhiều khi vì đồng tiền, mối quan hệ nên dẫu biết tranh giả nhưng vẫn lờ đi, "ngậm miệng ăn tiền" mà quên đi rằng, với sàn đấu giá tranh, nếu tranh không đúng có thể mất đi vĩnh viễn cơ hội sửa sai. Nếu lỗi là do hoàn cảnh và sự thiếu hiểu biết thì cũng đã khó chấp nhận, trong khi cố ý thì càng khó như thế nào.

Vậy đấy, để giải quyết câu hỏi tại sao Việt Nam không có sàn đấu giá tranh để người Việt đỡ phải mang tiền tiêu ở nước ngoài hay làm thế nào để Việt Nam có một chợ tranh đúng nghĩa thì phải giải quyết các vấn đề nội tại trước, chừng nào chúng có niềm tin vào chính con người Việt Nam và hành xử có văn hóa hơn, khi đó chúng ta mới hy vọng sẽ có một sàn đấu giá tranh tại Việt Nam.

(*) CEO Phúc Sinh Group

Nổi bật
Đọc nhiều
Sàn đấu giá và kinh doanh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO