Toàn cảnh

Bản tin trưa 8/5: Doanh thu kinh doanh bất động sản TP.HCM đạt gần 100.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm

NH 08/05/2025 11:00

Tin tức đáng chú ý trưa 8/5: Quốc hội thảo luận về mô hình tổ chức mới của Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan Thanh tra; Đề xuất nâng mức trợ cấp thất nghiệp lên 65% tiền lương bình quân để đảm bảo đời sống người lao động; Đẩy nhanh di dời hạ tầng kỹ thuật phục vụ thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Nhiều giải pháp kỹ thuật được triển khai nhằm thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam; Doanh thu kinh doanh bất động sản TP.HCM đạt gần 100.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm.

Quốc hội thảo luận về mô hình tổ chức mới của Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan Thanh tra

Sáng ngày 8/5, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc tại hội trường với nội dung cho ý kiến về mô hình tổ chức mới trong hệ thống Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan Thanh tra, thông qua việc trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra các dự thảo luật sửa đổi liên quan.

Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Tòa án nhân dân tối cao đề xuất thiết lập mô hình tổ chức theo 3 cấp gồm: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh/thành phố và Tòa án nhân dân khu vực. Theo đó, sẽ không tiếp tục duy trì Tòa án nhân dân cấp cao và cấp huyện như hiện nay. Đáng chú ý, mô hình mới cũng đề xuất thành lập các tòa chuyên trách trong hệ thống tòa án khu vực nhằm nâng cao tính chuyên môn và hiệu quả xét xử. Đồng thời, số lượng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sẽ được tăng từ tối đa 17 người lên 27 người.

202505070808529941z6575928295263.jpg

Song song đó, Quốc hội cũng nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Dự luật đề xuất sắp xếp lại hệ thống Viện kiểm sát từ 4 cấp xuống còn 3 cấp, bỏ Viện kiểm sát cấp cao và cấp huyện. Số lượng kiểm sát viên tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng sẽ được nâng từ 19 lên tối đa 27 người để đáp ứng yêu cầu công tác trong giai đoạn mới.

Ngoài ra, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), trước khi thảo luận tại hội trường về các nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi).

Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại tổ về các nội dung liên quan đến sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Luật Thanh tra, nhằm hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy tư pháp và thanh tra phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính, tinh gọn và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đề xuất nâng mức trợ cấp thất nghiệp lên 65% tiền lương bình quân để đảm bảo đời sống người lao động

Trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Nội vụ đề xuất quy định mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Tuy nhiên, mức trợ cấp tối đa không vượt quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp cuối cùng.

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất không áp dụng trợ cấp thất nghiệp cho một số trường hợp, bao gồm: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo Bộ luật Lao động; người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định Luật Viên chức; và người nghỉ việc khi đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Đề xuất cải thiện chính sách trợ cấp thất nghiệp đảm bảo đời sống cho người lao động

Đóng góp ý kiến cho dự thảo, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng mức 60% là chưa hợp lý và khó bảo đảm mức sống cơ bản cho người lao động khi mất hoàn toàn thu nhập. Ông dẫn chứng, theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), mức trợ cấp thất nghiệp lý tưởng nên đạt từ 65% đến 70%. Một số quốc gia trong khu vực cũng áp dụng mức từ 65% đến 75%.

Từ đó, đại biểu đề xuất nâng mức trợ cấp lên 65% tiền lương bình quân để hỗ trợ tốt hơn cho người lao động, đồng thời xem xét điều chỉnh lên 75% trong trường hợp nền kinh tế rơi vào khủng hoảng. Đề xuất này nhằm bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao hiệu quả của chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong bối cảnh biến động thị trường lao động ngày càng phức tạp.

Đẩy nhanh di dời hạ tầng kỹ thuật phục vụ thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Ban Quản lý dự án huyện Long Thành (Đồng Nai) cho biết đang tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ thi công đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn đi qua địa bàn huyện. Tuyến cao tốc này có khoảng 50 vị trí giao cắt với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, gồm điện trung, hạ thế, điện cao thế và một điểm với đường điện 500kV.

Hiện khoảng 60% hệ thống điện trung, hạ thế đã được di dời. Dự kiến toàn bộ phần việc này sẽ hoàn thành vào cuối tháng 5/2025. Với các tuyến điện cao thế 110kV và 220kV, công tác đào móng, dựng trụ cơ bản đã hoàn tất tại các vị trí đã được bàn giao mặt bằng. Một số vị trí còn vướng do người dân chưa nhận tiền bồi thường, chính quyền địa phương đang tiếp tục vận động.

du-an-cao-toc-bien-hoa-vung-tau.jpg

Riêng đường điện 500kV, hạng mục đặc biệt quan trọng đã có lịch cắt điện và sẽ hoàn thành việc di dời trong tháng 5. Ban Quản lý dự án đang phối hợp với nhà thầu để ưu tiên thi công tại các vị trí cần gấp mặt bằng.

Tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai), nhà thầu cũng đang huy động nhân lực, máy móc nhằm đẩy nhanh việc di dời hạ tầng, phục vụ thi công dự án theo đúng tiến độ.

Nhiều giải pháp kỹ thuật được triển khai nhằm thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam

Ngày 7/5, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có buổi làm việc với đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm trao đổi chuyên sâu về các giải pháp kỹ thuật phục vụ mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, từ đó thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán chia sẻ về tiến độ vận hành hệ thống công nghệ thông tin giao dịch mới, một bước tiến quan trọng nhằm hiện đại hóa hạ tầng thị trường. Đồng thời, Ủy ban cũng đang tích cực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường Việt Nam.

Một trong những trọng tâm là việc phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng dự thảo thông tư thay thế Thông tư 05/2014, theo hướng đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp. Song song đó, Ủy ban cũng đang sửa đổi Nghị định 155 để minh bạch hóa thông tin về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty đại chúng, yếu tố quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư.

Cơ quan này còn đang chỉ đạo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSDC) chuẩn bị triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP), nhằm nâng cao an toàn và hiệu quả trong thanh toán giao dịch.

Ông Francesco Strobbe - Giám đốc khối Tài chính, Năng lực cạnh tranh và Đổi mới của WB khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, đánh giá cao những bước tiến tích cực trong quá trình nâng hạng thị trường của Việt Nam, đồng thời chúc mừng việc triển khai thành công hệ thống công nghệ thông tin giao dịch mới, một cột mốc quan trọng giúp tăng cường tính minh bạch và năng lực vận hành thị trường chứng khoán trong tương lai.

Doanh thu kinh doanh bất động sản TP.HCM đạt gần 100.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm

Theo báo cáo của Chi cục Thống kê TP.HCM, trong 4 tháng đầu năm 2025, hoạt động kinh tế trên địa bàn tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt khoảng 205.378 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2024. Doanh thu từ ngành lưu trú và ăn uống cũng đạt 58.077 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng mạnh 42,2%.

Đáng chú ý, nhóm ngành dịch vụ khác đạt tổng doanh thu 165.660 tỷ đồng, tăng 17,1%. Trong đó, riêng hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 95.176 tỷ đồng, chiếm đến 57,5% tổng doanh thu nhóm này và tăng 14,7% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu cho thấy sức hồi phục rõ nét của thị trường bất động sản sau thời gian trầm lắng.

Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh

Tuy nhiên, về đăng ký kinh doanh, từ đầu năm đến hết tháng 4, lĩnh vực bất động sản ghi nhận 332 đơn vị đăng ký mới, với tổng vốn đăng ký đạt 9.233 tỷ đồng, giảm 16% về số lượng doanh nghiệp và giảm mạnh 61,5% về vốn so với cùng kỳ.

Trong quý I/2025, TP.HCM có 4 dự án bất động sản được cấp mới cho doanh nghiệp FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 295 triệu USD, chiếm 70,1% tổng vốn đầu tư nước ngoài cấp mới. Những con số này cho thấy bất động sản vẫn là lĩnh vực hấp dẫn trong thu hút vốn FDI tại TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bản tin trưa 8/5: Doanh thu kinh doanh bất động sản TP.HCM đạt gần 100.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO