Trái cây xuất khẩu: Thị trường Trung Quốc đang thất thế

09/06/2011 06:07

Trái cây, rau củ của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và ngược lại, đều giảm mạnh trong thời gian vừa qua.

Trái cây xuất khẩu: Thị trường Trung Quốc đang thất thế

Trái cây, rau củ của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và ngược lại, đều giảm mạnh trong thời gian vừa qua.

Trong vài năm qua, trái cây Việt Nam mới chỉ xuất khẩu sang một vài thị trường châu Á như Thái Lan, Hồng Kông, Trung Quốc và một số thị trường giá trị cao hơn một chút như Hàn Quốc và Nhật. Tuy nhiên, sắp tới đây, các thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ lại đang có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại trái cây nhiệt đới của Việt Nam như chôm chôm, xoài, nhãn, vải…với mức giá cao hơn. Được biết, giá xuất khẩu sang thị trường châu Âu sẽ cao hơn 1,5 lần so với mức giá xuất sang Trung Quốc. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp chuyển hướng thị trường. Bên cạnh đó, người tiêu dùng lại đang quay trở lại dùng sản phẩm trong nước sau khi biết chất lượng trái cây, rau củ Trung Quốc không tốt cho sức khỏe. Như vậy là ở chiều ngược lại, có thể trái cây và rau củ Trung Quốc cũng sẽ bị thu hẹp tại thị trường Việt Nam.

Rau quả Trung Quốc thất thế tại Việt Nam

Thanh long mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trái cây rau củ nhập vào Việt Nam đã giảm 18,31% trong quý I vừa qua. Tại chợ đầu mối Tam Bình, lượng rau củ quả Trung Quốc đã giảm mạnh, chỉ bằng 25-30% so với cuối năm 2010. Nếu trước đây nhập khẩu trung bình mỗi đêm 200 tấn rau củ thì giờ đã giảm xuống chỉ còn 50 tấn, trái cây nhập khẩu 300 tấn nay chỉ còn 70 tấn. Theo Hiệp hội Rau hoa quả Việt Nam, tính chung 3 tháng đầu năm 2011, kim ngạch nhập khẩu trái cây rau củ đạt 28,9 triệu USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ 2010. Dự báo trong quý II/2011 kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm này từ Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm.

Giá cà rốt Trung Quốc trung bình dao động từ 8.000-9.000 đồng/kg thấp hơn mức giá 12.000-15.000 đồng/kg của Việt Nam. Giá quýt 15-20.000 đồng/kg trong khi giá quýt trong nước là 35.000-45.000 đồng/kg. Mặc dù giá bán của các sản phẩm trái cây, rau củ của Trung Quốc thấp hơn Việt Nam nhiều nhưng vẫn không thu hút người tiêu dùng, hầu hết chỉ được tiêu thụ bởi người thu nhập thấp. Đây chính là nguyên nhân khiến cho sản lượng rau quả Trung Quốc sụt giảm trong thời gian qua.

Trái cây của Trung Quốc chủ yếu vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch nên rất khó kiểm soát và được phân bổ vào hầu hết các chợ. Trong thời gian qua, người tiêu dùng đã bắt đầu vào các hệ thống siêu thị mua trái cây và rau quả trong nước vì lo ngại sẽ mua phải trái cây nhập lậu từ Trung Quốc. Có một thực tế đang diễn ra mà ít ai biết, nhiều loại rau củ Trung Quốc được chuyển lên Đà Lạt đóng gói rồi dán nhãn của Việt Nam và được phân bổ đến nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Hiện nay, một lượng lớn người tiêu dùng thu nhập thấp ở Việt Nam vẫn sử dụng, khiến cho loại trái cây này vẫn còn đường vào Việt Nam. Nếu đời sống người tiêu dùng cao hơn, có lẽ trái cây Trung Quốc sẽ không còn được ưa chuộng nữa, ông Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam cho biết.

Rau quả Việt Nam bắt đầu chê thị trường Trung Quốc

Thị phần xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2010

Ở chiều ngược lại, trong khi người tiêu dùng trong nước đang lo ngại về chất lượng trái cây Trung Quốc thì một lượng lớn trái cây chất lượng tốt của Việt Nam lại đang xuất sang Trung Quốc.

Trung Quốc vẫn đang là thị trường chính của trái cây Việt Nam, chiếm đến 50% tổng sản lượng trái cây xuất khẩu, trong đó trái cây tươi chiếm tới 80%. Cụ thể, năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam đạt trên 450 triệu USD thì riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm đến 235 triệu USD. Tiếp đến là các thị trường Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc, thị trường châu Âu và Mỹ rất ít.

Sở dĩ trái cây Việt Nam xuất nhiều sang Trung Quốc là do nhu cầu thị trường này lớn, lại gần về địa lý nên dễ vận chuyển, tiêu chuẩn chất lượng thấp hơn so với các thị trường khác trong khu vực và các nước châu Âu, Mỹ.

Thêm một lý do nữa là trái cây Việt Nam chưa có những vùng trồng theo tiêu chuẩn nên rất khó vào được những thị trường lớn như châu Âu, Mỹ. Đây chính là nguyên nhân khiến cho trái cây rau củ Việt Nam vẫn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian qua.

Tuy nhiên, khi các hợp tác xã tham gia trồng theo tiêu chuẩn của những thị trường khó tính thì Trung Quốc sẽ không còn là một lợi thế. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trong nước đang tập trung trồng trái cây theo tiêu chuẩn Global GAP hoặc Việt GAP để xuất khẩu sang các thị trường có giá trị cao hơn như châu Âu, Mỹ. Với mức giá nhập khẩu thấp, thị trường Trung Quốc sẽ không còn nhiều sức hút.

Theo một cơ sở thu mua thanh long xuất khẩu tại TP.HCM đang xuất 70% sản lượng thanh long của cơ sở sang Trung Quốc thì mức giá bán sang thị trường này thấp hơn Thái Lan từ 2000-3.000 đồng/kg và thấp hơn thị trường châu Âu đến 1,5 lần. Chính vì vậy, sắp tới đây cơ sở này sẽ không chỉ xuất sản phẩm sang Trung Quốc mà mở rộng hơn sang châu Âu để hưởng giá trị gia tăng cao hơn.

Nhu cầu nhập khẩu trái cây của các thị trường Mỹ, châu Âu ngày một tăng. Hợp tác xã Bưởi năm roi Mỹ Hòa, Vĩnh Long đã xuất khẩu được 25 tấn vào châu Âu với tiêu chuẩn Global GAP trong tháng 3 vừa qua mặc dù không phải là chính vụ. Tuy khách hàng vẫn có nhu cầu nhưng Hợp tác xã chỉ xuất thêm được một container nữa vì diện tích trồng theo tiêu chuẩn chất lượng của hợp tác xã mới chỉ có 24 ha.

Ông Đặng Văn Rô, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Ba Rô cho biết, trước đây công ty của ông thường xuất khẩu 1-3 tấn bưởi sang thị trường Trung Quốc với mức giá chỉ cao hơn 1/3, hoặc 1/5 so với giá bán trong nước. Tuy không đòi hỏi tiêu chuẩn Global GAP nhưng trong 100 trái khách hàng chỉ mua 25-30 trái đẹp nhất. Những trái còn lại bán cho thị trường trong nước lại không được giá cao. Chính vì vậy, trong thời gian tới công ty bán hết 5 tấn thu hoạch được cho thị trường trong nước. “Mức giá không thấp hơn bao nhiêu nhưng không phải mất nhiều thời gian và giá bán đồng đều”, ông Rô cho biết.

Thêm một lý do nữa, sau khi thuế xuất khẩu trái cây của Thái Lan với Trung Quốc giảm xuống 0%, sẽ có một lượng lớn trái cây Thái Lan được nhập vào Trung Quốc khiến lượng trái cây Việt Nam xuất sang thị trường này sẽ giảm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trái cây xuất khẩu: Thị trường Trung Quốc đang thất thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO