TP.HCM: Giải đáp thắc mắc về lao động, tiền lương cho doanh nghiệp

VÂN THẢO| 26/05/2016 05:27

Buổi đối thoại giữa DN TP.HCM và Chính quyền Thành phố nhằm giải đáp thắc mắc của các DN trong lĩnh vực lao động, tiền lương, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, chính sách lao động, dạy nghề, an toàn lao động...

TP.HCM: Giải đáp thắc mắc về lao động, tiền lương cho doanh nghiệp

Sáng 26/5, tại TP.HCM, Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố tổ chức hội nghị “Đối thoại giữa Doanh nghiệp và Chính quyền Thành phố”.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Xuân Lâm – Phó giám đốc ITPC cho biết, buổi đối thoại nhằm giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) về lĩnh vực lao động, tiền lương, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, chính sách lao động, dạy nghề, an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Một trong những vấn đề được đông đảo DN quan tâm tại sự kiện là quy định cách tính tiền lương, phụ cấp làm thêm giờ và chính sách trợ cấp thôi việc cho người lao động. Cụ thể, trước thắc mắc của DN về quy định tiền lương làm thêm trong các ngày lễ, Tết được tính theo ngày hay theo tháng, ông Nguyễn Bảo Cường - Phó trưởng phòng lao động tiền lương, tiền công (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) cho biết, không có sự khác biệt giữa hai cách tính này và người lao động sẽ hưởng theo mức 400% (100% ngày làm + 300% ngày làm thêm giờ).

Bên cạnh đó, liên quan về cách tính phụ cấp, ông Cường nêu rõ, mức phụ cấp không được vượt quá mức lương ghi trên hợp đồng lao động (HĐLĐ), vì vậy DN cần quan tâm vấn đề này trong quá trình xây dựng bảng lương cho người lao động.

Đối với người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho hay, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, tuy nhiên trong trường hợp chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, người lao động sẽ không được trợ cấp thôi việc, phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo HĐLĐ và hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động. Nếu người lao động vi phạm về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một tháng tiền lương tương ứng.

Ngoài ra, đối với người lao động ký hết HĐLĐ với DN trước 31/12/2008, sẽ được tính trợ cấp thôi việc trong khoảng thời gian này; từ 1/1/2009 cho đến thời điểm nghỉ việc, người lao động sẽ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp (hoặc lương hưu đối với người lao động nghỉ hưu). Riêng với lao động nữ nghỉ thai sản trước 1/1/2009, thời gian nghỉ đó sẽ không được tính vào trợ cấp thôi việc.

Trả lời thắc mắc của Công ty TNHH Tư vấn quản lý chuyên nghiệp Aureole về việc cử lao động nữ có con nhỏ 3 tháng tuổi đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài, ông Nguyễn Tất Năm - Trưởng phòng lao động tiền lương, tiền công (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) nhấn mạnh, theo quy định của pháp luật, trẻ em dưới 12 tháng tuổi phải được sống chung với cha mẹ; do đó hành động cử nhân viên nữ đi tập huấn (dù đó là nguyện vọng của họ) cũng được xem là hành động "cách ly" đứa trẻ khỏi mẹ, vi phạm quyền của trẻ em. Vì vậy, DN không được bố trí cho người lao động đi công tác xa nếu họ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Bên cạnh các vấn đề liên quan người lao động Việt Nam, nhiều DN nêu thắc mắc về quy định lao động đối với người nước ngoài. Cụ thể, DN nêu thắc mắc, trường hợp người lao động nước ngoài làm việc liên tục lại DN và ký kết nhiều HĐLĐ với DN có vi phạm pháp luật không? Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh - Phó trưởng phòng Việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) khẳng định DN đang làm đúng với quy định pháp luật.

Bà Ánh giải thích, thời hạn ký hợp đồng lao động với người nước ngoài tối đa là 2 năm; do đó, khi ký HĐLĐ, DN chỉ cam kết trong hợp đồng tương ứng với thời gian không quá 2 năm. Dù DN có người lao động nước ngoài làm việc trong thời gian dài thì vẫn phải ký theo đúng thời hạn. Ví dụ nếu người lao động nước ngoài làm 6 năm thì DN phải ký 3 hợp đồng, tương ứng mỗi hợp đồng 2 năm.

Trước thắc mắc của DN liên quan đến việc cấp giấy phép lao động cho các chuyên gia là người nước ngoài, bà Trần Lệ Thanh Trúc - Phó trưởng phòng Việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) cho biết, theo quy định, từ ngày 1/4/2016, ngoài văn bản xác nhận là chuyên gia của các cơ quan, tổ chức, DN tại nước ngoài, người lao động phải có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người đó dự kiến làm việc tại Việt Nam.

>7 quy định mới về tiền lương và BHXH có hiệu lực từ 1/1/2016

>Điều kiện cấp phép cho lao động nước ngoài từ 1/4/2016

>Chế độ bảo hiểm cho người lao động nước ngoài

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM: Giải đáp thắc mắc về lao động, tiền lương cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO