Minh bạch hóa việc xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 77/2025/NĐ-CP quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân và phương thức xử lý đối với các loại tài sản được xác lập thuộc sở hữu toàn dân.
Việc ban hành nghị định này nhằm đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trong quản lý tài sản, đồng thời góp phần hoàn thiện thể chế pháp luật, nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài sản nhà nước.
Theo quy định tại Nghị định, các loại tài sản có thể được xác lập quyền sở hữu toàn dân bao gồm nhiều nhóm với tính chất pháp lý khác nhau. Trước hết là tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật, bao gồm tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và vật chứng vụ án hoặc tài sản bị tịch thu theo bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực thi hành. Đây là nhóm tài sản mà quyền sở hữu chuyển giao bắt buộc cho Nhà nước sau khi hoàn tất quy trình pháp lý.
Một nhóm khác là bất động sản vô chủ, gồm những tài sản không xác định được chủ sở hữu hoặc do chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu theo quy định của pháp luật dân sự. Cùng với đó là tài sản bị đánh rơi, bỏ quên trong thời gian quy định mà không có người đến nhận, được xác định không rõ chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu đã từ chối quyền nhận lại tài sản.
Đáng chú ý, Nghị định cũng bao gồm nhóm tài sản là di sản không có người thừa kế. Trường hợp này bao gồm tài sản không có người nhận thừa kế theo Điều 622 Bộ luật Dân sự; tài sản hết thời hiệu yêu cầu chia di sản theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 623 nhưng không có người chiếm hữu; và phần quyền sở hữu bất động sản khi một trong các đồng sở hữu từ bỏ phần quyền của mình hoặc qua đời không có người thừa kế, theo khoản 4 Điều 218.
Ngoài ra, tài sản là hàng hóa tồn đọng tại cảng, kho, bãi thuộc địa bàn hoạt động hải quan cũng thuộc đối tượng áp dụng. Đây là nhóm tài sản không có người nhận trong thời hạn quy định và được xác định không rõ chủ sở hữu sau khi đã thông báo công khai.

Nghị định cũng đề cập đến các trường hợp tài sản được chuyển giao tự nguyện cho Nhà nước. Trong đó, nếu việc chuyển giao không thuộc các trường hợp cụ thể đã được liệt kê trong Nghị định, thì việc tiếp nhận tài sản sẽ do bộ, cơ quan ngang bộ hoặc chính quyền địa phương thực hiện, tùy theo cấp quản lý. Trường hợp bên chuyển giao là chuyên gia, nhà thầu, tư vấn nước ngoài hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tài sản sẽ được chuyển cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết, thông qua cơ quan trung ương hoặc địa phương quản lý dự án.
Một nhóm tài sản đặc biệt khác là các tài sản hình thành từ các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Các tài sản này sẽ được chuyển giao cho Nhà nước theo nội dung hợp đồng dự án, gồm các loại hợp đồng như BOT, BTO, BTL, BLT... Đây là cơ sở pháp lý để Nhà nước tiếp nhận quyền sở hữu tài sản phục vụ lợi ích công cộng và phát triển hạ tầng.
Cuối cùng là nhóm tài sản bị chôn giấu, vùi lấp hoặc chìm đắm được phát hiện trong lãnh thổ hoặc vùng biển Việt Nam mà tại thời điểm phát hiện không xác định được chủ sở hữu. Các tài sản này sau khi hoàn tất quy trình giám định, xác minh sẽ được Nhà nước xác lập quyền sở hữu để đảm bảo quyền chủ quyền và quyền tài phán.
Về thủ tục, Nghị định quy định rõ việc xác lập quyền sở hữu toàn dân phải được lập thành văn bản, tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục pháp lý nhằm đảm bảo sự minh bạch, công khai và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác lập quyền sở hữu cũng đồng thời là cơ quan phê duyệt phương án xử lý tài sản thì các bước có thể được tiến hành đồng thời để tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả thực thi.
Mọi hoạt động xác lập và xử lý tài sản đều phải được thực hiện công khai, minh bạch, có sự giám sát của các cơ quan chức năng. Những hành vi vi phạm quy định trong quá trình thực hiện sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Việc triển khai hiệu quả Nghị định số 77/2025/NĐ-CP sẽ góp phần xây dựng một cơ chế quản lý tài sản nhà nước rõ ràng, chặt chẽ, góp phần phòng ngừa tiêu cực và thất thoát tài sản công.