Xanh hóa những dòng kênh đen-Bài 1: Những dòng kênh đen đã xanh?

ÝNhi-T.An-Đ.Báo-L.Duy| 26/03/2023 09:17

Sở hữu hệ thống kênh rạch khoảng 2000km cũng chính là nét riêng cho Sài Gòn – Gia Định xưa và TP.HCM ngày nay vốn được mệnh danh là “Venice, Amsterdam của Việt Nam”. Trong nhiều năm qua, TP.HCM đã có nhiều hoạt động nhằm “xanh hóa những dòng kênh” với mức đầu tư lớn. Tuy nhiên, để các dòng kênh đen được xanh hóa vẫn cần nhiều việc phải triển khai đồng bộ.

Xanh hóa những dòng kênh đen-Bài 1: Những dòng kênh đen đã xanh?

Các đơn vị thi công ở công trường tại Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên

Kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè: Chưa thật xanh

Những năm đầu thế kỷ 21, trước thực trạng kênh rạch trở nên ô nhiễm, lãnh đạo TP.HCM đã xây dựng đề án cải tạo và quyết tâm hồi sinh những dòng kênh đen. Trong giai đoạn 1 của đề án, Thành phố chọn Nhiêu Lộc – Thị Nghè, con kênh thuộc khu vực trung tâm nội thành và là điển hình của sự ô nhiễm vào lúc bấy giờ.

Với khoản kinh phí 8.600 tỷ đồng, và 10 năm thi công, con kênh này đã được hồi sinh vào năm 2012, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị, đời sống người dân hai bên dòng kênh. Đến hiện tại, sau gần 11 năm dự án cải tạo chính thức hoàn thành, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đang là điểm nhấn trong kiến trúc, mỹ quan thành phố.

Những ngày giữa tháng 3/2023, dạo một vòng qua các dòng kênh, ghi nhận của phóng viên Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn cho thấy, dù đã trải qua hơn một thập kỷ nhưng những hệ thông hai bên bờ dòng kênh vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Cuộc sống người dân quanh khu vực kênh đã cải thiện nhiều hơn trước, buổi chiều, nhiều người dân còn đứng hóng mát, câu cá.

Cụ thể, tại thời điểm phóng viên có mặt tại kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là khu vực Cầu Số 1 (Quận Tân Bình), dù vẫn có rác thải đọng lại vào buổi sáng sớm, nhưng số lượng không đáng kể và người dân vẫn có thể đi dạo quanh bờ kênh.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của người dân sống xung quanh khu vực này, dù nhân viên công ích thường xuyên thực hiện thu gom rác thải trên con kênh bằng thuyền chuyên dụng. Bên cạnh đó, chính quyền cũng thường xuyên tuyên truyền về ý thức giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi xuống dòng chảy đến với người dân nhưng vãn còn có lúc nước kênh đen kịt, dưới lòng kênh còn tồn đọng nhiều rác thải. Đa số là rác thải nhựa khó phân hủy như túi ni-lông, chai nhựa, hộp xốp..., thỉnh thoảng bốc mùi hôi thối. Nhiều người dân cho biết, ho chưa thật yên tâm và lo lắng vì rất nhiều tiền được thành phố dồn vào cải tạo con kênh nhưng đến nay "dòng kênh ô nhiễm " đang có nguy cơ dần trở lại".

Tương tự, khi phóng viên có mặt tại bến Bình Đông (quận 8), kênh Tàu Hủ cũng xảy ra tình trạng tương tự, rác đầy mặt sông kèm mùi hôi thối.

Kênh Tân Hóa  - Lò Gốm và kênh Nước Đen: Mùi hôi còn khá nặng

Ngoài kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, trong thời gian qua, Thành phố cũng đã hoàn thành việc cải tạo, chỉnh trang hai dòng kênh trọng điểm khác là Tân Hóa  - Lò Gốm và kênh Nước Đen.

Dự án hồi sinh dòng kênh Tân Hóa – Lò Gốm với chiều dài toàn tuyến là 19km và mức đầu tư khoảng 162 triệu USD. Sau 5 năm thi công, ngày 5/4/2015 dự án chính thức được khánh thành. Điều này đã làm thay đổi rất lớn cuộc sống của người dân quanh hai bờ kênh thuộc các quận 6, quận 11, quận Tân Bình và quận Tân Phú.

Chia sẻ với phóng viên, bà Mai Thị Rành, người dân sống lâu năm quanh khu vực kênh Tân Hóa – Lò Gốm cho biết: “Trước khi được nhà nước đầu tư cải tạo, rác ngập cả dòng kênh, nước đen kịt, mùi hôi đến khó thở, trời năng thì hôi, trời mưa thì ngập đầy nước thải, muỗi nhặng quanh năm, ngập úng triền miên, xì ke ma túy…Nhìn thấy cảnh như bây giờ tui cứ như một giấc mơ”.

Tuy nhiên, tại thời điểm phóng viên có mặt, là thời điểm nước ròng, dù bề mặt kênh Tân Hóa - Lò Gốm đã tươm tất sạch, đẹp nhưng dòng nước vẫn đen ngòm, xuất hiện nhiều cụm rác thải và mùi hôi vẫn còn khá “nặng”.  Xung quanh khu vực này, nước thải từ các ống cống được xả trực tiếp xuống kênh.

Một người dân cho biết, từ ngày dòng kênh được cải tạo, cuộc sống của họ như bước sang trang mới, dù trong những ngày nước rút mùi hôi vẫn còn nhưng đã đỡ hơn trước rất nhiều, không còn cảnh phải chui mùng ăn cơm để tranh ruồi nhặng, hay chuột chạy trong nhà “như hội”. Tuy nhiên, vào những ngày nắng nóng, dòng kênh này vẫn bốc mùi nồng nặc. Vì vậy, rất mong Thành phố đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào con kênh Tân Hóa - Lò Gốm để tạo diện mạo mới cho đô thị, nâng chất đời sống người dân thì cũng cần có biện pháp duy trì, có hướng xử lý cho dòng kênh được xanh trong, bảo vệ bờ kênh không bị xả rác, lấn chiếm lối đi bộ.

-1669-1679832720.jpg

Rạch khu vực cầu Tham Lương rác vẫn chưa được thu gọn

Ông Lâm Đỉnh, người có nhiều năm sống gần kênh Tân Hóa – Lò Gốm nói: “Từ sau khi cải tạo, môi trường sống đã được cải thiện, nhưng nhiều người dân vẫn chưa ý thức được và vẫn xả rác xuống dòng kênh, nên nhiều lúc rác vẫn nhiều và bốc mùi khó chịu”.

Kênh Nước Đen: Đã xanh hơn

Một dòng kênh khác cũng đã được Thành phố đầu tư cải tạo trong những năm gần đây là kênh Nước Đen, nơi từng là một “điểm nóng” ô nhiễm khác của Thành phố. Tháng 4/2020, với tổng kinh phí 629 tỷ đồng, dự án cải tạo kênh Nước Đen ở quận Bình Tân đã hoàn thành, góp phần thay đổi bộ mặt, cảnh quan và môi trường dọc hai bờ. Hai bên bờ kênh được lắp lan can cao hơn 1,5m, vỉa hè rộng gần 1m cho người đi bộ. Lòng đường hai bên bờ kênh được mở rộng, mặt đường trải nhựa cho hai làn xe chạy, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, trồng cây xanh, lát đá vỉa hè... Lòng kênh được nạo vét bùn và rác, không còn cảnh người dân khổ sở vì rác thải, mùi hôi thối nồng nặc từ con kênh như trước đây. Thay vào đó, người dân thoải mái câu cá, đi dạo hai bên bờ kênh.

Sau khi dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, kênh Nước Đen hiện tại vẫn được giữ gìn khá toàn vẹn. Dòng nước khá sạch, hai bên bờ được kè chắc chắn, vỉa hè dành cho người đi bộ vẫn nguyên trạng.

Kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên: Người dân mong được cải tạo sớm

Với những thành quả kinh tế - xã hội mà những dự án trong giai đoạn 1 đạt được, ngày 23/ 2/2023 vừa qua, Thành phố chính thức khởi công giai đoạn 1 với dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, với tổng mức đầu tư dự kiến 8.200 tỷ đồng.

Kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên dài 32,7km, đi qua 7 quận huyện gồm: Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, quận 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, huyện Bình Chánh. Sau khi hoàn thành, dự án này được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị, góp phần cải thiện đời sống, môi trường cho khoảng 2 triệu dân trong lưu vực rộng gần 15.000 ha.

Theo ghi nhận của phóng viên, sau gần 1 tháng từ ngày dự án chính thức được khởi công, các đơn vị đang nỗ lực thi công các hạng mục như đóng cừ làm kè chắn, làm sạch rác trên đoạn kênh. Rác thải đã được dọn, trục vớt khá sạch, dù vậy cỏ dại và lục bình vẫn khá um tùm. Tuy nhiên, dòng nước đen kịt vẫn khiến mùi hôi bốc lên rất khó chịu.

Đi dọc tuyến đường hai bên dòng kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên đoạn khu vực thuộc quận Gò Vấp, chúng tôi bắt gặp chị Nguyễn Hồng Liên (phường 15 – Gò Vấp) đang dọn rác ngay trước nhà. Trao đổi với chúng tôi, Chị Liên cho biết, trong nhiều năm qua, người dân đã phải sống chung với mùi hôi bốc lên từ dòng kênh, đường sá tạm bợ gây khó khăn cho đời sống và sinh hoạt hàng ngày.

“Ngày trước còn có người ra kênh giặt đồ, nhưng trong nhiều năm trở lại đây, con kênh ngày càng ô nhiễm, mùi hôi thúi rất khó chịu, chẳng ai đến gần nữa. Đường sá thì anh chị cũng thấy đó, đất đá lổm chổm, mưa thì lầy lội, nước tràn lên rất là bẩn”, chị Liên chia sẻ.

-5797-1679832720.jpg

Rác thải trôi nổi trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đoạn thuộc quận Tân Bình)

Chị Liên cho biết, khi dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên được khởi công, người dân rất vui mừng và trông chờ ngày hoàn thành.

“Tôi chỉ mong sao dự án nhanh chóng hoàn thành, cải tạo lại môi trường, để chúng tôi không còn phải sống chung với mùi hôi, đường sá hoàn thiện và không còn ô nhiễm nữa”, chị Liên bày tỏ.

Tương tự kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, rạch Xuyên Tâm cũng là “địa chỉ đỏ” về ồ nhiễm môi trường sống của Thành phố trong những năm qua. Trước thực trạng đó, dự án cải tạo Rạch Xuyên Tâm cũng sẽ là một trong những dự án được chính quyền Thành phố quan tâm đặc biệt.

Rạch Xuyên Tâm với chiều dài 8km kéo dài từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật trải dài qua 2 quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp. Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm với tổng mức đầu tư dự kiến 9.600 tỷ đồng.

Trong những ngày giữa tháng 3/2023, theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, rạch Xuyên Tâm khá sạch sẽ. Tuy nhiên, hai bên bờ là sự nhếch nhác bởi hàng ngàn căn nhà, kiên cố có, tạm bợ, cỏ dại, cây cối hai bên rạch mọc um tùm, mùi hôi nồng nặc bốc lên.

-3213-1679832721.jpg

Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (Lục bình phủ kín dòng chảy của kênh)

“Trong nhiều năm nay rồi, chúng tôi phải sống chung với ô nhiễm, mùi hôi và rác thải, trời mưa hay triều cường lên thì nước tràn cả vào nhà…khổ lắm! Dù biết sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng cũng không còn cách nào khác”, ông Đặng Anh Văn, người dân sinh sống cạnh Rạch Xuyên Tâm ngán ngẫm chia sẻ.

Là người sinh sống trong ngôi là tạm bợ trên rạch Xuyên Tâm, bà Lê Thị Oanh cho biết hiện bà và những hộ dân xung quanh chỉ mong sao dự án nhanh chóng được triển khai, để nhanh chóng thoát khỏi cảnh sống tạm bợ, chắp vá, mùi hôi đến ngộp thở.

“Chúng tôi trông chờ dự án sớm được triển khai, được tái định cư để có cuộc sống ổn định hơn, không phải chịu cảnh ô nhiễm, hôi thối như thế này nữa”, bà Oanh nói.

(Bài 2: Giải pháp không thể ngắn hạn)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xanh hóa những dòng kênh đen-Bài 1: Những dòng kênh đen đã xanh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO