Công nhân dọn rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè |
Những giải pháp cấp bách
Qua tìm hiểu của phóng viên, hiện các kênh, rạch của TP.HCM là nơi tiếp nhận và chuyển tải không chỉ nguồn nước thải xuất phát từ nội đô TP.HCM, mà còn là nơi tiếp nhận nguồn thải của một số địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai (bao gồm cả nước thải đô thị, nước thải nông nghiệp và các cụm công nghiệp nhỏ) do thành phố là cuối nguồn của hệ thống sông Đồng Nai.
Cùng với sự phát triển của đô thị, hệ thống thoát nước (đặc biệt là nước thải đô thị) trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, và chưa được đầu tư một cách kịp thời và thống nhất (hiện chưa tới 20% lượng nước thải đô thị được xử lý đạt quy định), dẫn tới các kênh (rạch) trên địa bàn thành phố phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải đô thị bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, việc ý thưc của người dân trong sinh hoạt hàng ngày như không bỏ rác đúng nơi quy định, xả bỏ các loại rác thải một cách vô chừng dẫn đến các loại rác thải này theo dòng nước mưa quấn trôi vào các kênh (rạch), bên cạnh đó các hệ thống thoát nước mưa không được xử lý sơ bộ dẫn đến các loại cặn bẩn trên đường, lưu vực quanh các dòng kênh (rạch) bị quấn trôi. Từ những nguồn thải trên hệ thống kênh (rạch) của TP.HCM đang ngày càng bị ô nhiễm, giảm lưu tốc dòng chảy.
Đưa ra một số giải pháp để xanh hóa các dòng kênh đen, đồng thời giữ cho các dòng kênh đã được xanh hóa không “bị” đen trở lại, ông Nguyễn Văn Đắng - Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đề xuất:
Trước hết, để các con kênh (rạch) "được sống" đúng nghĩa, chúng ta phải:
Một, khai thông các dòng kênh (rạch) để đảm bảo nước được lưu thông, không gây hiện tượng tù đọng nước. Nếu các dòng nước không được lưu thông vừa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh, đồng thời có thể gây hiện tượng ngập lụt khi có nước mưa. Bên cạnh đó, cần phải có các chương trình nâng cao ý thức của người dân như không xả rác bừa bãi, không đổ bỏ chất thải chưa qua xử lý xuống các con kênh (rạch), để hạn chế việc các rác thải này làm giảm lưu thông dòng chảy, đồng thời các loại rác này theo thời gian bị phân hủy tự nhiên cũng gây ra hiện tượng ô nhiễm các kênh (rạch).
Hai, triển khai các giải pháp thu gom và xử lý các loại nước thải đảm bảo theo quy định (như nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư, nước thải tại các cơ sở sản xuất…) trước khi xả bỏ vào các con kênh (rạch) đối với các khu vực nội thành, khu dân cư hiện hữu cần bổ sung thêm các nhà máy xử lý nước thải để xử lý nước trước khi đổ vào các kênh (rạch). Đối với nguồn nước mưa chảy tràn trên đường thì hiện tại, hệ thống thu gom nước mưa và nước thải đô thị đang được sử dụng chung, cần có các giải pháp xử lý sơ bộ (lắng các cặn bẩn bị quấn theo trong quá trình di chuyển) trước khi đưa vào các con kênh (rạch).
Ba, đối với các nguồn nước hiện hữu trong kênh (rạch), có thể áp dụng các giải pháp công nghệ sinh học thân thiện với môi trường để xử lý, cải thiện nguồn nước như: dùng các loại lục bình để xử lý tự nhiên, dùng chế phẩm sinh học… Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp bền vững chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện ngắn hạn nhằm cải thiện thực trạng chất lượng nước hiện hữu của các dòng kênh (rạch), đồng thời phải thường xuyên nạo vét kênh để đảm bảo dòng chảy cho các con kênh (rạch).
Ngoài ra, theo một số kinh nghiệm quản lý của các nước tiên tiến, các dòng kênh (rạch) ngoài mục đích là nơi thoát (tiêu) nước cho các đô thị, họ còn sử dụng vào các mục đích thương mại du lịch bằng phương án giao cho một đơn vị tổ chức dịch vụ vừa vận hành thương mai (như các tuor du lịch dọc các con kênh tại Ý…) và quản lý các dòng kênh (rạch) đảm bảo cảnh quan và môi trường. Đối với TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, việc triển khai các giải pháp này chưa được các đơn vị quan tâm do chi phí để cải tạo cảnh quan môi trường cho các dòng kênh (rạch) là khá cao và cần phải triển khai nhiều dự án cần nhiều thời gian (do nguồn nước tại các kênh (rạch) bị ô nhiễm khá lớn), bên cạnh đó hệ thống thu gom và vận chuyển nước thải của Thành phố đã cũ, và chưa được xử lý tại nguồn, nếu không triển khai các dự án này thì việc đảm bảo cảnh quan và môi trường của các kênh (rạch) gần như không khả thi trong thời gian này.
Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, để cải tạo các dòng kênh xanh, sạch là vấn đề rất lớn và rất khó, vì thế, phải có hệ thống, giải pháp đồng bộ và căn cơ (gồm giải pháp tổng thể cho việc thu gom, xử lý nước thải, nước sinh hoạt, ngân sách…).
Vớt rác trên kênh Nhiêu Lộ - Thị Nghè |
Đánh giá cao các dòng kênh đã xanh hóa nhưng vẫn chưa xanh hóa toàn bộ do nhiều nguyên nhân còn tồn tại, PGS-TS. Phùng Chí Sỹ - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường thế giới đề xuất ba vấn đề cấp bách cần giải quyết: Một, phải có giải pháp đồng bộ và hoàn chỉnh lắp đặt đồng bộ hệ thống thu gom nước thải ra kênh đưa về hệ thống xử lý. Trong đó, vấn đề căn cơ nhất vẫn là xử lý nước thải tập trung.
Ví dụ, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện đã lắp đặt một hệ thống đường ống dọc theo kênh và toàn bộ nước thải tạm xả ra sông Sài Gòn để tự pha loãng. (Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, sau khi hệ thống xử lý nước thải ở quận 2 hoàn thành sẽ thải qua hệ thống này).
Hai, mặc dù hiện nay thành phố đã có một tàu thu gom mỗi ngày hơn 300 tấn rác thải nhưng chưa đủ. Vì thế, cần triển khai hệ thống vớt rác trên sông và nạo vét bùn thải. Muốn vậy, phải bổ sung nhân lực, thiết bị và phải có chế tài kiểm soát, xử phạt người dân không xả rác như quản lý qua hệ thống camera và truy suất phạt nóng.
Giải pháp xã hội hóa
Ông Nguyễn Việt Dũng cho rằng, muốn kêu gọi xã hội hóa việc đầu tư nạo vét, cải tạo và duy tu các dòng kênh thì thành phố phải có quy hoạch một cách ổn định, đồng thời nêu các hạng mục cần kêu gọi xã hội hóa một cách rõ ràng để người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư biết hạng mục nào có thể tham gia hiệu quả và trách nhiệm, quyền lợi của họ được hưởng thế nào cũng cần rõ ràng.
PGS-TS. Phùng Chí Sỹ cũng nhấn mạnh, quan trọng nhất của xã hội hóa là cơ chế, chính sách. Cụ thể, nếu doanh nghiệp, tổ chức tham gia cải tạo nạo vét lòng kênh thì cho họ được hưởng mỗi bên bờ kênh 100m để họ làm đường, trồng cây cảnh, cho người dân thuê lại để kinh doanh, qua đó nhà đầu tư mới có lợi nhuận để tiếp tục tái đầu tư, duy tu, bảo tồn dòng kênh xanh. Bên cạnh đó, cũng có nhiều hình thức khác như cho nhà đầu tư tham gia nạo vét bùn được kinh doanh “bùn” sau khi họ “biến” bùn thành phân bón.
(Bài cuối: Kinh nghiệm từ Nihonbashi)