Toàn cảnh

Bản tin chiều 8/5: TP.HCM quy định tiêu chuẩn cấp ủy viên xã, phường nhiệm kỳ 2025 - 2030

NH 08/05/2025 16:00

Tin tức đáng chú ý chiều 8/5: Bộ Nội vụ đề xuất bãi bỏ kiểm định chất lượng đầu vào công chức cấp quốc gia, đẩy mạnh phân cấp tuyển dụng; Đồng Nai chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi nhà ở xã hội; Chi phí xây dựng cầu cạn cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long gần 460 tỷ đồng/km; TP.HCM quy định tiêu chuẩn cấp ủy viên xã, phường nhiệm kỳ 2025 - 2030; Quốc hội xem xét bỏ thanh tra cấp sở, huyện, giảm 40% thủ tục hành chính.

Bộ Nội vụ đề xuất bãi bỏ kiểm định chất lượng đầu vào công chức cấp quốc gia, đẩy mạnh phân cấp tuyển dụng

Trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Bộ Nội vụ đề xuất bãi bỏ quy định bắt buộc về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất ở cấp quốc gia. Đề xuất này nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tăng cường tính tự chủ trong công tác tuyển dụng công chức tại các bộ, ngành và địa phương.

Theo giải trình của cơ quan soạn thảo, việc kiểm định đầu vào theo quy định hiện hành đã bộc lộ nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai. Dù được quy định từ Luật năm 2019 và có hiệu lực từ tháng 7/2020, nhưng đến tháng 2/2023, Chính phủ mới ban hành quy định tổ chức kỳ kiểm định đầu vào, và chỉ đến tháng 8/2024 mới chính thức triển khai. Thí sinh phải trải qua bài thi trắc nghiệm đánh giá năng lực, với kết quả có hiệu lực trong hai năm. Tuy nhiên, đến tháng 9/2024, Chính phủ đã sửa đổi quy định, bãi bỏ yêu cầu bắt buộc sử dụng kết quả kiểm định làm điều kiện tuyển dụng.

Hướng dẫn xác định thời gian và tiền lương để tính hưởng chế độ khi sắp

Trong bối cảnh đó, Bộ Nội vụ đề xuất để các cơ quan tuyển dụng chịu trách nhiệm tổ chức thi tuyển, xét tuyển hoặc tiếp nhận theo nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng và minh bạch. Những người có tài năng, có công với đất nước hoặc thuộc diện ưu tiên như người dân tộc thiểu số sẽ được xem xét đặc cách theo quy định.

Dự thảo cũng mở rộng quyền hạn cho các cơ quan tuyển dụng trong việc ký hợp đồng có thời hạn với các chuyên gia, nhà khoa học có trình độ chuyên môn phù hợp để làm công chức. Bên cạnh đó, việc hậu kiểm, thanh tra và giám sát sẽ được tăng cường nhằm bảo đảm chất lượng đầu vào, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý công vụ.

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội bày tỏ sự đồng thuận với đề xuất này, cho rằng đây là bước đi phù hợp với chủ trương phân cấp quản lý nhà nước, trao quyền quyết định gắn với trách nhiệm cho địa phương, song vẫn bảo đảm vai trò điều tiết vĩ mô của trung ương trong chiến lược nhân sự quốc gia.

Đồng Nai chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi nhà ở xã hội

Ngày 7/5, ông Hồ Văn Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đã ký văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Biên Hòa, sau khi nhận được báo cáo từ Sở Xây dựng về một số dấu hiệu vi phạm.

Theo đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương kiểm điểm các cán bộ, công chức, viên chức và thành viên lực lượng vũ trang đã được bố trí nhà ở xã hội nhưng vắng mặt khi kiểm tra hoặc không hợp tác với đoàn thanh tra. Đồng thời, phải rà soát, lập danh sách những cá nhân đã chuyển công tác, thôi việc hoặc không còn nhu cầu sử dụng để báo cáo Sở Xây dựng và chủ đầu tư nhằm đề xuất xử lý theo quy định pháp luật.

Đồng Nai xử lý nghiêm cá nhân trục lợi nhà ở xã hội

Tỉnh giao Sở Xây dựng phối hợp cùng Công an tỉnh, Sở Nội vụ, UBND TP. Biên Hòa và các chủ đầu tư tổ chức kiểm tra, xác minh các trường hợp sử dụng sai đối tượng, vắng mặt thường xuyên tại nơi ở hoặc có dấu hiệu trục lợi chính sách. Những người không còn nhu cầu được khuyến khích tự nguyện trả lại nhà ở xã hội. Trong trường hợp cố tình vi phạm, tỉnh sẽ xem xét thu hồi bằng quyết định hành chính.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho các hộ dân đủ điều kiện, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các dự án nhà ở xã hội để đảm bảo đúng mục tiêu an sinh xã hội.

Chi phí xây dựng cầu cạn cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long gần 460 tỷ đồng/km

Viện Kinh tế Xây dựng vừa công bố kết quả nghiên cứu, cho thấy suất đầu tư xây dựng cầu cạn cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long tính theo toàn bộ vòng đời dự án (100 năm) là khoảng 459 tỷ đồng/km, chỉ cao hơn phương án đắp nền khoảng 2%. Trong khi đó, nếu chỉ tính chi phí đầu tư ban đầu, mức đầu tư cầu cạn là 383 tỷ đồng/km, gấp 2,6 lần phương án nền đất (188 tỷ đồng/km cho tuyến cao tốc 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp).

Suất đầu tư cầu cạn cao tốc gần 460 tỷ đồng/km - Báo VnExpress
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài gần 111 km, nhà thầu đang thi công xuyên suốt để công trình đưa vào sử dụng cuối tháng 12. Ảnh: Huy Phong

Tuy nhiên, cầu cạn có nhiều lợi thế vượt trội như giảm nhu cầu sử dụng cát, nguồn tài nguyên đang khan hiếm, hạn chế tình trạng sạt lở, thi công nhanh, tiết kiệm quỹ đất, thuận lợi thoát lũ và ít tác động môi trường. Cấu trúc móng bê tông cốt thép cũng giúp nền móng ổn định, dễ bảo trì và giảm chia cắt dân cư.

Viện đề xuất kết hợp linh hoạt hai phương án cầu cạn và đắp nền, tùy địa chất và điều kiện từng vùng. Đồng thời khuyến khích ứng dụng công nghệ mới như dầm chữ U bằng bê tông cường độ cao (HPC/UHPC), nhằm rút ngắn thời gian thi công và giảm giá thành. Đây được xem là hướng đi phù hợp với đặc thù vùng đồng bằng ngập nước.

TP.HCM quy định tiêu chuẩn cấp ủy viên xã, phường nhiệm kỳ 2025 - 2030

Thành ủy TP.HCM vừa ban hành kế hoạch tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, trong đó quy định rõ tiêu chuẩn, cơ cấu nhân sự cấp ủy tại xã, phường. Theo đó, mỗi cán bộ thường trực cấp ủy không được kiêm quá hai chức danh chủ chốt như bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, chủ tịch MTTQ; trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định.

chinh-phu-de-xuat-bo-sung-44-000.jpg

TP.HCM phấn đấu đạt ít nhất 15% cấp ủy viên là nữ, 10% là cán bộ trẻ (dưới 42 tuổi), 5% có trình độ khoa học - công nghệ và tỷ lệ phù hợp cán bộ người dân tộc thiểu số. Bí thư cấp ủy cấp xã sẽ kiêm nhiệm chủ tịch HĐND; khuyến khích không bố trí cán bộ là người địa phương giữ chức bí thư hoặc chủ tịch UBND.

Việc đánh giá, lựa chọn nhân sự phải toàn diện, khách quan, đúng nguyên tắc của Đảng, chú trọng cán bộ có bản lĩnh, đạo đức, năng lực thực tiễn, có “sản phẩm” công tác cụ thể, không cơ hội, không để người thân lợi dụng chức vụ. Công tác nhân sự bảo đảm kế thừa, đổi mới, tăng cường kiểm soát, tránh sai sót và không bỏ sót người có đức, có tài, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Quốc hội xem xét bỏ thanh tra cấp sở, huyện, giảm 40% thủ tục hành chính

Ngày 8/5, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) với đề xuất tinh gọn bộ máy, xóa bỏ tổ chức thanh tra tại cấp sở và huyện, đồng thời cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính.

Theo tờ trình, dự thảo luật loại bỏ quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra tại bộ, tổng cục, cục thuộc bộ, sở và huyện. Như vậy, các đơn vị thanh tra chuyên ngành hiện đang tồn tại tại nhiều cấp sẽ không còn trong hệ thống mới. Thay vào đó, các hoạt động kiểm tra chuyên ngành vẫn tiếp tục nhưng không mang chức năng thanh tra.

Hệ thống thanh tra sẽ được tổ chức lại gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra cấp tỉnh, các cơ quan thanh tra thuộc Quân đội, Công an, Ngân hàng Nhà nước, Cơ yếu và các cơ quan theo điều ước quốc tế. Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ sẽ được mở rộng thẩm quyền, tiếp nhận nhiệm vụ từ 12 Thanh tra Bộ bị giải thể.

Dự luật cũng quy định quy trình thanh tra thống nhất, không phân biệt hành chính hay chuyên ngành, tránh trùng lặp kiểm tra. Chính phủ kỳ vọng việc sửa luật sẽ nâng cao hiệu lực giám sát, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bản tin chiều 8/5: TP.HCM quy định tiêu chuẩn cấp ủy viên xã, phường nhiệm kỳ 2025 - 2030
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO