Nhiều DN da giày đứng trước nguy cơ phá sản

Nguồn VietNamNet| 25/12/2009 05:48

DN da giày không muốn bàn tới quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá với giày mũ da Việt Nam của Ủy ban châu Âu (EC), vì đã quá mệt mỏi.

Nhiều DN da giày đứng trước nguy cơ phá sản

DN da giày không muốn bàn tới quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá với giày mũ da Việt Nam của Ủy ban châu Âu (EC), vì đã quá mệt mỏi.

DN da giày sẽ phải đối đầu với khó khăn thêm 15 tháng nữa khi mà kinh tế chưa thực sự phục hồi. (Ảnh: C.H)

Theo bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH giày Liên Phát (Bình Dương), ảnh hưởng thì DN đã hứng chịu 3 năm qua. Tuy nhiên, việc kéo dài thêm 15 tháng có thể khiến không ít DN đuối sức và có khả năng phá sản.

Chấp nhận lãi ít để giữ lao động

Ông Khương Mạnh Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tân Thành cho biết, DN của ông chuyên sản xuất giày mũ da dành cho nữ để xuất khẩu sang EU nên bao nhiêu khó khăn do Ủy ban châu Âu (EC) gây ra khiến Tân Thành hứng trọn.

Theo ông Khương, sự việc đã không thể cứu vãn nữa và DN buộc phải “sống chung với lũ”, bởi 3 năm qua, Tân Thành đã quen với khoản thuế 10%. Để có thể vượt qua, Tân Thành phải “đàm đạo” với đối tác để mỗi bên chia sẻ một ít. Tuy số lượng đơn hàng của Tân Thành giảm đáng kể, nhưng công ty vẫn cố bám chịu để chờ đợi.

Mặc dù vậy, ông Khương cho rằng, DN da giày Việt Nam đã chịu đựng được 3 năm qua, khó khăn chồng chất, song không vì thế mà giảm lương hay sa thải công nhân. Bởi, theo ông Khương, EC không thể cứ kéo dài thời gian áp thuế chống bán phá giá với Việt Nam mãi được.

Chính vì thế, việc sa thải công nhân trong thời điểm này là rất nguy hiểm, bởi khi mức thuế 10% được dỡ bỏ, DN khó mà tuyển được lao động lành nghề. Trong lúc này, Tân Thành vẫn còn thiếu khoảng 200 lao động nhưng vẫn không thể tuyển nổi người, huống hồ khi các DN tuyển đồng loạt còn khó kiếm hơn.

“Tân Thành chấp nhận lãi ít đi, khấu hao dài hơn, chứ không thể để lao động bỏ đi. Hiện, Tân Thành có khoảng 1.600 công nhân, nhưng vẫn chưa đủ lao động để sản xuất. Do đó, DN chỉ sản xuất cầm chừng để giữ chân công nhân, đồng thời giữ những khách hàng truyền thống”, ông Khương nói.

Thực sự khó khăn cho ngành da giày nếu những công nhân này thất nghiệp. (Ảnh: C.H)

Theo phân tích của ông Khương, 3 năm qua, DN của ông chỉ sản xuất cầm chừng, mong hòa vốn là đạt kế hoạch. Các đơn hàng trong thời gian qua đều tăng giá, trong khi các chi phí khác còn tăng mạnh hơn. Ông Khương cho rằng, may mà Tân Thành đã hoạt động được 10 năm, nên các chi phí khấu hao cũng nhẹ, chứ những DN mới thành lập thì rất căng thẳng.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng Thư ký Hội Da giày TP.HCM cho rằng, mức lương của công nhân ngành da giày ở EU với khoảng 3.000 EUR/tháng (khoảng 4.000 USD/tháng), trong khi đó mức lương của công nhân Việt Nam thua khoảng 15 lần. Điều này cho thấy tại sao sản phẩm của Việt Nam rẻ hơn.

“Việc EC áp dụng mức thuế chống bán phá giá với giày mũ da của Việt Nam là không phản ánh đúng thực tế về lợi thế nhân công rẻ và công nghệ hiện đại ở Việt Nam. EC liên tục gia hạn áp thuế thực chất chỉ là hành động bảo hộ cho ngành công nghiệp da giày của họ”, ông Khánh nói.

Theo ông Khánh, đã 3 năm ngành da giày Việt Nam phải chịu đựng khó khăn, việc thêm 15 tháng nữa sẽ như “giọt nước làm tràn ly”. Tuy nhiên, DN chỉ còn cách giảm lợi nhuận, giảm chi phí đầu vào… để tiếp tục “sống chung với lũ”.

Xoay đủ đường

Theo ông Khương, từ khi EC áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da của Việt nam, Tân Thành đã chọn giải pháp an toàn để chờ ngày được “giải oan”. Để có chi phí duy trì sản xuất và giữ chân công nhân, công ty đã thu hẹp sản xuất, dành kho, xưởng để cho thuê.

Ông Khương cho biết thêm, mặc dù sản xuất da giày nữ là ngành nghề chính, song hiện công suất sản xuất của Tân Thành chỉ chiếm 30% trong tổng đầu tư của công ty, do đó những khoản thu từ cho thuê mặt bằng có thể bù đắp được chi phí giữ chân công nhân.

Cho đến thời điểm này, mỗi năm Tân Thành giảm khoảng 25% về khối lượng xuất khẩu kể từ năm 2006. Tuy nhiên, ông Khương cho rằng, qua những đợt EC áp thuế chống bán phá giá, ông năng động hẳn lên bởi phải xoay xở đủ đường để duy trì sản xuất.

Chẳng hạn như các kho xưởng ông cho thuê, nếu DN thuê cũng bị ảnh hưởng bởi việc kéo dài thuế chống bán phá giá đợt này, ông vẫn có thể cho những DN khác thuê với mục đích khác. Một kế hoạch khá dài với nhiều phương án được ông Khương cất sẵn trong tủ phòng khi EC lại “bổn cũ soạn lại”.

Trong khi đó, bà Liên cho biết, để đối phó, cách duy nhất là DN phải thay đổi thị trường. Thay vì xuất khẩu sang EU, DN có thể đổi sang thị trường Nhật hoặc Mỹ để tiếp tục hoạt động. Nếu vẫn cứ bám vào EU, DN sẽ đối mặt với việc sụt giảm đơn hàng một cách chóng mặt.

Bà Liên cho biết thêm, trong 5 tháng đầu năm nay, Liên Phát không hề có đơn hàng nào. Từ tháng 6 trở lại đây, công ty mới có một số đối tác đặt hàng, tuy nhiên do khủng hoảng lao động nên Liên Phát cũng không dám ký nhiều hợp đồng. Chính vì thế mà doanh thu của công ty trong năm 2009 giảm khoảng 40% so với năm ngoái.

Nhiều DN tính chuyện thay đổi thị trường khi xuất khẩu vào EU gặp khó khăn. (Ảnh: C.H)
Theo phân tích của ông Khánh, trong 3 năm qua, Việt Nam xuất khẩu khoảng 2 tỷ đôi giày mũ da. Với mức thuế 10%, mỗi đôi giày của Việt Nam phải “cõng” thêm từ 10-15 cent. Nếu tính giá USD ở mức 18.000 đồng, nghĩa là mỗi đôi giày sẽ tăng thêm 2.000 đồng. Như vậy, từ khi EU áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày mũ da của Việt Nam, ngành công nghiệp này bị thiệt hại hơn 200 triệu USD.

Việc quay lại thị trường nội địa cũng được nhiều DN bàn tới, song theo bà Liên, nếu DN vừa sản xuất hàng xuất khẩu vừa sản xuất hàng nội địa thì mới quay về được. Chứ những DN chuyên sản xuất hàng xuất khẩu như Liên Phát thì chỉ biết ngồi chờ mà thôi.

Tuy nhiên, giải pháp ngồi chờ cũng không hề đơn giản bởi chi phí cho hàng ngàn công nhân hàng tháng không phải nhỏ. Cho đến thời điểm này, Liên Phát đã mất 500 lao động vì không đủ chi phí giữ chân họ.

Trước tình hình thiếu lao động như vậy, bà Liên đang lên kế hoạch dời nhà máy về các địa phương khác và thu hẹp xưởng ở Bình Dương, bởi ở những tỉnh lớn, việc cạnh tranh về nguồn lao động quá lớn.

“Đây là lúc DN đi tìm nguồn lao động mới để đào tạo. Tuy nhiên, tình trạng thiếu lao động hiện ở đâu cũng trầm trọng. Ngoài ra, hiện nguồn thu không có mà phải đầu tư nữa thì rất khó khăn. Nếu không thể tìm được lao động, chắc cũng phải đi đền bước cuối cùng là dẹp tiệm thôi”, bà Liên cho biết.

Ngoài ra, ông Khánh cho biết thêm, hiện nay nguyên phụ liệu cho ngành da giày Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 75%. Đây là một trong những nguyên nhân các DN không thể chủ động được nguyên phụ liệu để sản xuất, cũng như giá thành để cân đối trong kinh doanh.

Chính vì thế, trong lúc khó khăn này, DN rất cần một nguồn nguyên phụ liệu trong nước để chủ động sản xuất, đặc biệt là đối phó với EU.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều DN da giày đứng trước nguy cơ phá sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO