Nên tập trung thương mại, dịch vụ và logistics trong chiến lược phát triển TP.HCM

Ths-LS. Nguyễn Đức Nghĩa| 02/12/2019 04:57

TP.HCM là trung tâm kinh tế của cả nước, là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Định hướng đúng đắn các ưu tiên phát triển kinh tế thành phố là vấn đề cực kỳ quan trọng cho tương lai của thành phố và của đất nước.

Nên tập trung thương mại, dịch vụ và logistics trong chiến lược phát triển TP.HCM

Các ngành kinh tế tiêu biểu

Điều kiện địa lý tự nhiên đã giúp TP.HCM trở thành trung tâm thương mại kinh tế - xã hội của khu vực Nam bộ từ xa xưa. Ngoại trừ một số địa danh thương mại nổi tiếng ở các tỉnh trong vùng như Nông Nại Đại Phố ở Đồng Nai, Mỹ Tho Đại Phố ở Tiền Giang... thì các phố thị sầm uất ngày xưa hầu hết đều đặt tại Sài Gòn, với những khu phố phồn vinh như Chợ Lớn, Bến Nghé, Gia Định... 

Qua thời gian, TP.HCM đã tạo dựng nên các chợ tập trung là đầu mối thương mại cho cả vùng Nam Bộ, từ các ngành hàng truyền thống phục vụ nhu cầu cơ bản đến những trung tâm mua sắm hàng hiệu hiện đại. Hiện nay, TP.HCM trở thành trung tâm thương mại lớn ở khu vực Nam Bộ, có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ tới hoạt động thương mại của cả nước.

Khi thương mại phát triển còn tác động trực tiếp đến sự phát triển của một số ngành kinh tế khác, đặc biệt là du lịch. Sự phát triển của du lịch TP.HCM trước hết xuất phát từ vị trí trung tâm của khu vực. Từ TP.HCM, du khách có thể dễ dàng di chuyển đến các tỉnh thành khác trong vùng, từ Đông Nam Bộ qua miền đồng bằng miền Tây, thậm chí qua các quốc gia Đông Nam Á với khoảng cách vô cùng thuận tiện. 

Tại TP.HCM, khách hàng có thể dễ dàng trải nghiệm thú mua sắm do hoạt động thương mại rất nhộn nhịp tại các trung tâm thương mại quy mô lớn hay các chợ truyền thống như An Đông, Bình Tây, Bến Thành... Bên cạnh đó, du lịch TP.HCM còn sở hữu số lượng khách sạn hàng đầu cả nước, hầu hết đạt chuẩn từ 3 sao trở lên; đội ngũ nhân sự trong ngành du lịch rất lớn, có nhiều kinh nghiệm, được đào tạo chuyên nghiệp, đây là ưu thế nổi bật của du lịch TP.HCM so với các tỉnh thành khác.

Hoạt động kinh tế phát sinh sự tương tác giữa các ngành kinh tế và tác động trực tiếp tới ngành kinh tế hỗ trợ. Cụ thể tại TP.HCM, sự phát triển của logistics là tất yếu, phục vụ việc vận chuyển hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu. Với điều kiện địa lý tự nhiên, các cảng của TP.HCM nổi tiếng xưa nay như cảng Sài Gòn, Bến Nghé, Cát Lái... là những nơi trung chuyển hàng hóa chủ yếu của cả khu vực miền Nam.

Bởi vậy, hoạt động dịch vụ hậu cần logistics luôn được xác định là ngành kinh tế chủ yếu, mang lại nguồn thu lớn cho Thành phố. Nếu được đầu tư phù hợp, chắc chắn các ngành hỗ trợ thương mại, dịch vụ như logistics sẽ phát triển mạnh mẽ, không kém các trung tâm nổi tiếng trong khu vực như Singapore, Busan, Shanghai...

Tập trung hóa nguồn lực, chuyên môn hóa ngành kinh tế

Bất cứ hoạt động nào muốn thành công cần phải tập trung, đó là tập trung về cả vật chất và tinh thần để đạt được các mục tiêu nhất định. Khi tập trung nguồn lực trong kinh tế, chúng ta sẽ tạo cơ hội cho một số ngành có điều kiện thuận lợi nhất phát triển, bao gồm cả việc chia sẻ các nguồn lực đang dành cho ngành kinh tế khác. 

Chủ trương tập trung nguồn lực được thể hiện tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 về việc nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Trong đó, nhiệm vụ chủ yếu là: "1.2. Đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, vốn đầu tư và lao động sang sử dụng tổng hợp, có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững của nền kinh tế"; và "1.3. Cơ cấu lại nền kinh tế, ngành, vùng và sản phẩm chủ yếu theo hướng hiện đại, phát huy lợi thế so sánh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tập trung các nguồn lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cao và có thị trường tiêu thụ...".

Việc tập trung hóa nguồn lực có thể hiểu đơn giản là tại mỗi thời điểm khác nhau, TP.HCM sẽ lựa chọn các ngành làm mũi nhọn của nền kinh tế để phát triển, từ đó làm hạt nhân tác động toàn nền kinh tế. Việc tập trung hóa không làm ảnh hưởng trầm trọng tới ngành kinh tế khác mà chỉ tạm thời không ưu tiên vào các ngành kinh tế khác, mà sẽ dành ưu tiên cho họ trong các kỳ tiếp theo (nếu phù hợp).

Việc lựa chọn ngành để tập trung hóa phải căn cứ một số tiêu chí nhất định như: điều kiện kinh tế - xã hội thuận tiện; mục tiêu chung của kinh tế khu vực, quốc gia; sự tương tác với tỉnh thành kế cận; hiệu quả đầu tư của việc tập trung hóa so với các ngành khác...

Việc tập trung hóa nền kinh tế gắn liền với yêu cầu chuyên môn hóa lao động. Chuyên môn hóa là sự phân công lao động xã hội, trong đó mỗi doanh nghiệp (DN) tập trung nỗ lực sản xuất của mình vào một loại hoạt động duy nhất hay một vài hoạt động nào đó.

Việc chuyên môn hóa vào một nhiệm vụ duy nhất, DN sẽ thực hiện nhiệm vụ đó hiệu quả hơn nhiều so với trường hợp phải làm mọi việc, do sự quen thuộc và lặp lại hằng ngày sẽ nâng cao kỹ năng lao động, tránh những tổn thất về thời gian do phải chuyển từ việc này sang việc khác.

Vì những lý do đó, chuyên môn hóa đem lại năng suất lao động và sản lượng cao hơn. Chuyên môn hóa cũng làm cho nền kinh tế sử dụng nguồn lực khan hiếm của mình có hiệu quả hơn, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế thông qua việc cải thiện chất lượng của các nguồn lực hiện có, đặc biệt là lực lượng lao động.

Tập trung hóa và chuyên môn hóa có tác động tương hỗ lẫn nhau. Khi xác định tập trung hóa, chúng ta lựa chọn một số ngành nghề có lợi thế so sánh vượt trội hơn các ngành khác để thực hiện chuyên môn hóa các ngành này. Từ đó, tránh được tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực và không tạo nên tính đặc thù của nền kinh tế từng giai đoạn.

Ngược lại, việc chuyên môn hóa sẽ giúp cho chỉ duy nhất một vài ngành phát triển trong các điều kiện thuận lợi nhất. Các DN trong các ngành này sẽ tập trung hết các nguồn lực của mình chỉ để phát triển ngành chuyên môn chính mà thôi. Qua đó, thúc đẩy việc tăng năng suất lao động, gia tăng hiệu quả vốn đầu tư, tạo điều kiện cho các ngành phụ trợ phát triển theo, tạo nên sức mạnh tổng hợp, có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng của cả nền kinh tế.

Khi xác định tập trung hóa và chuyên môn hóa một số ngành, chính quyền sẽ kích thích sáng tạo để tạo nên những sản phẩm vĩ đại, những biểu tượng đặc thù nổi tiếng của địa phương, ví dụ như tháp Eiffel (Pháp), tháp Khalifa (UAE), Marina Bay Sands (Singapore)...

Các phân tích trên cho thấy, lợi ích to lớn của việc chuyên môn hóa và tập trung hóa sự phát triển kinh tế. Đồng thời, tôi cũng giới thiệu một số ngành kinh tế nêu ở trên cần trở thành mũi nhọn của kinh tế TP.HCM thời điểm hiện tại. Điều đó căn cứ vào:

- Điều kiện kinh tế - xã hội các ngành thương mại, du lịch, logistics là các ngành nghề đã và đang là ngành kinh tế chủ yếu, thu hút nhiều lao động, đóng góp nhiều cho ngân sách thành phố.

- Điều kiện địa lý tự nhiên: TP.HCM là trung tâm khu vực Nam Bộ, kết nối giao thông thuận tiện trong khu vực Đông Nam Á (kể cả đường biển, đường bộ và đường hàng không).

- Điều kiện nhân lực: TP.HCM có dân số đông (gần 10 triệu người), lực lượng dân số trẻ với nhiều trường trung cấp, cao đẳng, đại học tọa lạc trên địa bàn; dân cư có kinh nghiệm thương mại lâu đời.

- Điều kiện hạ tầng: TP.HCM có nhiều chợ lớn, chợ đầu mối, nhiều trung tâm thương mại, khách sạn hiện đại, cầu cảng được đầu tư tốt và nhiều công ty logistics quốc tế đặt văn phòng.

- Tác động xã hội: Thương mại dịch vụ ít gây ô nhiễm môi trường, không gây tác động nhiều tới hạ tầng đô thị do sử dụng lao động hạn chế, có chọn lọc, đáp ứng yêu cầu công ăn việc làm của cư dân hiện hữu.

- Một số ưu điểm khác: Không cần đầu tư nhiều vốn, chỉ cần tập trung sử dụng nguồn lực hiện hữu và cơ cấu lại để phát triển. Khả năng chuyển đổi nhanh do hạ tầng đơn giản, máy móc thiết bị không cồng kềnh, phức tạp...

Tôi tin tưởng rằng trong 10 năm tới, việc tập trung hóa vào các ngành thương mại, du lịch, logistics là phù hợp. Đây là những điều kiện cơ sở bước đầu để TP.HCM phát triển trong các kế hoạch 10 năm tiếp theo. Điều này, phù hợp quy luật chuyên môn hóa của nền kinh tế, khi các ngành nông nghiệp, công nghiệp nặng, công nghiệp phụ trợ hay một số nhà máy da giầy, dệt may... sẽ là ngành ưu tiên khuyến khích tại các tỉnh thành khác thuộc vùng kinh tế TP.HCM, có tác dụng tác động lẫn nhau trong sự phát triển phồn vinh của tổng thể nền kinh tế đất nước. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nên tập trung thương mại, dịch vụ và logistics trong chiến lược phát triển TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO