Toàn cảnh

Bản tin chiều 9/5: TP.HCM chuẩn bị đón làn sóng đầu tư sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu

NH 09/05/2025 16:00

Tin tức đáng chú ý chiều 9/5: Chuẩn bị khởi công đường băng số 2 tại sân bay Long Thành; TP.HCM đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, tập trung giải ngân cho các dự án trọng điểm BOT; Sở Tài chính: Kinh tế tư nhân đóng góp tăng trưởng lớn cho TP.HCM; TP.HCM chuẩn bị đón làn sóng đầu tư sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu; Bình Dương sẽ khởi công đường Vành đai 4 - TP.HCM vào ngày 31/5.

Chuẩn bị khởi công đường băng số 2 tại sân bay Long Thành

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để khởi công đường băng thứ hai tại sân bay Long Thành, dự kiến triển khai vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6/2025. Thông tin này được đại diện ACV công bố tại cuộc họp với Bộ Xây dựng ngày 8/5. Theo kế hoạch, đường băng số 2 sẽ được thi công trong vòng 12 tháng nhằm đồng bộ khai thác với đường băng số 1 khi sân bay chính thức vận hành vào nửa đầu năm 2026.

Hiện nay, đường băng số 1 đã hoàn tất các hạng mục về điện và hệ thống chiếu sáng, sẵn sàng phục vụ bay hiệu chuẩn, vượt tiến độ ba tháng so với kế hoạch. Song song đó, các tuyến giao thông kết nối sân bay cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Tuyến T1 (4,3 km) nối từ sân bay đến quốc lộ 51 cơ bản hoàn thành với 2/3 lớp bê tông nhựa đã được thảm xong trong tháng 4. Tuyến T2 (3,5 km) kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện đang tăng tốc thi công, dự kiến hoàn thành vào dịp Quốc khánh 2/9.

Đề xuất gần 3.500 tỷ đồng đầu tư đường băng số 2 sân bay Long Thành - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

Các hạng mục khác như sân đỗ máy bay, khu cung cấp nhiên liệu được đảm bảo đúng tiến độ, đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, gói thầu 4.8 - xây dựng hệ thống giao thông nội cảng và hạ tầng kỹ thuật, đang là "đường găng" của dự án với khối lượng hơn 20.000 đầu việc. Các nhà thầu đang huy động tối đa nguồn lực, thi công liên tục để đảm bảo tiến độ. Riêng phần cống thoát nước và hầm kỹ thuật dài 22 km đang phấn đấu hoàn thành trong tháng 6.

Lãnh đạo ACV cho biết, thách thức lớn nhất hiện nay là tình trạng thiếu vật liệu xây dựng, đặc biệt là đá. Hiện công trường chỉ nhận được khoảng 12.000 m³/ngày so với nhu cầu 20.000 m³. Nhờ có sự chuẩn bị từ trước Tết, với gần một triệu m³ vật liệu đã được tập kết, tiến độ mới được duy trì ổn định.

Để tháo gỡ vướng mắc này, ACV đề nghị Bộ Xây dựng kiến nghị các địa phương hỗ trợ tháo gỡ nguồn cung vật liệu. Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh đã chỉ đạo ACV cùng các đơn vị liên quan tập trung nguồn lực, giám sát sát sao tiến độ từng hạng mục, bảo đảm hoàn thành cơ bản các công trình trọng điểm vào cuối năm 2025.

TP.HCM đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, tập trung giải ngân cho các dự án trọng điểm BOT

Trong 4 tháng đầu năm 2025, TP.HCM mới chỉ giải ngân hơn 6.000 tỷ đồng, đạt khoảng 7,2% trên tổng vốn đầu tư công được giao là 85.500 tỷ đồng. Trước thực trạng này, thành phố đặt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% và phấn đấu đạt 100% vào cuối năm. Để thực hiện mục tiêu này, UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy mạnh tiến độ, đồng thời nghiêm túc thực hiện việc rút ngắn 30% thời gian thủ tục đầu tư công, một yêu cầu đã được đặt ra từ năm 2024 nhưng đến nay vẫn còn nhiều dự án chưa đáp ứng.

TP.HCM đã tổ chức 7 cuộc họp chuyên đề và ban hành 21 văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác đầu tư công. Sở Tài chính đã chủ trì nhiều cuộc họp với các ban quản lý dự án, quận, huyện và chủ đầu tư để xác định cụ thể các vướng mắc và kiến nghị biện pháp tháo gỡ.

TP. Hồ Chí Minh tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công | Thời báo Tài chính Việt Nam

Bên cạnh việc hoàn thành nhiều công trình chào mừng 50 năm thống nhất đất nước, từ nay đến cuối năm, TP.HCM tiếp tục ưu tiên giải ngân cho các dự án lớn có khả năng tạo chuyển biến rõ rệt. Nổi bật là 4 dự án BOT với tổng vốn khoảng 35.000 tỷ đồng, bao gồm: mở rộng quốc lộ 1, quốc lộ 22, đường trục Bắc - Nam từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành và quốc lộ 13.

Ngoài ra, thành phố còn thúc đẩy hai dự án hạ tầng đô thị lớn là cải tạo rạch Văn Thánh (5.561 tỷ đồng) và cầu đường Bình Tiên (871 tỷ đồng). Đồng thời, 9 dự án quy mô lớn khác cũng được lên kế hoạch giải ngân khoảng 16.873 tỷ đồng trong năm nay, trong đó dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dự kiến sẽ giải ngân 4.000 tỷ đồng trong tháng 6.

Các đơn vị được yêu cầu tăng cường sử dụng phần mềm theo dõi tiến độ, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ công tác giải ngân và đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra để bảo đảm thực hiện đúng tiến độ đề ra.

Sở Tài chính: Kinh tế tư nhân đóng góp tăng trưởng lớn cho TP.HCM

Kinh tế tư nhân được TP.HCM xác định là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 4 tháng đầu năm. Nhằm phát huy vai trò này, thành phố đang triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ để khu vực tư nhân phát triển bền vững và đóng góp hiệu quả hơn cho nền kinh tế địa phương.

Theo báo cáo từ Sở Tài chính, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP.HCM đạt hơn 444.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ vào sức đóng góp của doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể. Tổng vốn đăng ký mới và bổ sung của các doanh nghiệp đạt gần 230.000 tỷ đồng, với điểm tích cực là vốn bổ sung tăng gần 74%, phản ánh xu hướng tái đầu tư, mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân.

Cùng với đó, hơn 6.700 doanh nghiệp quay lại hoạt động, kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 16 tỷ USD, tăng hơn 9%. TP.HCM tiếp tục kiên định mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 ở mức trên 8,5%, thậm chí đặt tham vọng cán mốc hai chữ số nếu các yếu tố thuận lợi được phát huy đồng bộ.

Trước xu thế đó, thành phố đang chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong thủ tục hành chính như đăng ký kinh doanh, trả kết quả bằng chữ ký số, và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trở lại. Đồng thời, TP.HCM đang thúc đẩy đa dạng hóa kênh huy động vốn, bao gồm hình thức PPP, phát hành trái phiếu doanh nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm có kiểm soát.

Về phía hạ tầng, chính quyền thành phố đặt mục tiêu đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các dự án hạ tầng trọng điểm như Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn… Các dự án này không chỉ mang ý nghĩa phát triển đô thị mà còn là điểm tựa thu hút đầu tư tư nhân, tạo sức lan tỏa cho tăng trưởng bền vững.

Tuy nhiên, thành phố cũng nhận định bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức như biến động thị trường tài chính, xuất khẩu chậm lại và số doanh nghiệp thành lập mới sụt giảm. Trước tình hình này, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu các sở, ngành chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ mạnh hơn nữa cho khu vực kinh tế tư nhân, lực lượng được xem là trung tâm trong chiến lược phát triển kinh tế thành phố thời gian tới.

TP.HCM chuẩn bị đón làn sóng đầu tư sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu

TP.HCM đang tích cực xây dựng chiến lược và quy hoạch trong tháng 5 và 6 nhằm đón đầu làn sóng đầu tư, kinh doanh trong bối cảnh được chủ trương sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo TS Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, đây là "cơ hội của tương lai" và thành phố cần chủ động chuẩn bị nền tảng để tận dụng thời cơ này.

Song song đó, TP.HCM tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân – được xem là động lực chính cho tăng trưởng. Trong 4 tháng đầu năm, dù số lượng doanh nghiệp mới giảm, nhưng tổng vốn bổ sung tăng 73,8%, phản ánh xu hướng đầu tư chiều sâu và tái cấu trúc rõ nét.

TPHCM chuẩn bị đón làn sóng đầu tư khi sáp nhập với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu

TP.HCM cũng đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ khu vực tư nhân, đặc biệt trong khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Đề án thí điểm cơ chế đặc thù cho trung tâm khởi nghiệp sáng tạo và hoạt động Sàn giao dịch công nghệ đang được triển khai.

Về kết quả kinh tế, TP.HCM ghi nhận tổng thu ngân sách vượt 202.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt hơn 160.000 tỷ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 37,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần thận trọng với đà phục hồi công nghiệp, do xuất khẩu tháng 4 tăng mạnh phần lớn nhờ yếu tố thời điểm.

Từ thực tiễn phát triển dịch vụ, hạ tầng sau các sự kiện lớn như lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước và Đại lễ Vesak 2025, thành phố được khuyến nghị cần sớm nâng cấp cơ sở hạ tầng văn hóa - du lịch để đón lượng khách ngày càng tăng trong trung và dài hạn.

Bình Dương sẽ khởi công đường Vành đai 4 - TP.HCM vào ngày 31/5

UBND tỉnh Bình Dương vừa ấn định ngày 31/5 sẽ chính thức khởi công dự án đường Vành đai 4 - TP.HCM đoạn đi qua địa bàn tỉnh. Đây là một trong những dự án hạ tầng trọng điểm, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ kết nối vùng và tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội cho khu vực phía Nam.

Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư(PPP), với tổng chiều dài toàn tuyến qua Bình Dương khoảng 47,85 km. Trong đó, một số đoạn đã hoàn thành và đưa vào khai thác như các đoạn đi qua Khu công nghiệp VSIP II mở rộng (TP Tân Uyên), Khu công nghiệp Mỹ Phước (TP. Bến Cát) và đoạn trùng với tuyến đường Thủ Biên - Đất Cuốc. Tổng nhu cầu sử dụng đất cho toàn tuyến khoảng 419,6 ha, sơ bộ tổng vốn đầu tư ước tính 18.247 tỷ đồng.

Đường Vành đai 4 được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 100 km/giờ, mặt cắt ngang từ 6 đến 8 làn xe, có đường song hành hai bên, hành lang cây xanh và hạ tầng kỹ thuật dự phòng mở rộng. Tại các nút giao lớn sẽ được bố trí cầu vượt nhằm bảo đảm lưu thông liên tục và an toàn.

Đặc biệt, đoạn tuyến đi qua huyện Bắc Tân Uyên liên quan nhiều diện tích đất trồng cao su. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã làm việc với Tập đoàn Cao su Việt Nam và thống nhất hoàn tất việc cắt cây, bàn giao mặt bằng trước ngày 15/5.

Đường Vành đai 4 - TP.HCM có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 159,31 km, đi qua các tỉnh thành gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu (18,23 km), Đồng Nai (46,08 km), TP.HCM (16,7 km), Long An (78,3 km) và Bình Dương (47,85 km). Đoạn qua Bình Dương được triển khai độc lập theo chủ trương đầu tư đã được HĐND tỉnh thông qua, là một phần quan trọng trong cấu trúc hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bản tin chiều 9/5: TP.HCM chuẩn bị đón làn sóng đầu tư sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO