Quốc hội phải đổi mới hơn nữa

25/03/2011 08:04

Trong buổi thảo luận tổ để tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội, sáng 24/3 nhiều đại biểu đã mong muốn Quốc hội khóa mới sẽ có những đổi mới mạnh mẽ hơn...

Quốc hội phải đổi mới hơn nữa

Trong buổi thảo luận tổ để tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội, sáng 24/3 nhiều đại biểu đã mong muốn Quốc hội khóa mới sẽ có những đổi mới mạnh mẽ hơn...

Tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XII - Ảnh: VIỆT DŨNG

Ngoài số lượng 60 đạo luật, pháp lệnh được thông qua trong nhiệm kỳ qua, nhiều đại biểu cho rằng dấu ấn đậm nét mà Quốc hội khóa XII để lại là những phiên chất vấn sôi động, là hoạt động điều trần đang được thí điểm ở Hội đồng Dân tộc và các ủy ban.

Ngoài những cái được, điều làm các đại biểu Quốc hội (QH) băn khoăn nhất là nhiều nghị quyết của QH không được thực hiện triệt để, trong khi các nội dung trong nghị quyết của QH là những “chỉ tiêu pháp lệnh”. Điển hình là các nghị quyết về kinh tế - xã hội mà QH ban hành hằng năm. “QH quyết chỉ tiêu bội chi, quyết ngân sách, quyết chỉ số lạm phát..., nhưng nhiều năm không thực hiện được. Vì vậy không ít nội dung QH quyết chỉ mang tính hình thức. Điều này cho thấy QH phải quyết liệt hơn nữa” - TS Đặng Văn Khanh, Viện trưởng Viện KSND Hà Nội, phân tích.

Bà Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) đề nghị: “Cần đánh giá hiệu quả các quyết định của QH, xem chất lượng từng nội dung quyết định như thế nào, đi vào cuộc sống ra sao, có được nghiêm túc thực hiện hay không”.

"Đề nghị QH khóa mới nên kiến nghị với Ban Chấp hành Trung ương Đảng để mở ra cơ chế rõ ràng trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia: QH quyết vấn đề gì, còn lại Đảng quyết vấn đề gì?"

Đại biểu Võ Tuấn Nhân

Về công tác giám sát, ông Võ Tuấn Nhân - Phó trưởng đoàn đại biểu QH Quảng Ngãi - nêu thực tế nhiệm kỳ qua, QH có giám sát được nhiều việc nhưng sau giám sát không có tác dụng gì nhiều. “Đoàn đại biểu QH Quảng Ngãi có đi giám sát, có chỉ ra cái sai, chính quyền có chấp nhận. Nhưng lãnh đạo chính quyền nào tâm huyết với dân thì sửa, còn anh nào không thì cũng không có chế tài gì”.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nói về tâm trạng của nhiều đại biểu: “Đại biểu QH đang rất thiếu thông tin, thiếu bộ máy, thiếu cơ chế. Đại biểu QH không có thư ký, bộ máy giúp việc Hội đồng Dân tộc và các ủy ban thì quá mỏng. Do đó QH chưa bao giờ làm hết nhiệm vụ, chức năng của mình. Bộ, ngành của Chính phủ có bộ máy đồ sộ như vậy, trong khi Ủy ban Tư pháp của chúng tôi giám sát Bộ Công an, Bộ Tư pháp, TAND tối cao, Viện KSND tối cao mà bộ máy chỉ có 28 người, mỗi năm tiếp nhận khoảng 10.000 đơn thư”.

Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), vai trò quan trọng của đại biểu QH là được tự đi giám sát. Nhưng cơ chế hiện nay rất khó thực hiện. “Tổ chức thế nào, đi ra sao, quy trình tiến hành rồi bộ máy giúp việc... đều chưa rõ và bất cập”.

Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh:

Xây dựng Quốc hội mạnh theo đúng hiến pháp

Kể từ khóa đầu tiên đến nay, Quốc hội (QH) nước ta đã có bước tiến dài. Đơn cử với hoạt động chất vấn tại QH, chúng ta bắt đầu tiến hành từ năm 1995, đến nay đã dành khoảng ba ngày tại mỗi kỳ họp để chất vấn và trả lời chất vấn rất thẳng thắn, đồng thời truyền hình trực tiếp đến tất cả cử tri. Đây là đổi mới rất lớn mà không phải nước nào cũng thực hiện được.

Nhiều năm trước đây, khi đại biểu đăng đàn thường phải chuẩn bị trước bài phát biểu, có sự tham gia của bộ phận giúp việc rồi lên bục đọc tham luận chứ không phải đứng tại chỗ phát biểu như hiện nay. Rõ ràng QH hoạt động ngày càng dân chủ hơn, thực chất hơn, hiệu quả hơn.

Điều quan trọng trong thời gian tới là phát huy những kết quả đó như thế nào cũng như khắc phục yếu kém ra sao? Đặt ra câu hỏi này, trước hết cần trở lại phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Hai điểm Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ thể hiện vai trò của QH rất rõ, phải chứng tỏ được QH là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên diễn đàn QH, ở đây không ai có thể thay thế được QH.

Nhưng quyền lực của chúng ta là thống nhất và không có tam quyền phân lập, Đảng lãnh đạo và có sự phân công, phối hợp một cách rành mạch để thực hiện các quyền đó. Như vậy phải xây dựng QH đủ mạnh theo đúng hiến pháp và luật quy định để thực hiện các chức năng của mình. QH mạnh nghĩa là QH làm tăng thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, chứ không phải của riêng QH. Cơ quan nào trong hệ thống nhà nước mạnh cũng đồng nghĩa với việc góp phần làm vai trò lãnh đạo của Đảng mạnh lên, không hề có mâu thuẫn ở đây.

Đảng ta là Đảng cầm quyền nên giữa Đảng và Nhà nước không có bên này bên kia, nhưng cần phải có cơ chế trong hiến pháp, trong luật quy định để đảm bảo đúng chức năng, để làm cho Đảng lãnh đạo toàn diện nhưng chỉ đưa ra chủ trương, đường lối, còn quyết định vấn đề cụ thể là QH, Chính phủ điều hành.

Với tư cách một đảng cầm quyền trong giai đoạn hiện nay, việc gì của Đảng, việc gì để cho QH, việc gì để Chính phủ điều hành, làm sao phát huy quyền quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân do Đảng lãnh đạo. Đây là vấn đề rất lớn về lý luận và thực tiễn, cần phải vừa làm vừa tổng kết, vừa rút kinh nghiệm vì mô hình này chưa có sẵn. Chất lượng QH được quyết định từ mỗi đại biểu, từ phương thức hoạt động của QH, từ đổi mới cách sinh hoạt của QH... Khi tổng kết nhiệm kỳ QH, nhìn vào các bài học, có lẽ vấn đề lớn nhất là tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của QH trên cả ba lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề lớn của đất nước, mà QH quyết định vấn đề lớn là phải đủ thông tin để quyết định.

Không để tập đoàn góp vốn lập công ty kiểm toán

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm góp ý cho dự luật kiểm toán

Ngày 24/3, thảo luận về Luật kiểm toán độc lập, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về số lượng giấy phép dự luật quy định và khả năng kết quả kiểm toán bị bóp méo...

Theo đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), dự luật kiểm toán độc lập giao quyền quản lý nhà nước hoạt động kiểm toán cho Bộ Tài chính là đúng nhưng quy định giao bộ này cả quyền kiểm tra các hiệp hội là không nên. Theo ông Thuyết, kiểm tra các hiệp hội là chức năng của Bộ Nội vụ. Ông Thuyết cho rằng dự luật cần quy định quyền cho các hiệp hội nghề kiểm toán được giám sát lại Bộ Tài chính để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) thì băn khoăn với việc nhiều tập đoàn, tổng công ty góp vốn thành lập công ty kiểm toán. “Nó sẽ kiểm toán các công ty con, cháu của tập đoàn vượt các quy định của pháp luật. Điều này có thể làm mù mờ các báo cáo kiểm toán”. Từ thực tế tư vấn cho doanh nghiệp, ông Lịch “thiết tha đề nghị Quốc hội nêu rõ hai phương án có nên cho doanh nghiệp góp vốn hay không để biểu quyết”. Ông Lịch lập luận kiểm toán ở VN chưa phát triển vì con người chưa đủ, chứ không phải thiếu vốn đến nỗi cần tập đoàn phải góp vốn.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước) nêu thực tế kiểm toán có quyền ngoại trừ những điểm không có đủ tư liệu để khẳng định độ tin cậy, nhưng đây đang là điểm bị kiểm toán không trung thực lợi dụng nhằm trốn tránh trách nhiệm. Doanh nghiệp kiểm toán cần doanh thu, trong khi doanh nghiệp bị kiểm toán lại được quyền tự chọn doanh nghiệp kiểm toán cho mình nên sự thỏa hiệp có thể làm vô hiệu hóa vai trò kiểm toán. Ông Kiêm đề nghị Bộ Tài chính phải có quy định chặt chẽ về điểm nào được ngoại trừ, quy định xong phải có kiểm tra, kiểm soát.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Thời (Thái Nguyên) đề nghị ban hành khung giá kiểm toán để tránh doanh nghiệp kiểm toán đua nhau giảm phí, giảm luôn cả chất lượng kiểm toán. “Dự luật quy định phải có năm kiểm toán viên mới được lập công ty kiểm toán, tôi đề nghị mạnh dạn nâng lên bảy kiểm toán viên mới được thành lập doanh nghiệp để tránh dễ dãi như công ty chứng khoán, nở rộ nhưng chất lượng không đảm bảo” - ông Thời nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cũng đồng tình với lo ngại các tập đoàn bỏ tiền ra liên danh lập công ty kiểm toán, ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán. “Thực tế đã có việc này, đó chính là trường hợp Vinashin” - ông Ninh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quốc hội phải đổi mới hơn nữa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO