“Phao cứu sinh” chưa phát huy tác dụng

06/08/2010 04:20

Nghị định 127/2008/NĐ-CP về bảo hiểm thất nghiệp đã chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2009, được xem là “phao cứu sinh” cho người lao động bị mất việc làm. Thế nhưng, hơn một năm bắt buộc tham gia bảo hiểm này, chiếc “phao cứu sinh” vẫn chưa phát huy tác dụng.…

“Phao cứu sinh” chưa phát huy tác dụng

Trên thực tế, nhiều người lao động vẫn chưa được tiếp cận được bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) bởi không ít doanh nghiệp vẫn tìm cách “lách luật”, trốn đóng phí bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Để trốn đóng khoản phí này, nhiều chủ doanh nghiệp (nhất là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động) chỉ ký hợp đồng thời vụ và ban hành quy định về việc ký hợp đồng cho lao động. Trong đó phần lớn lao động phổ thông sẽ ký hợp đồng theo trình tự: Hợp đồng lao động lần thứ nhất; Hợp đồng lao động xác định thời hạn lần 2; Hợp đồng lao động gia hạn (lần 2), rồi mới ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Với quy định như vậy, số lao động được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn là không nhiều. Theo Điều 27, Bộ luật Lao động quy định không được ký quá 2 lần hợp đồng xác định thời hạn. Tuy nhiên, Điều 33 Luật này lại cho phép trong quá trình thực hiện hợp đồng các bên có quyền thay đổi nội dung hợp đồng lao động (bao gồm cả thay đổi thời hạn hợp đồng). Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã vận dụng quy định này để gia hạn hợp đồng, tránh ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, nhằm mục đích né nộp BHXH và BHTN.

Bên cạnh việc doanh nghiệp lách luật, nhiều ý kiến cho rằng, quy định của Luật BHTN lại quá khắc nghiệt, cụ thể: Trong vòng 7 ngày kể từ ngày mất việc, chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động phải đăng ký thất nghiệp; 15 ngày sau đó, người lao động phải nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Như vậy, chỉ trong vòng 22 ngày, người lao động phải hoàn tất hồ sơ.

Trong khi đó, theo Luật BHXH, trong vòng 30 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, cơ quan BHXH mới chốt sổ BHXH cho người lao động. Vì thế, khi người lao động chưa kịp nhận sổ BHXH thì đã hết thời gian nộp sổ để đăng ký BHTN nên không ít người đành bỏ.

Ông Bùi Đình Khương, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: Hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa đóng BHTN cho người lao động, dù thời gian chậm đóng chỉ được phép đến tháng 7/2009. Tại TP.HCM, ngay sau khi quá trình thực hiện BHTN xảy ra một số vướng mắc, Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố thông báo đến các doanh nghiệp về quy trình chốt sổ trả sổ BHXH. Theo đó, sau khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan BHXH thành phố sẽ chốt sổ cho người lao động tối đa 25 ngày, giảm bớt 5 ngày so với quy định.

Mặt khác, đối với các doanh nghiệp nợ BHXH và BHTN, cơ quan BHXH chấp nhận cho những doanh nghiệp nợ BHXH 1 tháng được chốt sổ để người lao động hưởng BHTN. Nếu nợ dưới 3 tháng, doanh nghiệp phải cam kết trả nợ mới được chốt sổ. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề phát sinh trong việc chi trả BHTN không nằm trong tầm kiểm soát của sở, đó là các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải tham gia BHTN, nhưng trốn đóng BHTN, dù hàng tháng vẫn thu của người lao động.

Do đó, vấn đề quan trọng hiện nay là phải tuyên truyền cho người thất nghiệp biết thời điểm đăng ký để sớm được hỗ trợ ổn định cuộc sống sau thời gian bị mất việc làm. Bên cạnh đó, cần có mức phạt nghiêm khắc với những doanh nghiệp trốn đóng BHTN cho người lao động. Bởi nếu chỉ phạt để “răn đe” thì khó có thể ràng buộc được trách nhiệm của doanh nghiệp!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Phao cứu sinh” chưa phát huy tác dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO