Tháng Khuyến mãi, giá vẫn tăng

20/09/2011 06:42

Ngay trong Tháng Khuyến mãi nhưng tại thị trường TPHCM, nhiều mặt hàng như sữa, đồ hộp, thực phẩm chế biến, thực phẩm đông lạnh, bánh kẹo nhập khẩu… vẫn tăng giá 7% - 15%. Điều đáng lo ngại nữa là nhiều doanh nghiệp (DN) đang rục rịch kế hoạch tăng giá thêm trong tháng 10 tới.

Tháng Khuyến mãi, giá vẫn tăng

Ngay trong Tháng Khuyến mãi nhưng tại thị trường TPHCM, nhiều mặt hàng như sữa, đồ hộp, thực phẩm chế biến, thực phẩm đông lạnh, bánh kẹo nhập khẩu… vẫn tăng giá 7% - 15%. Điều đáng lo ngại nữa là nhiều doanh nghiệp (DN) đang rục rịch kế hoạch tăng giá thêm trong tháng 10 tới.

>> Mua hàng khuyến mãi: Có tiền đi trễ cũng về không
>> Trung tâm mua sắm tung hàng khuyến mãi sớm
>> Bung hàng tháng khuyến mãi
>> 700 doanh nghiệp tham gia Tháng khuyến mãi

“Đại gia” tăng trước

Nước giải khát đã tăng giá từ cả tháng nay và có thể sẽ tăng tiếp trong tháng 10 tới. Ảnh: XUÂN THẢO

Tăng “nóng” và được chú ý nhiều nhất hiện nay là các mặt hàng sữa. Ngoài một số loại sữa của nhãn hàng Dutch Lady, Dumex… đã chính thức tăng giá từ 5.400 đến 81.000 đồng/hộp, một số hãng sữa khác cũng đã thông báo sẽ điều chỉnh giá sữa trong thời gian tới.

Nguyên nhân các hãng sữa đưa ra để hợp thức hóa việc tăng giá trong điều kiện giá sữa nguyên liệu giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái là do giá thành sản xuất tăng (trong đó có nhân công, bao bì, vận chuyển tăng) nên phải tăng giá để bù đắp chi phí.

Giám đốc một hệ thống siêu thị tại TP.HCM cho biết cùng với sữa bột, một số nhãn hiệu lớn trong ngành thực phẩm, đồ uống cũng đã điều chỉnh giá. Hai tuần trước, bia Heineken đã tăng 30.000 đồng/thùng, đẩy giá bán lẻ trên thị trường lên 375.000 đồng/thùng. Công ty Dầu thực vật Cái Lân tăng giá một số mặt hàng như dầu Neptune, Simply từ ngày 19/9.

Dự kiến sắp tới, công ty này cũng sẽ tăng giá dầu Mezan. Đầu tháng 9, một số công ty thực phẩm cũng đã tăng giá hàng loạt sản phẩm. Chẳng hạn: Công ty Thủy đặc sản Seaspimex tăng giá 7% - 10% đối với các mặt hàng cá hộp, xúc xích heo, thực phẩm công nghệ làm từ thịt bò. Một số công ty nhập khẩu bánh kẹo, nước giải khát, công ty sản xuất nước chấm – gia vị… cũng đã thông báo miệng là sẽ có giá mới nhưng chưa đưa ra mức tăng cụ thể.

Từ ngày 15/9, hai DN tham gia bình ổn giá là Tập đoàn Phú Cường (không nhận vốn từ chương trình) và Saigon Co.op cũng đã tăng giá 3.000 – 5.000 đồng/gói (250 g và 500 g) đối với mặt hàng cá basa phi lê đông lạnh, cá basa cắt khúc đông lạnh, cá basa cắt miếng đông lạnh...

Siêu thị cũng bắt đầu tăng giá

Tại các siêu thị lớn, diễn biến tăng giá có phần chậm hơn. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết: Hiện mặt hàng sữa bột Cô gái Hà Lan bán tại siêu thị tăng 3% - 8%, riêng sữa Friso tăng 15%. Hàng nhập khẩu như dầu ôliu, xốt mayonnaise (nhập khẩu từ châu Âu) tăng khoảng 3% - 5%, mì Hàn Quốc tăng 10% - 15%... do không thể đàm phán giá với nhà cung cấp, còn các mặt hàng khác vẫn chưa tăng giá.

Lý giải nguyên nhân tăng giá ngay trong Tháng Khuyến mãi của TP.HCM, những DN trên cho rằng do ảnh hưởng của tỉ giá, nguyên liệu ngoại nhập và chi phí sản xuất tăng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng giá này chủ yếu do sức ép lợi nhuận trong những tháng cuối năm.

Theo các siêu thị, thông thường, mọi năm khoảng tháng 11, tháng 12, các DN sẽ có đợt điều chỉnh giá để bán Tết. Năm nay, Tết đến sớm hơn nên có thể trong tháng 10, các DN sẽ lần lượt thông báo giá mới.

Ảnh hưởng sức mua chung

Ông Đỗ Hùng Anh Tuấn, Phó Phòng Xuất nhập khẩu – Xúc tiến Công Thương (Sở Công Thương TPHCM), cho biết việc tăng giá ngay trong Tháng Khuyến mãi chắc chắn có ảnh hưởng đến sức mua chung. Tăng giá là quyền của DN, tuy nhiên, hiện các mặt hàng trong nhóm bình ổn giá đều không tăng, thậm chí thịt heo, thịt gà bình ổn giá vừa giảm sẽ tạo đối trọng để DN xem xét, tính toán lại trước khi quyết định tăng giá.

Bà Lê Thanh Lâm, Phó Giám đốc Công ty CP Saigon Food, cho biết công ty đang tính toán lại chi phí sản xuất để khoảng giữa tháng 10 áp dụng giá mới đối với hơn 40 mặt hàng thủy hải sản chế biến. Dự kiến, mức tăng tối thiểu là 5%. “Mặc dù thực hiện các giải pháp như liên kết với nhà cung cấp để giữ giá, dự trữ nguyên liệu nhưng do nguyên liệu nông sản biến động liên tục, không chỉ Saigon Food mà các DN sản xuất thủy hải sản khác bắt buộc phải tăng giá”- bà Lê Thanh Lâm giải thích.

Một nguyên nhân khác khiến các DN chọn thời điểm tháng 9, tháng 10 để tăng giá là theo quy luật hằng năm, trước Tết khoảng 2-3 tháng là DN tăng giá để… đón đầu. “Với hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, đồ uống, hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng hằng ngày, DN chấp nhận giảm doanh thu trong 1 - 2 tháng đầu tăng giá nhưng sau đó người tiêu dùng sẽ chấp nhận mặt bằng giá mới và… không thể không mua sắm” – giám đốc một DN ngành thực phẩm tiết lộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tháng Khuyến mãi, giá vẫn tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO