Xác lập lại vai trò kinh tế tư nhân

TS. VŨ TIẾN LỘC - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)| 02/10/2014 09:04

Cách đây 10 năm, ngày 20/9/2004, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định lấy ngày 13/10 hằng năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Xác lập lại vai trò kinh tế tư nhân

Cách đây 10 năm, ngày 20/9/2004, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định lấy ngày 13/10 hằng năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Đọc E-paper

Gần đây, trong Hiến pháp mới, lần đầu tiên vai trò của doanh nhân được hiến định. Trong Quốc hội hiện nay có sự tham gia của đội ngũ doanh nhân với 36 đại biểu có tiếng nói trực tiếp trong cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước.

Cải cách kinh tế của Việt Nam thời gian qua thực chất là quá trình khẳng định sự khôi phục lại vai trò kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. Khi Việt Nam thực hiện quá trình đổi mới, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân dần được xác lập lại với nỗ lực không mệt mỏi của toàn xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Năm 2000, Luật Doanh nghiệp đã xác lập khuôn khổ pháp lý của khu vực kinh tế tư nhân. Bộ chính trị cũng ra một nghị quyết riêng (Nghị quyết 09) về doanh nhân, khẳng định vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Khu vực tư nhân có vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế. Trước đổi mới, Việt Nam có khoảng 15.000 DN tư nhân, trong quá trình phát triển, con số này tăng lên 600.000 và mỗi năm có khoảng 80.000 DN thành lập.

Khu vực DN nhà nước cho đến thời điểm hiện nay có 1.000, thay vì trước đổi mới có trên 10.000 và theo tiến trình cổ phần hóa đến hết năm 2015, sẽ giảm xuống còn 432. Như vậy, xét về mặt số lượng, khu vực kinh tế tư nhân đang trở thành lực lượng áp đảo trong nền kinh tế, đóng góp rất quan trọng trong việc tạo ra công ăn việc làm, tạo ra nguồn thu của ngân sách, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Đối với một nền kinh tế tập trung chuyển sang nền kinh tế thị trường, những thành quả như vậy là rất to lớn, là thành quả quan trọng bậc nhất của quá trình đổi mới về kinh tế của Việt Nam.

Không chỉ về mặt kinh tế, tiếng nói của khu vực kinh tế tư nhân đặc biệt quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách của Việt Nam. Hiện nay, tất cả các văn bản pháp luật liên quan đến kinh tế đều được Quốc hội, Chính phủ yêu cầu trước khi ban hành phải có ý kiến của DN tư nhân thông qua VCCI. Nghị quyết 19 của Chính phủ ban hành hồi đầu năm là bước đột phá về thể chế đối với khu vực kinh tế tư nhân.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu VCCI, các hiệp hội ngành nghề, bên cạnh xếp hạng năng lực cạnh tranh của các tỉnh - thành phố để đo sự hài lòng của khu vực tư nhân đối với sự điều hành của chính quyền địa phương, triển khai các điều tra xã hội học nhằm đo sự tín nhiệm của cộng đồng DN khu vực tư nhân đối với sự điều hành của các cơ quan của Chính phủ, đồng thời xếp hạng các cơ quan thuộc Chính phủ tương tự như xếp hạng các địa phương.

Thủ tướng cũng đề nghị VCCI hằng tháng phải báo cáo kết quả giải quyết các kiến nghị của DN của các bộ, ngành trung ương, đồng thời thường xuyên giám sát các yêu cầu đổi mới để thực hiện những cải cách thể chế mà Chính phủ và Thủ tướng đặt ra.

Chưa bao giờ vai trò của cộng đồng DN được đặt ra ở tầm cao như vậy. Để có được tiếng nói mạnh mẽ đó của khu vực kinh tế tư nhân, của khu vực DN đối với quá trình làm chính sách của Việt Nam, phải kể đến sự đồng hành của các tổ chức quốc tế, trong đó có Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID Vietnam).

Dự án đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do USAID hỗ trợ và đồng hành cùng cộng đồng DN suốt 9 năm qua là điển hình đề cao tiếng nói, vai trò của khu vực tư nhân trong quá trình đổi mới nền kinh tế. PCI đã trở thành công cụ đo sự hài lòng của DN đối với chính quyền địa phương trong quá trình phân cấp mạnh mẽ quyền điều hành kinh tế về địa phương.

Tác động của chỉ số PCI không chỉ giúp DN giảm bớt việc thực hiện các thủ tục hành chính ở địa phương mà còn giúp các địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần giúp Chính phủ đề ra chương trình tổng thể nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Mười năm qua cũng là một chặng đường đầy gian nan của doanh nhân Việt Nam. Sau giai đoạn 2004 - 2006 phát triển thiếu căn bản, dựa trên nguồn tín dụng giá rẻ, đầu tư quá mức vào khu vực tài chính và bất động sản, ít chú ý tới các yếu tố nền tảng về chiến lược, quản trị..., nhiều DN rơi vào khó khăn.

Có thời điểm 60-70% DN kinh doanh không có lãi, hàng trăm nghìn DN đã phải rút khỏi thị trường. Cuộc suy thoái kinh tế đã giúp doanh nhân Việt Nam nhìn nhận lại chính mình, điều chỉnh chiến lược kinh doanh, chăm lo hơn cho quản trị, củng cố nền tảng phát triển.

Sau sóng gió, doanh nhân Việt cẩn trọng hơn và trưởng thành hơn. Môi trường kinh doanh đang dần được cải thiện và quá trình hồi phục kinh tế đang bắt đầu, nhưng chặng đường sắp tới với cộng đồng DN vẫn còn gian nan và vất vả.

TRÌNH TIÊU ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xác lập lại vai trò kinh tế tư nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO