Tìm vốn trên sàn ngoại

25/04/2011 00:15

Trong nỗ lực xoay xở tìm vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp (DN) đã tính đến phương án niêm yết cổ phiếu trên sàn ngoại bằng con đường gián tiếp...

Tìm vốn trên sàn ngoại

Trong nỗ lực xoay xở tìm vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp (DN) đã tính đến phương án niêm yết cổ phiếu trên sàn ngoại bằng con đường gián tiếp...

Ông Võ Trường Sơn (thứ tư, từ phải qua) nhận kỷ niệm chương từ đại diện Sở Giao dịch chứng khoán London (LSE) nhân sự kiện niêm yết GDRs của HAG tại LSE Ảnh: CTV

Ông Trần Lệ Nguyên - Tổng giám đốc Công ty CP Kinh Đô (KDC) - cho biết nếu không có “sự cố” gì đặc biệt, cổ phiếu KDC sẽ được niêm yết tại một thị trường chứng khoán (TTCK) nước ngoài ngay trong năm nay.

Lên sàn ngoại...

Bên lề đại hội đồng cổ đông ngày 23/4, sau khi phương án phát hành riêng lẻ 20 triệu cổ phiếu được cổ đông thông qua, ông Nguyên cho biết đã tìm được nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài mua toàn bộ số cổ phiếu này.

Và theo như thỏa thuận giữa hai bên, NĐT nước ngoài sẽ sử dụng số cổ phiếu này để phát hành chứng chỉ lưu ký toàn cầu (GDRs), sau đó niêm yết tại một TTCK nước ngoài. Vẫn còn nhiều thủ tục phải hoàn tất, nhưng ông Nguyên kỳ vọng phương án này sẽ nhận được sự ủng hộ của các cơ quan.

Theo ông Nguyên, KDC đang có kế hoạch mở rộng sản xuất và phát triển nhiều sản phẩm mới thuộc lĩnh vực thực phẩm. Nhưng huy động một khối lượng vốn khá lớn trong nước vào thời điểm hiện nay là hết sức khó khăn, chưa kể nguồn vốn tín dụng có lãi suất quá cao mà chưa chắc vay được. Do đó việc phát hành dưới hình thức GDRs, trên cơ sở DN đáp ứng được các điều kiện, được xem là giải pháp hiệu quả nhất để có đủ vốn phục vụ những kế hoạch dài hạn của KDC.

Tuy nhiên, ý tưởng về việc tiếp cận thị trường vốn quốc tế thông qua hình thức GDRs, theo ông Nguyên, xuất phát từ sự kiện GDRs của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán London (LSE) cuối tháng 3/2011.

Trước đó, sau hơn hai năm chuẩn bị, hơn 24 triệu GDRs của HAG được niêm yết tại LSE vào ngày 23/3. Số lượng GDRs này được phát hành dựa trên số lượng 16,2 triệu cổ phiếu mà HAG đã phát hành riêng lẻ cho Deutsche Bank Trust Company Americas vào ngày 17/12/2010 (với giá 72.000 đồng/cổ phiếu) và hơn 8 triệu cổ phiếu thưởng.

Trên thực tế, ngoài KDC đang trong thời gian chờ hoàn tất các thủ tục cuối cùng, một số DN khác cũng đang tính đến phương án này, Công ty CP bất động sản Phát Đạt (PDR) là một ví dụ. Theo phương án phát hành tăng vốn đã được cổ đông thông qua, PDR dự kiến chào bán riêng lẻ 18 triệu cổ phiếu cho NĐT nước ngoài được lựa chọn theo tiêu chí thực hiện phát hành DRs và niêm yết ở TTCK nước ngoài.

Bước tập dượt ban đầu...

Chứng chỉ lưu ký là gì?

Chứng chỉ lưu ký (depositary receips - DRs) gồm ADRs, GDRs và Euro DRs, là một loại giấy tờ có giá được phát hành bởi một số ngân hàng lưu ký quốc tế (như BNY Mellon, Deutsche Bank, Citibank hoặc JP Morgan Bank), chứng nhận quyền sở hữu đối với các cổ phiếu phổ thông cơ sở ở thị trường nước ngoài.

Theo đó, một DN phát hành cổ phiếu cơ sở tại VN cho một NĐT nước ngoài và trên cơ sở số cổ phiếu này, ngân hàng lưu ký sẽ phát hành những DRs theo một quy trình có sự tham gia của nhiều đối tượng, gồm tổ chức phát hành, ngân hàng đầu tư, ngân hàng lưu ký...

Hoạt động niêm yết và giao dịch các DRs này hoàn toàn độc lập với các cổ phiếu cơ sở do DN phát hành trong nước.

(Nguồn: Công ty Chứng khoán Sài Gòn - SSI).

Theo ông Trần Lệ Nguyên, có khá nhiều DN trong nước từng ấp ủ kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên TTCK nước ngoài nhưng đều thất bại do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do vậy, việc chọn phương án phát hành dưới hình thức GDRs là giải pháp giúp DN huy động được vốn, đồng thời tập dượt cho kế hoạch chính thức niêm yết cổ phiếu trong tương lai.

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán cũng cho rằng nhu cầu huy động vốn cho sản xuất kinh doanh của các DN rất lớn, nhưng quy mô TTCK VN lại quá nhỏ và thanh khoản kém, không đủ sức thu hút và lôi kéo những NĐT nước ngoài là các quỹ đầu tư lớn, có quy mô vốn lên tới hàng chục tỉ USD.

Ngoài ra, VN vẫn còn thiếu khung pháp lý cho việc niêm yết cổ phiếu trên TTCK nước ngoài hay sự khác biệt trong các quy định (như báo cáo tài chính, kiểm toán...) giữa mỗi thị trường, chưa kể phải đáp ứng các điều kiện khắt khe về minh bạch thông tin cũng là những rào cản rất lớn.

“Nhưng thay vì chờ đợi để được niêm yết cổ phiếu trực tiếp ở TTCK nước ngoài, các DN VN vẫn có thể tiếp cận được thị trường vốn quốc tế nếu chọn phương án niêm yết một sản phẩm phái sinh, như GDRs chẳng hạn...” - vị tổng giám đốc này nói.

Theo một số chuyên gia, do GDRs chỉ là một sản phẩm phái sinh, việc mua bán sản phẩm này tại các TTCK nước ngoài không ảnh hưởng trực tiếp đến các cổ phiếu cơ sở (cổ phiếu phổ thông do DN phát hành) cũng như quyền lợi của các NĐT (tiêu cực lẫn tích cực).

Tuy nhiên, việc phát hành dưới hình thức GDRs và niêm yết trên các thị trường uy tín như chứng khoán London (Anh), chứng khoán Mỹ... sẽ góp phần quảng bá hình ảnh của DN cho NĐT nước ngoài, chưa kể uy tín của DN đối với NĐT trong nước cũng được nâng tầm.

“Một khi thông tin về DN được nhiều NĐT nước ngoài biết đến, DN sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong các đợt phát hành huy động vốn trong tương lai, có thể thu hút thêm nhiều NĐT nước ngoài quan tâm và có thông tin nhất định về DN...” - một chuyên gia nói. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng không phải DN nào cũng có thể phát hành dưới hình thức GDRs, điều này còn phụ thuộc thực lực của DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm vốn trên sàn ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO