Toàn cảnh

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng: Ngăn thành lập "doanh nghiệp ma", tăng "vốn ảo"

Hưng Nhật 09/05/2025 - 15:22

Sáng ngày 9/5, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), trong đó đáng chú ý là việc bổ sung quy định về "chủ sở hữu hưởng lợi" nhằm tăng cường minh bạch và hạn chế các hành vi lợi dụng pháp nhân để lập doanh nghiệp ma, tăng vốn điều lệ ảo.

Theo dự thảo, “chủ sở hữu hưởng lợi” là cá nhân thực tế nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% vốn điều lệ trở lên, hoặc được hưởng trên 25% lợi nhuận, hoặc là người có quyền chi phối cuối cùng đối với hoạt động của doanh nghiệp. Việc nhận diện rõ nhóm đối tượng này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác hậu kiểm và phòng chống các hành vi vi phạm thông qua núp bóng pháp nhân.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thay mặt Thủ tướng trình bày tờ trình, nhấn mạnh rằng quy định mới này là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm gia tăng minh bạch trong hoạt động doanh nghiệp, đồng thời nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng tình trạng doanh nghiệp ma, khai vốn điều lệ không đúng thực tế hoặc góp vốn thông qua các cá nhân, tổ chức trung gian để che giấu quyền kiểm soát thật sự.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Tài chính trình bày tờ trình dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), ngày 9/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Ông Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng Tài chính, trình bày tờ trình dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), ngày 9/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Cũng trong dự thảo, các chế tài xử lý đối với hành vi không góp đủ vốn điều lệ như đã cam kết, khai khống vốn hoặc tăng vốn ảo đã được rà soát và siết chặt. UBND cấp tỉnh được trao thêm quyền trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đăng ký doanh nghiệp.

Đặc biệt, quy định về chủ sở hữu hưởng lợi được xem là yếu tố cấp bách, góp phần đưa Việt Nam từng bước tuân thủ các cam kết quốc tế trong công tác phòng, chống rửa tiền. Hiện tại, Việt Nam đang nằm trong "danh sách xám" của Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (FATF) kể từ tháng 6/2023. Theo phân tích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc bị liệt vào danh sách này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và làm tăng chi phí giao dịch tài chính quốc tế.

Do đó, Việt Nam cần khẩn trương xây dựng cơ chế thu thập và cập nhật thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi trước thời hạn tháng 5.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng việc giao Chính phủ ban hành hướng dẫn chi tiết về kê khai thông tin chủ sở hữu hưởng lợi là phù hợp với định hướng đổi mới và hoàn thiện pháp luật. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát, cụ thể hóa các nhóm doanh nghiệp phải kê khai và tối ưu hóa việc sử dụng dữ liệu hiện có, nhằm giảm thiểu chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính đọc báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), ngày 9/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính đọc báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), ngày 9/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Trước đó, giới chuyên gia pháp lý đã cảnh báo rằng cơ chế đăng ký và điều chỉnh vốn điều lệ hiện hành còn lỏng lẻo, tạo kẽ hở cho các hành vi lập công ty ma hoặc tăng vốn ảo để chuẩn bị chuyển đổi thành công ty đại chúng. Do vậy, dự luật cần bổ sung cụ thể các thủ tục đăng ký vốn điều lệ ban đầu như điều kiện, hồ sơ chứng minh, quy trình định giá tài sản góp vốn... để tăng tính minh bạch và kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng lưu ý rằng nếu siết chặt quá mức quy trình chứng minh năng lực tài chính trong giai đoạn thành lập doanh nghiệp có thể tạo ra gánh nặng chi phí không cần thiết, đi ngược lại tinh thần cải cách thủ tục hành chính mà Chính phủ đang theo đuổi.

Một điểm mới đáng chú ý khác trong dự thảo là việc siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Theo đó, doanh nghiệp chỉ được phát hành khi tổng nợ phải trả không vượt quá năm lần vốn chủ sở hữu, căn cứ theo báo cáo tài chính gần nhất. Quy định này không áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước, tổ chức phát hành trái phiếu phục vụ các dự án bất động sản, ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, và các công ty quản lý quỹ đầu tư.

Dự kiến, Quốc hội sẽ thảo luận theo tổ về dự luật này vào ngày 10/5 và tiếp tục thảo luận tại hội trường vào ngày 20/5 tới đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng: Ngăn thành lập "doanh nghiệp ma", tăng "vốn ảo"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO