Ngày thi thứ 3: "Thiên nhiên" ghi điểm

VÂN THẢO - Ảnh: QUÝ HÒA, TĂNG KHÁNH| 19/09/2015 07:07

Phân phối cây xanh, kết hợp các sản phẩm có nguồn gốc từ thảo mộc hay gắn kết con người gần gũi với thiên nhiên bằng các chuyến phượt thám hiểm là những ý tưởng sáng tạo của thí sinh trong ngày thi hôm nay (19/9)

Ngày thi thứ 3:

Ngày 19/9, 6 thí sinh đã tham gia thuyết trình bảo vệ đề án kinh doanh trong Vòng chung khảo Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2015.

Các giám khảo chấm thi trong ngày thứ ba của vòng thi gồm: Doanh nhân Phạm Phú Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Lộc, doanh nhân Đỗ Thanh Năm - Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn & Hỗ trợ chiến lược Win-Win, doanh nhân Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food, doanh nhân Võ Thị Phương Lan - Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty CP Giao nhận Vận tải Mỹ Á, doanh nhân Nhan Húc Quân - Tổng giám đốc Công ty TNHH Bao bì giấy nhôm Newtoyo Việt Nam, doanh nhân Võ Trùng Dương - Giám đốc phát triển Công ty OhYeah Communications.

Các đề án dự thi gồm:

1/ Cây xanh LISTY (cung cấp cây xanh) của thí sinh Hồ Kim Thảo (đề tài nhóm)

2/ Trà tam vị (sản xuất và phân phối trà) của thí sinh Nguyễn Thái Anh Thư (đề tài nhóm)

3/ Xây dựng web và phần mềm ứng dụng bankbook của thí sinh Phạm Nguyễn Vĩnh Hoàng (đề tài nhóm)

4/ ECO City của thí sinh Võ Thị Mỹ Huyền (đề tài nhóm)

5/ Phượt Phú Yên của thí sinh Nguyễn Lê Khang Cường

6/ Cơm rang YE RICE của thí sinh Lê Tịnh Minh.

Ban giám khảo buổi thi sáng 19/9 (từ trái sang): Doanh nhân Đỗ Thanh Năm, doanh nhân Phạm Phú Trường, doanh nhân Lê Thị Thanh Lâm

Theo đánh giá chung của Ban giám khảo (BGK), mặc dù hầu hết các ý tưởng kinh doanh dự thi chưa mới nhưng phần trình bày chi tiết đề án của thí sinh đã thuyết phục được BGK, đặc biệt về phần nội dung giới thiệu sản phẩm.

Đối với những đề án liên quan đến loại sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên (cây xanh, thảo dược,...), giám khảo Thanh Lâm khuyến khích, việc lựa chọn kinh doanh những sản phẩm này sẽ là một lợi thế giúp đề án thu hút được sự quan tâm của đông đảo khách hàng, từ đó mở rộng thêm nhiều đối tượng khách hàng tiềm năng (người cao tuổi, nhân viên văn phòng, sinh viên...).

Nhóm thí sinh Võ Thị Mỹ Huyền (gồm 7 thí sinh) phối hợp ăn ý trong bài thuyết trình đề án ECO City

Tuy nhiên, thí sinh nên nghiên cứu sâu hơn về quy trình sản xuất cũng như cách thức chế biến sản phẩm, vì đây là những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến mức độ tin cậy của người tiêu dùng vào sản phẩm khi đưa ra ra thị trường.

Nhóm thí sinh Hồ Kim Thảo giải thích chi tiết về phương pháp nghiên cứu thị trường trong đề án Cây xanh LISTY (cung cấp cây xanh)

Đối với những sản phẩm là thực phẩm chức năng, BGK cũng nhấn mạnh sự khác biệt giữa loại sản phẩm này với thực phẩm thông thường, từ đó xác định được đúng cơ quan cấp phép giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (thực phẩm thông thường do Sở Y tế cấp phép, thực phẩm chức năng do Bộ Y tế cấp phép).

Thí sinh Lê Tịnh Minh thuyết phục được BGK bằng đề án chi tiết và thương hiệu logo YE RICE có thiết kế độc đáo

Bên cạnh những phân tích cụ thể về chiến lược phát triển sản phẩm, các giám khảo - đứng dưới góc độ là chuyên gia tài chính - cũng đã tư vấn chi tiết cho thí sinh về cách tính bài toán tài chính sao cho hợp lý và phù hợp với số vốn đầu tư thực tế của một dự án trong giai đoạn khởi nghiệp.

BGK buổi chiều 19/9 (từ trái qua): Doanh nhân Võ Thị Phương Lan, doanh nhân Nhan Húc Quân, doanh nhân Võ Trùng Dương

Thêm vào đó, giám khảo Phú Trường chia sẻ, có nhiều cách để giải quyết bài toán lợi nhuận cho công ty ngoài chiến lược tăng giá. Đó có thể là phương án tăng quy mô hoặc tăng sản lượng để làm tăng lợi nhuận.

Cũng liên quan đến vấn đề lợi nhuận, giám khảo Đỗ Thanh Năm cho hay, việc mở rộng kênh phân phối cũng là một cách giúp thúc đẩy việc gia tăng doanh số, cụ thể là việc đưa sản phẩm vào các kênh phân phối như siêu thị, cửa hàng nhỏ lẻ.... Ông khuyên, các dự án khởi nghiệp trước tiên nên "chạy" thử nghiệm bằng mô hình đơn giản để đánh giá tính hiệu quả của nó trước khi hoạt động với quy mô lớn.

Nhóm thí sinh Nguyễn Thái Anh Thư tự tin với đề án Trà tam vị độc đáo

Đề cập tới vấn đề quy mô công ty, giám khảo Phương Lan đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc xác định cơ cấu tổ chức và cơ cấu tài chính khi thành lập công ty.

Bên cạnh đó, giám khảo Trùng Dương cũng lưu ý thí sinh về tầm quan trọng trong việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu (logo, slogan...) để phù hợp với sản phẩm. Về cơ bản, điều này không chỉ giúp sản phẩm truyền tải được thông điệp một cách nhanh nhất mà còn định vị được sản phẩm trong lòng khách hàng và trên thị trường.

Thí sinh Nguyễn Lê Khang Cường phân tích những thế mạnh du lịch của địa phương trong đề án Phượt Phú Yên

Cũng liên quan tới bộ nhận dạng thương hiệu, giám khảo Húc Quân đánh giá chất lượng, thiết kế của bao bì sản phẩm giữ vai trò to lớn trong việc thu hút khách hàng và ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của họ. Nếu một sản phẩm thiết kế không bắt mắt, thiếu hướng dẫn sử dụng, cách bảo quản,... sẽ khiến người tiêu dùng nghi ngờ (đặc biệt đối với nhóm hàng thực phẩm).

Nhóm thí sinh Phạm Nguyễn Vĩnh Hoàng trăn trở với bài toán hội nhập

Kết thúc ngày thi thứ 3, bốn đề án "ghi điểm" với BGK về tính khả thi cao hầu hết là những sản phẩm hướng đến thiên nhiên bao gồm: ECO City của nhóm thí sinh Võ Thị Mỹ Huyền, Cơm rang YE RICE của thí sinh Lê Tịnh Minh, Trà tam vị của nhóm thí sinh Nguyễn Thái Anh Thư và cây xanh LISTY của nhóm thí sinh Hồ Kim Thảo.

BGK và các thí sinh tham gia buổi thi chiều 19/9

Đề án Phượt Phú Yên của thí sinh Nguyễn Lê Khang Cường được BGK đánh giá là sản phẩm mới, khác biệt.

BGK và các thí sinh tham gia buổi thi sáng 19/9

Nhóm thí sinh Phạm Nguyễn Vĩnh Hoàng với đề án Xây dựng web và phần mềm ứng dụng bankbook được BGK đánh giá cao về tính hội nhập.

>Ngày thi đầu tiên: "Điểm cộng" cho sáng tạo và đam mê

>Tính khả thi - yếu tố sống còn của đề án kinh doanh

>5 cách xác định tính khả thi của ý tưởng kinh doanh

>Lịch thi Vòng chung khảo

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngày thi thứ 3: "Thiên nhiên" ghi điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO