Tập trung cải cách luật và phát triển cơ sở hạ tầng

06/06/2009 00:38

Xây dựng luật và các văn bản dưới luật, tiếp tục thực thi luật pháp và cải cách hành chính, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng là những ý kiến mà các đại biểu kiến nghị tại hội nghị Các nhà tài trợ cho Việt Nam vừa khai mạc sáng 8/6/2009 tại Buôn Ma Thuột, Dak Lak. SGTT lược ghi những ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp ở hội nghị này.

Tập trung cải cách luật và phát triển cơ sở hạ tầng

Xây dựng luật và các văn bản dưới luật, tiếp tục thực thi luật pháp và cải cách hành chính, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng là những ý kiến mà các đại biểu kiến nghị tại hội nghị Các nhà tài trợ cho Việt Nam vừa khai mạc sáng nay (8.6.2009) tại Buôn Ma Thuột, Dak Lak. SGTT lược ghi những ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp ở hội nghị này.

Sớm hoàn thiện các văn bản dưới luật

Sự bất cập của hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần phát triển chưa tương xứng vẫn là một nút cổ chai đối với hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.

Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành một số luật và nghị định quan trọng, nhưng nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết chưa được ban hành. Điều này dẫn đến nhiều cách diễn giải và thực hiện luật khác nhau. Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều trở ngại trong việc thực thi luật Doanh nghiệp và luật Đầu tư, cam kết WTO, các luật mới về thuế, và nghị định về hoạt động ngoại hối, mặc dù những văn bản này đã được ban hành vài năm trước đây.

Cụ thể, luật không quy định chi tiết khái niệm “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” đã dẫn đến nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị coi là có vốn đầu tư nước ngoài, mặc dù chỉ có một tỷ lệ cổ phần rất nhỏ do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ. Theo đó, những công ty như Phở 24 hay Kinh Đô sẽ bị phân loại là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, và như vậy về mặt lý thuyết họ sẽ phải chịu những hạn chế như nhà đầu tư nước ngoài trong việc phát triển hệ thống cửa hàng của mình ở Việt Nam.

Ngoài ra, trong bối cảnh suy giảm kinh tế như hiện nay, những luật và quy định có liên quan như luật Phá sản cần phải sửa đổi để có thể thực thi được. Một bộ luật phá sản hiệu quả sẽ làm tăng khả năng hỗ trợ tái cơ cấu các công ty có thể hoạt động trở lại và giải thể những công ty yếu kém nhằm tái phân bổ và sử dụng các nguồn tài sản và nhân lực hiệu quả hơn.

Doanh nghiệp cũng cho rằng, quá trình phê duyệt thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn còn cồng kềnh: nghĩa vụ của nhà đầu tư trong việc tiếp cận lần lượt các cơ quan nhà nước khiến cho quá trình xin giấy phép chậm trễ và tốn kém thời gian. Đặc biệt, thủ tục giấy tờ xin thành lập doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực “có điều kiện” là quá mức cần thiết và phải đi qua quá trình phê duyệt rắc rối.

Một số điều kiện cấp phép không thực tế, ví dụ yêu cầu cung cấp dự thảo quy hoạch tổng thể mặt bằng và thiết kế sơ bộ đối với hồ sơ xin thành lập trường đại học, hoặc không hợp lý như việc đòi hỏi phải xuất trình hợp đồng cho thuê mặt bằng, bản sao có công chứng của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chủ mặt bằng, và vô số văn bản khác để xin mở một cửa hàng bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài.

Đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng…

Sự bất cập của hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần phát triển chưa tương xứng vẫn là một nút cổ chai đối với hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Mặc dù đã có sự đầu tư khá lớn của chính phủ từ nguồn vốn ngân sách và vốn ODA, hiện vẫn còn nhiều bất cập và chậm trễ trong phát triển các công trình hạ tầng quan trọng, đặc biệt là điện năng và công trình giao thông kết nối các cảng biển chiến lược với các khu công nghiệp và thành phố. Việc thiếu hụt nguồn điện ổn định tại các khu công nghiệp và tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng – đặc biệt tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – chỉ là 2 trong nhiều ví dụ cho thấy nhu cầu cấp bách trong việc nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng.

Diễn đàn cũng thảo luận các vấn đề của những ngành chịu tác động nặng nề của suy thoái toàn cầu, như du lịch, khai thác khoáng sản, ngân hàng & thị trường vốn. Để Việt nam có thể định vị mình như một điểm đến của du lịch toàn cầu, các doanh nghiệp kêu gọi Chính phủ hành động ngay trong 2 lĩnh vực có thể đem lại hiệu quả tức thời: đơn giản hóa quy trình cấp thị thực ngay tại cửa khẩu, và tăng cường quảng bá, tiếp thị Việt Nam như một điểm đến của du lịch và đầu tư.

Một vấn đề nữa là việc phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam hiện nay chưa đồng bộ, thiếu sự tích hợp và kết nối giữa các hệ thống đường bộ, đường không, đường sắt và đường biển. Kết quả là nhiều công trình xây dựng xong nhưng bị chậm đưa vào sử dụng vì thiếu các công trình kết nối.

Sự tham gia của khu vực tư nhân trong phát triển cơ sở hạ tầng là rất quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực điện năng và xây dựng cảng biển. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm như hiện nay, các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn để có thể thu hút được nguồn vốn tư nhân này.

Các doanh nghiệp vì vậy hối thúc chính phủ thiết lập quy trình thực hiện dự án nhanh chóng hơn và cải thiện các ưu đãi, cũng như xây dựng một hệ thống quản lý và mua sắm công hiệu quả và minh bạch nhằm nâng cao hiệu quả và ngăn chặn các cơ hội tham nhũng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tập trung cải cách luật và phát triển cơ sở hạ tầng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO