Tìm hướng đi mới cho Đồng bằng Sông Cửu Long

H.THU| 08/09/2010 08:38

Ký kết 11 dự án với tổng vốn đầu tư trên 17.693 tỷ đồng.

Tìm hướng đi mới cho Đồng bằng Sông Cửu Long

Ký kết 11 dự án với tổng vốn đầu tư trên 17.693 tỷ đồng.

Hội nghị Đầu tư và Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra tại thành phố Cần Thơ ngày 6/9, với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và hơn 700 đại biểu.

Đại lộ Hòa Bình, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ - Ảnh: Quý Hòa

Hiện toàn vùng có khoảng 12.700 doanh nghiệp (DN) trong nước đang hoạt động. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 20/8, ĐBSCL có 524 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, vốn đăng ký trên 8,43 tỷ USD. Tuy nhiên, quy mô dự án đa phần là nhỏ, công nghệ trung bình, vốn thấp, còn dự án quy mô lớn, vốn lớn lại chậm triển khai.

Theo các chuyên gia kinh tế, ĐBSCL có nhiều tiềm năng về phát triển nông - thủy sản, nên nhiều địa phương khi lập dự án mời đầu tư đều có quy mô, xuất phát điểm gần giống nhau. Do vậy, không phát huy được lợi thế của từng tiểu vùng và xu hướng mạnh ai nấy làm đã trở thành lực cản cho sự phát triển chung.

Vùng ĐBSCL hiện chiếm hơn 20% thị phần bán lẻ cả nước, nhưng tại đây, các tổng công ty, nhà đầu tư nước ngoài lại chiếm ưu thế hơn.
Với lợi thế về nông sản, hai mặt hàng chủ lực (thủy sản, lúa gạo) đều có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm/mặt hàng. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông thủy, bộ chưa kết nối liên thông, DN phải trả thêm 7-10 USD/tấn hàng hóa vì phải vận chuyển qua cảng TP.HCM... vì tàu tải trọng trên 10.000 tấn không thể ra vào luồng Định An.

Do vậy, hạ tầng là vấn đề mà ĐBSCL phải giải quyết sớm. Theo định hướng phát triển, giai đoạn sau năm 2015, vùng ĐBSCL sẽ khởi động nhiều dự án lớn như: dự án tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, hoàn thành tuyến đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, tuyến đường Hồ Chí Minh nối dài đến Đất Mũi, sân bay quốc tế Phú Quốc...

Mục tiêu đến năm 2020, dự kiến ĐBSCL sẽ có cảng biển lớn ngoài khu vực sông Hậu (tỉnh Trà Vinh) để tiếp nhận tàu 60.000 tấn. Cụm cảng đầu mối toàn vùng có trung tâm đặt tại thành phố Cần Thơ, dự kiến công suất đạt 12-15 triệu tấn/năm, cảng Cái Cui có thể tiếp nhận tàu 20.000 tấn...

Bên cạnh đó, Trung tâm Điện lực Ô Môn gồm 5 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất khoảng 3.500MW sẽ hoàn thành, vận hành trước năm 2015 và tiếp nhận nguồn khí từ Lô B để cung cấp điện cho toàn vùng ĐBSCL. Dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn có tổng chiều dài gần 400 km, trong đó phần trên biển khoảng 246 km, phần trên bờ 152 km, đi qua địa phận thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

Ông Hank Tomlinson, Chủ tịch Công ty TNHH Chevron Việt Nam, nói: “Trong tổng số hơn 2 tỷ USD vốn đầu tư vào ĐBSCL, Chevron quan tâm nhất đến thành phố Cần Thơ, một đô thị trung tâm. Bởi dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, điểm tiếp nhận khí là nhà máy nhiệt điện Ô Môn. Với vòng đời hơn 20 năm, dự án sẽ tạo nền tảng cho các tỉnh ĐBSCL thu hút đầu tư”.

Tại hội nghị, các tỉnh thành ĐBSCL đã ký kết 11 dự án với các nhà đầu tư trên những lĩnh vực như: phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, du lịch, khu dân cư, khu công nghiệp, thương mại - dịch vụ, chế biến thủy sản, phát triển nguồn nhân lực... với tổng vốn đầu tư trên 17.693 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm hướng đi mới cho Đồng bằng Sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO