Một điển hình thành công trong việc cải tạo kênh rạch nội đô bằng giải pháp vi sinh vật từ Tokyo - Nhật Bản.
Hệ thống xử lý rác tại Hà Lan |
Không chỉ là điểm giao của 4 con sông chính là Arakawa, Sumidagawa, Edogawa và Tamagawa, Tokyo còn sở hữu hơn 100 con sông tự nhiên cùng kênh rạch nhân tạo chảy dưới thành phố. Vào những năm đầu của thế kỷ XVIII, công tác quy hoạch thủy lợi đã biến thủ đô của Nhật Bản, khi đó mang tên Edo, sở hữu diện tích còn lớn hơn cả London của Anh.
Với hàng loạt nhà kho lớn nhỏ được xây dựng ngoài vịnh Tokyo, các con kênh chảy qua thành phố được sử dụng tương tự đường cao tốc để vận chuyển hàng hoá. Dọc tuyến giao thông này, nhà hát, quán trà, và thậm chí cả những khu phố đèn đỏ mọc lên tấp nập. Tuy nhiên, từ khi thành phố này được hiện đại hoá, vai trò của sông nước cũng dần biến mất.
Trong đó, Nihonbashi có thể được xem là một trong những "nạn nhân" nổi bật nhất. Nihonbashi có chiều dài 4,8km, được đào vào đầu thời kỳ Edo và là tuyến vận chuyển chính để hỗ trợ thành phố. Sau Thế chiến thứ hai, nó đã ngày càng trở nên ô nhiễm trong giai đoạn nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng với tốc độ cao.
Và, đến năm 1964 - thời điểm Nhật Bản đăng cai Olympic tại thủ đô, Nihonbashi nói riêng và Tokyo - thành phố của sông nước nói chung, đã hoàn toàn thay đổi. Để phục vụ sự kiện thể thao này, chính quyền đã tái quy hoạch hệ thống giao thông rồi xây dựng cao tốc ngay phía trên kênh rạch - điều giúp giảm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng nhưng ngược lại cũng khiến nguồn nước của Tokyo thêm ô nhiễm.
Việc cắm các cọc bê tông cùng hàng tấn vật liệu xuống sông và kênh rạch vốn đã ô nhiễm nhiều năm do nước thải sinh hoạt lẫn công nghiệp, càng làm trầm trọng thêm tình trạng ứ đọng, tắc nghẽn dòng chảy, khiến tàu thuyền không thể hoạt động trên nhiều tuyến đường. Đồng thời, hoạt động xây dựng khiến các con kênh lân cận những công trình bị ô nhiễm, trở nên đục ngầu và bốc mùi.
Hơn nữa, sau khi được bao phủ bởi đường cao tốc, hình ảnh và vai trò của Nihonbashi ngày càng mờ nhạt trong cuộc sống thường nhật của người dân. Kết quả, một số con kênh bị xem là đã trở nên "ô nhiễm tới mức không thể phục hồi", mất hoàn toàn cả giá trị về kinh tế lẫn văn hóa. Một số sau đó bị lấp bằng phế thải xây dựng và đổ bê tông lên trên. Những kênh rạch hôi thối, đầy bùn được cống hóa để trở thành đường bộ - biện pháp đơn giản để thay dạng ô nhiễm này sang dạng ô nhiễm khác.
Nỗ lực cải tạo Nihonbashi
May mắn thay, từ đầu những năm 2000, khao khát biến Nihonbashi trở lại thành con sông trong vắt ngày xưa đã khiến người dân thành phố bắt tay triển khai kế hoạch cải tạo hệ thống nước với khẩu hiệu “Hồi sinh dòng Nihonbashi!”. Và, giải pháp đã được lựa chọn cho kế hoạch này là sử dụng chế phẩm sinh học EM, viết tắt của cụm từ Effective Microorganisms, tức Vi sinh vật Hữu hiệu.
Theo Tổ chức Nghiên cứu EM, chế phẩm sinh học này là tập hợp các vi sinh vật có ích, vi khuẩn quang hợp, vi khuẩn lactic, nấm men, xạ khuẩn, nấm mốc sống cộng sinh trong cùng môi trường và có thể được áp dụng như một chất cấy để giảm ô nhiễm môi trường do vi sinh vật có hại.Trước Nihonbashi, EM đã được sử dụng để cải tạo dòng sông Asechi chảy qua trung tâm thành phố Yokkaichi thuộc tỉnh Mie, Nhật Bản.
Vào tháng 7/2005, 3.000 viên bi bùn EM đã được thả xuống sông, và kể từ chúng liên tục được sử dụng để làm sạch dòng nước. Để đảm bảo hiệu quả lâu dài cho kế hoạch, gần 1 năm sau, 3 tổ chức gồm Hiệp hội Bảo tồn Cây cầu Lịch sử Nihonbashi, Hiệp hội Doanh nghiệp và Tổ chức các Câu lạc bộ phi lợi nhuận tại đây đã cùng hợp tác triển khai kế hoạch làm sạch dòng sông cũng như xây dựng một nhà máy sản xuất EM hoạt hoá. Tháng 12/2006, nhà máy nói trên đã hoàn thành và kể từ đó, khoảng 10 tấn EM hoạt hoá được đều đặn thả xuống Nihonbashi mỗi tuần, và hoạt động làm sạch này được mở rộng đến tận khu vực của sông Kanda.
Về phần mình, chính quyền khu vực quận Chiyoda cũng thành lập Nhóm phục hồi nước sạch ở sông Nihonbashi cùng sông Kanda và triển khai hoạt động làm sạch thường niên mang tên Bridge Caravan. Đây đồng thời còn là hoạt động tuyên truyền và giáo dục ý thức khi đối tượng tham gia là học sinh ở mỗi trường tiểu học tại địa phương. Thông qua trải nghiệm tham quan và dọn dẹp, không chỉ học sinh, mà cả sự quan tâm của các phụ huynh với dòng sông cũng được tăng lên.
Sự hồi sinh mạnh mẽ
Trong vài tháng sử dụng EM, mùi hôi thối đã không còn, và sau nửa năm hầu hết bùn đã biến mất. Bọ nước, giun bùn, giun cát và cả những đàn cá nhỏ cũng quay lại. Theo TS.Teruo Higa - Giáo sư danh dự tại Đại học Ryukyus ở Okinawa, người đã sáng tạo nên công nghệ EM, dựa trên tiêu chí môi trường được Bộ Môi trường Nhật Bản sử dụng để phân loại các vùng nước công cộng, Nihonbashi trước đây được xếp loại C, nghĩa là chất lượng nước hầu như không thể hỗ trợ cá chép và cá diếc.
Với môi trường như vậy, giun cát, giun bùn hay các sinh vật trầm tích đáy khác không thể sống được. Và vào mùa hè, tảo lam xuất hiện, phát ra mùi hôi thối, khiến cá chết và nổi lên mặt nước. Tuy nhiên, 1 năm sau khi thả EM hoạt hoá, chất lượng nước đã cho thấy sự cải thiện rõ rệt, với dòng sông hiện được xếp loại B, gần đạt hạng A.
Đến mùa thu năm 2007, người dân đã có thể đánh bắt cá bống và vào mùa xuân năm 2008, cá di cư đã bơi trên Nihonbashi và dòng sông nay đã chuyển đổi thành một hệ sinh thái phong phú. Theo TS. Higa, 18 tháng sau khi lần đầu thả EM, dòng sông đã có thể đạt đến hạng A. Và đến tận nhiều năm sau, mức độ đa dạng sinh học của dòng sông vẫn được duy trì.
Cần biết rằng, có sự khác biệt về giá trị đo được do ảnh hưởng bởi lượng mưa cục bộ lớn, song dòng sông được đo vào lúc không có mưa và trời trong, nó đạt đến mức AA. Nói cách khác, nếu không bị ảnh hưởng bởi mưa, chất lượng nước ở Nihonbashi đã đạt đến Cấp thủy sản 1, trong đó cá hồi có thể sống được, và con sông thậm chí có thể được dùng làm nước nguồn trong trường hợp khẩn cấp như động đất và hỏa hoạn lớn.