Nông nghiệp Việt khát FDI vì cơ sở hạ tầng yếu

27/02/2015 03:25

Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản rót vốn vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng về giao thông, hệ thống tưới tiêu đang là rào cản khiến các NĐT còn ngần ngại chưa dám mạnh tay thực hiện các dự án.

Nông nghiệp Việt khát FDI vì cơ sở hạ tầng yếu

Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản rót vốn vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng về giao thông, hệ thống tưới tiêu đang là rào cản khiến các NĐT còn ngần ngại chưa dám mạnh tay thực hiện các dự án.

NĐT nước ngoài sẵn sàng rót vốn

Nhiều NĐT Nhật Bản đang âm thầm thử nghiệm để tính chuyện rót vốn vào ngành nông nghiệp của Việt Nam. Dự án trồng thử nghiệm cây xà lách tại Đà Lạt của NĐT Nhật Bản đang cho thấy triển vọng tích cực khi chi phí trồng trọt được tiết giảm đáng kể so với đầu tư tại nước này.

Đại diện của Ngân hàng Tokyo - Mitsubishi (Nhật Bản), đơn vị tài trợ vốn của dự án cho biết, xét riêng về chi phí sưởi ấm/làm lạnh của nông trại tại Việt Nam đã giúp NĐT tiết kiệm tới 85% chi phí so với trồng tại Nhật.

Đó là nhờ mức nhiệt độ ổn định quanh năm trong khoảng 17-20 độ C của Đà Lạt trong khi các vùng trồng hiện nay (Sandai, Hakata) của Nhật đều có nhiệt độ biến động thất thường từ 2 - 32 độ C. Chi phí sưởi ấm/làm lạnh chỉ vào khoảng 0,4 tỷ đồng/năm tại nông trại trồng thử nghiệm rộng 800 m2 tại Đà Lạt, trong khi tại Nhật lên tới khoảng 2,7 tỷ đồng/năm.

Dù không quá rầm rộ, song nhiều NĐT Nhật Bản vẫn đang âm thầm thử nghiệm để tính chuyện rót vốn vào ngành nông nghiệp của Việt Nam. Trưởng đại diện Văn phòng Hà Nội của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), ông Atsusuke Kawada khẳng định.

Không chỉ có sự tham gia của DN Nhật Bản, mới đây Bộ Nông Lâm Thuỷ sản của Nhật Bản có đưa ra ý tưởng hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm, vì Việt Nam sản xuất được nhưng chưa hình thành chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản. Về phát triển cơ sở hạ tầng tưới tiêu của đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay Nhật Bản đang rất tập trung hỗ trợ giúp đỡ Việt Nam phát triển thuỷ lợi vùng này, đặc biệt là tại tỉnh Bến Tre. Dự án này tập trung chủ yếu vào ngăn mặn, kiểm soát mặn, cung cấp nước tưới.

Rào cản từ cơ sở hạ tầng

Ông Kawada cho biết, nhìn chung trong mắt NĐT Nhật, nông nghiệp Việt Nam có lợi thế về điều kiện tự nhiên cũng như nguồn nhân lực, nhưng vấn đề mà các NĐT e ngại đó chính là cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp vẫn còn yếu kém.

“Trong lĩnh vực nông nghiệp, DN Nhật Bản lo ngại nhất là khâu lưu thông vận chuyển, tức là chuyển từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng. Nếu hỗ trợ của phía Chính phủ để cải thiện vấn đề này thì các DN Nhật sẽ quan tâm đầu tư mạnh hơn vào nông nghiệp. Chính phủ Nhật Bản cũng đang hỗ trợ Việt Nam để cải thiện khâu này”, ông Kawada nhấn mạnh.

Vì vậy cơ quan này đề nghị Chính phủ hai nước hỗ trợ tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng ngành nông nghiệp. Đại diện của Ngân hàng Tokyo - Mitsubishi thì đề xuất khu vực ưu tiên để phát triển hạ tầng nông nghiệp là TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), đồng bằng sông Cửu Long.

Mong muốn của các NĐT Nhật Bản khá thuận với quan điểm thu hút đầu tư trong nông nghiệp của Việt Nam. Tại cuộc họp đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn V được tổ chức hồi cuối năm vừa qua, ông Nguyễn Anh Minh, đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, Bộ này đang tập trung hỗ trợ nâng cao chuỗi giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, tập trung từ sản xuất, chế biến, bảo quản, lưu thông phân phối.

Đồng thời ông chia sẻ, muốn thu hút đầu tư FDI vào nông nghiệp, trước hết phải làm rõ những lĩnh vực đang khuyến khích các DN đầu tư vào, trong đó chủ yếu là lĩnh vực chế biến và thương mại. Vì vậy, phía Bộ đã xây dựng tầm nhìn phát triển nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, đang tiến triển tốt và dự kiến đến tháng 6/2015 sẽ ra được dự thảo tầm nhìn phát triển tổng thể ngành này.

Để hỗ trợ các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ngoài việc đề xuất các chính sách ổn định lâu dài, về phía Nhà nước cũng cần triển khai rất nhiều công việc có liên quan. Chẳng hạn không thể thiếu cơ sở hạ tầng tưới tiêu, các chính sách thúc đẩy đầu tư mà các DN tư nhân không thể xử lý được.

Ông Minh nhìn nhận, một số lĩnh vực lại cần sự vào cuộc của DN tư nhân, như khai thác thị trường, bảo đảm các kênh bán hàng, áp dụng công nghệ chế biến... “Trong lĩnh vực này, việc sử dụng tài chính và bí quyết của các DN tư nhân tôi thấy cần thiết, là chìa khoá cho sự phát triển lâu dài. Mặc dù nông nghiệp là lĩnh vực truyền thống, chúng tôi nghĩ không thể thiếu sự liên kết hợp tác của các DN tư nhân”, ông Minh nói.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lưu ý, muốn đảm bảo độ hấp dẫn thì cần quan tâm tới một vấn đề rất khác là bảo hiểm trong nông nghiệp. Quá trình làm thí điểm vừa cho thấy, DN không thiết tha với loại hình này vì quá rủi ro, vậy nên chăng Nhà nước có cơ chế hỗ trợ hoặc trực tiếp tham gia vào thị trường này.

>Tìm lối đi cho nông nghiệp Tây Bắc
>Nông sản Việt: Tốt vẫn bị "đè"
>Tìm đường nâng tầm nông sản Việt
>Cấm doanh nghiệp FDI trực tiếp mua nông sản

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nông nghiệp Việt khát FDI vì cơ sở hạ tầng yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO