Mối lo tăng giá chưa dừng

02/04/2011 08:33

Đi chợ Hoàng Hoa Thám quận Tân Bình mua thịt gà vào sáng 30/3, chị Hồng ở gần chợ bàng hoàng khi thấy giá thịt gà tăng thêm 5.000 đồng mỗi ký. Ngay sau khi xăng tăng giá vào tối 29/3, giá thịt, cá, rau củ quả và nhiều loại thực phẩm thiết yếu khác ở chợ lẻ đã tăng ngay từ sáng 30/3.

Mối lo tăng giá chưa dừng

Đi chợ Hoàng Hoa Thám quận Tân Bình mua thịt gà vào sáng 30/3, chị Hồng ở gần chợ bàng hoàng khi thấy giá thịt gà tăng thêm 5.000 đồng mỗi ký. Ngay sau khi xăng tăng giá vào tối 29/3, giá thịt, cá, rau củ quả và nhiều loại thực phẩm thiết yếu khác ở chợ lẻ đã tăng ngay từ sáng 30/3.

Hàng bình ổn giá đã góp phần làm chậm mức tăng giá thực phẩm ở TP.HCM trong thời gian qua. Ảnh: Lê Quang Nhật

Chị Hồng nói: “Một tháng trước tôi mua thịt gà chỉ có 45.000 đồng/kg, nay đã lên 65.000 đồng/kg mà người bán còn bảo có thể tăng nữa”.

Giá tăng dây chuyền đến chợ lẻ

Tại các chợ lẻ, giá thực phẩm đã tăng ở mức 5 – 15% như giá bắp cải từ 8.000 đồng đã lên 11.000 đồng/kg, sườn non từ 110.000 đồng/kg lên 118.000 đồng/kg, cá nục từ 55.000 đồng/kg lên 60.000 đồng/kg. Lý do đều quy về một mối: xăng tăng giá. Ngay cả đại lý cung cấp nước uống đóng bình cho dân cư khu vực phường 3 quận 8 cũng thông báo từ 1/4 sẽ tăng giá thêm 2.000 đồng/bình nước để bù vào giá xăng và tiền cơm cho nhân viên.

Đại diện các siêu thị cho biết, ngay từ 1/4 sẽ áp dụng mức giá mới cho hàng trăm mặt hàng thực phẩm, hoá mỹ phẩm, may mặc, gia dụng. Ngay sau khi xăng tăng giá, nhiều đơn vị cung cấp hàng đã đề nghị siêu thị cho họ tăng giá “vì giá xăng đã tăng hai đợt”. Ngày 1/4, giá bán lẻ trứng gà, trứng vịt của các doanh nghiệp cung cấp trứng bình ổn giá cũng tăng 10 – 15%. Giá thực phẩm tươi sống và chế biến tăng 15%.

Mỗi phiên chợ, chị Nguyễn Thị Thu Thuỷ, tiểu thương chợ Tân Định, quận 1 lên lò mổ ở khu vực Hố Nai (Đồng Nai) lấy hai con heo về bán. Chị Thuỷ cho biết đoạn đường từ lò mổ về chợ dài khoảng 30km, tiền vận chuyển hai con heo trước đây là 50.000 đồng, nhưng nay nhà xe lấy lý do xăng dầu vừa tăng giá để tính thêm mỗi con 10.000 đồng.

Nếu như chỉ có khoản phí tăng thêm 120 đồng cho một ký thịt bán lẻ như cách tính của chị Thuỷ thì trong bối cảnh sức mua yếu như hiện nay, chị Thuỷ chưa chắc đã dám tăng giá. Ngặt một nỗi, như chị Thủy cho biết, giá thịt heo lấy từ lò cũng tăng. Ông Trần Quang Trung, thương lái ở Gia Kiệm, Thống Nhất, Đồng Nai cho hay, ngay trong đêm xăng tăng 2.000 đồng/lít, chủ xe tải tính thêm 50.000 đồng mỗi con heo chở từ Gia Kiệm về lò mỗ ở quận 12 thuê giết mổ. Rồi khoản tăng giá của mỗi ký thịt heo ở chợ đầu mối Tân Xuân không chỉ gánh chi phí vận chuyển từ nơi thu mua tới lò mà còn gánh thêm chi phí chuyên chở bằng xe lạnh từ lò mổ tới chợ. Trung bình, người bán phải trả thêm 20.000 đồng cho mỗi một con heo khi đi xe lạnh.

Một số chủ hàng chuyên cung cấp rau, thuỷ hải sản từ Lâm Đồng về chợ đầu mối Tam Bình cũng cho biết cước phí vận chuyển cho mỗi khay hàng (từ 30 – 50kg) tăng từ 3.000 – 5.000 đồng. Theo chị Thanh Hương, thương lái ở Đơn Dương, Lâm Đồng, tiền vận chuyển mỗi khay cà chua 30kg về chợ Tam Bình trong đêm 30/3 là 23.000 đồng, tăng 3.000 đồng; bao bắp cải 50kg là 25.000 đồng, tăng 5.000 đồng, cải thảo 40kg là 20.000, tăng 3.000 đồng…

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc công ty Vĩnh Thành Đạt cũng cho biết bộ phận kế toán vừa tính toán ra khoảng tiền xăng dầu vận chuyển trứng từ các tỉnh về thành phố mỗi tháng tăng thêm 40 triệu đồng, từ 200 triệu lên 240 triệu đồng.

Lo tăng giá vẫn chưa dừng

Câu chuyện râm ran trong các tiểu thương ở chợ Bến Thành, Tân Định, Bà Chiểu trong hai ngày cuối tháng ba vừa qua cũng xoay quanh câu chuyện giá thực phẩm tăng, giá các mặt hàng khác rồi cũng sẽ tăng. Bà Mai, chủ sạp bách hoá thực phẩm chợ Tân Định e ngại: “Giá tăng chưa biết lúc nào sẽ dừng. Trong tháng vừa rồi có công ty đồ hộp đã điều chỉnh tăng giá đến ba lần cho các mặt hàng khác nhau. Giá tăng, sức mua giảm, chợ càng ế thì chi phí bán hàng mỗi ngày lại càng tăng thêm. Cái vòng luẩn quẩn này vẫn chưa dứt ra được”.

Lo sợ giá tăng, không ít bà nội trợ tính mua hàng dự trữ. Như bà Nguyệt, ngụ trong hẻm đường Trường Chinh, quận Tân Bình đã mua ngay một tạ gạo trong sáng 31/3 sau khi nghe đại lý bán gạo cho biết giá gạo ngon sẽ tăng khoảng 500 đồng/kg. Tại cửa hàng Vissan trên đường Nguyễn Trãi, quận 5, một nữ nhân viên văn phòng sau giờ làm việc đã ghé vào mua sáu lít dầu ăn, và gần cả chục ký bột ngọt, hạt nêm, đường… Cô này cho biết: “Đây là những thứ dùng thường xuyên, cứ mua trữ cho chắc ăn”.

Giá tăng đã buộc người tiêu dùng phải chi tiêu nhiều cho thực phẩm. Số liệu thống kê của Saigon Co.op cho thấy, trước năm 2008 doanh thu giữa các nhóm hàng phi thực phẩm và thực phẩm chiếm tỷ lệ 56% và 44%, nhưng đến tháng 3/2011 này thì cơ cấu đã đảo lại là thực phẩm chiếm 57% và phi thực phẩm chiếm 43%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mối lo tăng giá chưa dừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO