Cần thiết có chế độ ưu tiên riêng về hải quan cho doanh nghiệp bán dẫn, công nghệ cao
Trong bối cảnh cuộc đua toàn cầu về công nghệ ngày càng quyết liệt, Việt Nam cần hành động kịp thời để không tụt lại phía sau. Bộ Tài chính đang đề xuất xây dựng chế độ ưu tiên riêng trong lĩnh vực hải quan cho khối doanh nghiệp bán dẫn, công nghệ cao. Đây được xem là một bước đi chiến lược nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư hiệu quả.
Công nghiệp bán dẫn được xem là “trái tim” của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 5, nơi trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối, điện toán lượng tử... đồng loạt bứt phá. Không chỉ là ngành công nghiệp nền tảng, bán dẫn còn góp phần quan trọng bảo đảm an ninh quốc phòng, ổn định chính trị và nâng tầm sức mạnh kinh tế quốc gia trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt.
Chính vì thế, nhiều quốc gia đã và đang triển khai các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực thông quan và thủ tục hành chính. Ưu đãi hải quan là một trong những công cụ hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp bán dẫn và công nghệ cao, giúp họ rút ngắn thời gian đưa nguyên vật liệu, linh kiện vào dây chuyền sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường.

Ở Việt Nam, hiện chưa có cơ chế hải quan riêng phù hợp với đặc thù hoạt động của nhóm doanh nghiệp này. Các quy định hiện hành về chế độ ưu tiên như yêu cầu về kim ngạch xuất nhập khẩu lớn và thời gian tuân thủ pháp luật tối thiểu 2 năm, đang trở thành rào cản cho các doanh nghiệp mới, đặc biệt là các dự án đầu tư chất lượng cao, quy mô vừa và nhỏ.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn cần khả năng phản ứng cực nhanh với biến động thị trường và tiến bộ công nghệ. Do đó, họ yêu cầu chuỗi cung ứng hoạt động trơn tru, thủ tục hải quan gọn nhẹ, nhanh chóng và chính xác.
Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, để được hưởng chế độ ưu tiên, doanh nghiệp phải chứng minh lịch sử tuân thủ pháp luật về hải quan và thuế trong ít nhất 2 năm, đồng thời đạt ngưỡng kim ngạch xuất nhập khẩu nhất định. Điều này không phù hợp với những doanh nghiệp khởi đầu hoạt động tại Việt Nam- nhóm vốn cần hỗ trợ sớm để tăng tốc.
Nếu không có cơ chế đặc thù, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội thu hút những dòng vốn chất lượng cao trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn đang dịch chuyển toàn cầu sau đại dịch và căng thẳng địa chính trị.
Tại dự thảo Luật sửa đổi một số luật, Bộ Tài chính kiến nghị bổ sung quy định riêng về chế độ ưu tiên trong Luật Hải quan, theo hướng mở đường cho doanh nghiệp công nghệ cao và bán dẫn được áp dụng chính sách thông thoáng mà không cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện hiện hành.
Cụ thể, Bộ đề xuất bổ sung quy định tại Điều 42 và Điều 43 Luật Hải quan, cho phép áp dụng chế độ ưu tiên với các loại hàng hóa liên quan trực tiếp đến lĩnh vực bán dẫn và công nghệ cao. Danh mục hàng hóa này sẽ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, thống nhất mã số với Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Nếu được thông qua, doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ được hưởng hàng loạt ưu đãi như: miễn kiểm tra hồ sơ hải quan và thực tế hàng hóa, được phép làm thủ tục với tờ khai chưa hoàn chỉnh, hoàn thuế trước - kiểm tra sau, và miễn kiểm tra sau thông quan tại trụ sở hải quan. Những ưu đãi này không chỉ rút ngắn thời gian thông quan mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đáng kể.
Việc xây dựng một cơ chế linh hoạt, có tính chủ động và định hướng chiến lược như đề xuất của Bộ Tài chính là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đây không chỉ là hỗ trợ doanh nghiệp, mà còn là một bước chuẩn bị để Việt Nam bước vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn, lĩnh vực đang được các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới săn tìm điểm đến mới.
Vấn đề đặt ra là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan để xây dựng danh mục hàng hóa rõ ràng, sát thực tế và dễ triển khai. Đồng thời, việc theo dõi, giám sát hiệu quả của cơ chế ưu tiên này cũng cần được thiết kế bài bản nhằm tránh thất thoát và đảm bảo tính minh bạch.
Trong kỷ nguyên công nghệ, việc đi trước một bước trong chính sách có thể tạo nên lợi thế lớn. Việt Nam đang đứng trước cơ hội quý giá để khẳng định vị thế trong bản đồ công nghệ toàn cầu và chế độ ưu tiên hải quan dành riêng cho ngành bán dẫn, công nghệ cao chính là một bước đi đúng hướng.