TP.HCM: Hỗ trợ thủ tục pháp lý cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Ngày 2/7, Ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM phối hợp với các đơn vị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, Công đoàn Viên chức Thành phố, Công an Thành phố, Sở Tư pháp, Hội bảo vệ quyền trẻ em Thành phố tổ chức Đoàn khảo sát thực tiễn về việc cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký thường trú và căn cước công dân đối với nhóm trẻ em, thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ trong các cơ sở trợ giúp trẻ em, lớp học tình thương trên địa bàn quận Bình Tân, Tân Phú.
Tại buổi làm việc, Đoàn đã đến cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi mái ấm Từ Hạnh (phường An Lạc, quận Bình Tân) và làm việc với đại diện lãnh đạo, các phòng ban chuyên môn 2 quận Bình Tân, Tân Phú.
Theo ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM, việc tăng cường rà soát, cấp giấy tờ tùy thân cho nhân khẩu đặc biệt là việc làm hết sức nhăn văn, ý nghĩa cần cần nghiên cứu các thủ tục pháp lý liên quan để khẩn trương thực hiện, giúp trẻ có đầy đủ giấy tờ tùy thân để học tập và lao động sau này. Đây là công việc khó đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ phụ trách của mỗi địa phương và sự chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành Thành phố trong việc tra tìm nguồn gốc pháp lý cho trẻ.
Theo đánh giá của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Tân Phú, Đoàn ghi nhận trên địa bàn có 16 trường hợp trẻ không có căn cước công dân, trong đó đã có 7 trường hợp có mã số định danh nhưng không có dữ liệu tạm trú trên hệ thống quận Tân Phú, 3 trường hợp sinh ở nước ngoài và 6 trường hợp không có mã số định danh, chưa đăng ký thường trú và chưa có dữ liệu trên hệ thống dân cư quốc gia.
Tương tự, quận Bình Tân có 1.100 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt nguy cơ trong các cơ sở trợ giúp trẻ em, lớp học tình thương đã được rà soát, hướng dẫn đăng ký khai sinh, mã số định danh, thường trú và căn cước công dân. Tuy nhiên, vẫn còn 12 trường hợp trẻ còn bị vướng giấy tờ, thủ tục pháp lý, trong đó có 10 trẻ đang sinh sống tại các nhà mở, mái ấm tình thương Thiên Ân, Tân Sơn Nhì, Vinh Sơn, Hương Tâm và có 2 trẻ hoàn cảnh đặc biệt sống ngoài cộng đồng chưa được cấp khai sinh, mã số định danh.
Bà Lê Thị Ngọc Dung - Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết , một số trường hợp cha mẹ trẻ không đăng ký kết hôn, một số trẻ bị bỏ rơi, đang sinh sống cùng người thân, một số trẻ do gia đình di chuyển thường xuyên liên tục từ nơi này sang nơi khác, không có nơi ở ổn định hoặc cha mẹ thuộc diện không có đầy đủ giấy tờ tùy thân, một số khác do mưu sinh không quan tâm đến việc làm giấy tờ tùy thân cho các trẻ.
Theo ghi nhận, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là cơ sở dữ liệu về trẻ em, việc thu nhận hồ sơ căn cước công dân cho nhân khẩu tạm trú đến công tác lưu trữ hờ sơ đề nghị cấp Căn cước công dân cho nhân khẩu tạm trú.
Thay mặt Đoàn khảo sát, ông Cao Thanh Bình - Trưởng Ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM ghi nhận các ý kiến phản hồi từ lãnh đạo các ban ngành 2 quận, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong thực tế.
Đề nghị lãnh đạo các Sở ban ngành Thành phố và các đơn vị liên quan khẩn trương hướng dẫn, tìm các tháo gỡ, giải quyết vấn đề một cách thấu đáo, tránh để trường hợp trẻ vào đời mà không có đủ giấy tờ tùy thân, tháo gỡ cách các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xác minh nhân thân và cấp các giấy tờ tùy thân cho các cháu.